Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí
18/05/2015 08:26:14
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tài năng lớn về văn chương, hiểu theo nghĩa rộng. Tuy nhiên, nhiều lần trả lời phỏng vấn báo chí và trong thời kỳ hoạt động bí mật, khi cần đăng ký tham dự một đại hội quốc tế, Người thường nói nghề nghiệp của mình là nhà báo.

Tin liên quan

Nói chuyện tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam năm 1959, Bác mở đầu: "Là một người có nhiều duyên nợ với báo chí, Bác nêu vài ý kiến để các cô, các chú tham khảo…"(1).

Nên hiểu thế nào về hai từ duyên nợ của Bác Hồ? “Nợ” thì rõ: Nợ nước thù nhà; gánh nợ mà suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không phút giây nào không nghĩ tới. Tuổi hai mươi, Người rời quê hương ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Đến khi đã vượt xa cái mốc tuổi 75, vừa đi chữa bệnh về, Bác Hồ yêu cầu sắp xếp cho Bác được vào miền Nam thăm đồng bào, chiến sĩ đang chiến đấu. 18 tháng sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi vào cõi vĩnh hằng.

Còn “duyên”? Chắc không phải cơ duyên, nhân duyên theo cách hiểu của Phật tử; cũng không hẳn duyên do trời định, như dân gian ta thường nói. Cái “duyên” của Bác Hồ đối với báo chí sâu rộng lắm, nghĩa tình lắm, gian nan lắm, thể hiện suốt cuộc đời Bác dấn thân vì cách mạng.

Tác phẩm văn chương đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh nay chúng ta còn giữ được là một bài báo. Một bài luận chiến Người viết năm 1919, phản bác quan điểm của tờ báo sặc mùi thực dân, như tên gọi của nó: Le Courrier Colonial (Thư tín thuộc địa).

Bác Hồ tự đánh máy các bài viết của Người tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) kết thúc. Tháng 1-1919, các nước chiến thắng họp Hội nghị Hòa bình tại Pa-ri bàn việc chia lại thị trường. Thay mặt nhóm người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”. Một tuần sau, báo Le Courrier Colonial đăng bài xách mé: “Làm sao một người dân thuộc địa lại có thể dùng bản yêu sách của nhân dân để công kích Chính phủ Pháp. Không được! Phải kìm giữ chúng mãi mãi trong vòng nô lệ”. Ngay lập tức, Nguyễn Ái Quốc có bài đáp trả, phê phán những tay bồi bút, vạch trần “Tâm địa thực dân” (nhan đề bài viết) của chúng.

Hoạt động báo chí quan trọng cuối cùng của Bác Hồ là cuộc trả lời phỏng vấn báo L’Humanité, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp tháng 7-1969, hơn một tháng trước khi Bác ra đi "gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác”. Nội dung cuộc phỏng vấn đề cập, Hồ Chí Minh đã bằng cách nào gặp tư tưởng Lê-nin, và quan điểm của Lê-nin về vấn đề dân tộc đã tác động như thế nào đối với cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam giành độc lập, tự do.

Từ bài viết đầu tiên đến bài trả lời phỏng vấn cuối cùng của Bác là hơn 50 năm. Trong hơn nửa thế kỷ, mọi việc làm của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đều hướng về mục tiêu duy nhất: Cứu nước. Hơn nửa thế kỷ hiến thân cho nghĩa cả đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đến những thành tựu được thế giới tôn vinh: “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, người cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Kết tinh truyền thống văn hóa ngàn năm của nhân dân Việt Nam, hiện thân khát vọng của các dân tộc gìn giữ bản sắc”(2), “là một nhân vật hiếm hoi trở thành huyền thoại khi đang còn sống”(3)…

Là chiến sĩ cách mạng và nhà văn hóa với quan điểm “văn hóa cũng là một mặt trận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia mọi lĩnh vực văn hóa, tùy thuộc nhu cầu và hoàn cảnh. Người vốn không ham làm thơ, nhưng nhiều bài thơ Người làm là những áng thơ hay. Thơ Hồ Chí Minh đậm tính nhân văn. Người là nhà thơ có tài. Đó là cảm nhận của bất kỳ ai đọc thơ Bác, trước hết là người nước ngoài. Tập thơ Nhật ký trong tù của Người đã được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ trên thế giới.

Hồ Chí Minh làm thơ bằng Hán văn cổ trong khi các bài văn xuôi của người viết tại Pa-ri nửa đầu thập niên 1920 lại dùng tiếng Pháp hiện đại. Giáo sư Phạm Huy Thông khẳng định: “Hồ Chí Minh đã viết Nhật ký trong tù với phong cách Đường Tống, thì cũng đã viết những truyện và ký bằng tiếng Pháp như một ngòi bút phương Tây sắc sảo, rất điêu luyện, rất Pháp... Người nắm ngôn ngữ Pháp vững vàng, sử dụng ngôn từ Pháp tế nhị. Người thâm nhập lối tư duy Pháp”(4).

Cùng với truyện ngắn, tùy bút, tiểu phẩm, Bác Hồ còn viết kịch, tiểu thuyết viễn tưởng, tiếc là chúng ta chưa sưu tầm được nhiều. Nổi bật hơn cả là chính luận. Jean Lacouture, một nhà báo, nhà văn, nhà sử học hàng đầu của nước Pháp, năm nay 95 tuổi, khi chuẩn bị tư liệu viết cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh (Pa-ri,1967), đã tìm đọc lại Bản án chế độ thực dân Pháp, một số bài của Nguyễn Ái Quốc đăng trên các báo: L'Humanité, La Vie Ouvrière, Le Populaire và đặc biệt Le Paria..., đã thốt lên: "Sau 40 năm đọc lại, vẫn thấy vô cùng thích thú. Quả là bút pháp của một cây luận chiến tài ba!"(5).

Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ ham muốn một sự nghiệp văn chương. Dù viết dưới hình thức văn học bay bổng hay tiểu phẩm báo chí, mọi tác phẩm của Người trước hết và bản chất là những bài văn chiến đấu.

Những nhận xét trên đây dẫn chúng ta đến câu hỏi: Bác Hồ nói văn hóa cũng là một mặt trận. Bác là người đa tài. Tại sao Bác cho mình "có duyên với báo chí" hơn các loại hình văn hóa khác? Lần theo những lời Bác phát biểu về vai trò, chức năng, hiệu lực của báo chí vào những dịp khác nhau, chúng ta sẽ thấy tỏa sáng cái duyên nợ của Người đối với báo chí.

Bác nói: "Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết nên những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương" (Trả lời phỏng vấn, năm 1946). "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà" (Thư gửi anh em trí thức Nam Bộ, năm 1947). Với những cán bộ học viết báo, Bác ân cần dạy bảo: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc" (Thư gửi Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, năm 1948). Bác dặn các nhà báo, trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết cần tự mình sáng tỏ, ta “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?” (Phát biểu tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1959), “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng” (Phát biểu tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962). "Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh..." (Điện mừng Hội Nhà báo Á-Phi, năm 1965)...

Bác Hồ nói: "Kinh nghiệm làm báo của Bác là kinh nghiệm ngược. Bác học viết báo Pháp trước, rồi học viết báo Trung Quốc, rồi sau mới học viết báo Việt Nam". Sự ngược ấy bắt nguồn từ yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và hoàn cảnh từng lúc, từng nơi. Khởi đầu, Nguyễn Ái Quốc thông qua những bài báo viết bằng tiếng Pháp, đánh động dư luận Pháp và châu Âu về tình cảnh các nước thuộc địa trên bán đảo Đông Dương. Đến làm việc tại nước nào, Bác cũng cố gắng nắm vững ngôn ngữ nước ấy để viết báo, như tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Trung Hoa... Cuối cùng, Nguyễn Ái Quốc trở lại phương Đông cho gần Tổ quốc hơn. Và, gần như một mình, với những phương tiện cực kỳ thô sơ, với sự giúp sức của mấy đồng chí là học trò của Người, Nguyễn Ái Quốc sáng lập, tổ chức thành công Báo Thanh niên, đều đặn gửi về nước lưu hành bí mật. Báo Thanh niên đặt nền móng chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. 15 năm sau, vừa về tới Việt Bắc, Người cho ra đời Báo Việt Nam độc lập với mục đích, tôn chỉ như một chính cương: “Việt Nam độc lập” thổi kèn loa / Kêu gọi nhân dân trẻ với già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta”(6).

Cách mạng Tháng Tám thành công, trên đường từ chiến khu về Hà Nội, Bác Hồ chỉ thị nhanh chóng thành lập Đài Phát thanh quốc gia, mà lời xướng trở thành biểu tượng dân tộc: "Đây là Tiếng nói Việt Nam...". Từ đó, với trọng trách nhà lãnh đạo tối cao của dân tộc và của Đảng, nguyên thủ quốc gia, công việc hết sức bộn bề, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn viết báo không mệt mỏi, với đam mê ít người sánh bằng, có bài đăng trên nhiều tờ báo lớn. Bác đọc báo, viết báo cho tới ngày cận kề lúc đi xa. Qua hơn 2000 bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bất cứ thời gian, hoàn cảnh nào cũng coi báo chí là một kênh thông tin có sứ mệnh giáo dục cán bộ, hướng dẫn nhân dân, tổ chức phong trào, bày tỏ chính kiến đối với mọi vấn đề thời cuộc.

Một nhà lãnh đạo cách mạng với ý chí cao cả, tài năng lớn và tâm hồn nhân hậu như Bác Hồ có thể thành công ở bất kỳ loại hình văn hóa, nghệ thuật nào, nhưng Người chuộng báo chí trước hết, Người trở thành "người có nhiều duyên nợ với báo chí", bởi đối với Người, báo chí luôn là đội quân đi đầu trong công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, ngoại giao... Báo chí có điều kiện hơn bất cứ thể loại văn chương nào, thông tin trực tiếp, kịp thời chủ trương, chính sách đến nhân dân, tiếp nhận ý chí, tâm tư của công chúng, quảng bá và phản biện, giáo dục và đấu tranh, tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy mọi người chung lòng chung sức đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống mới trong độc lập, tự do, phẩm giá con người.

Nguyên lý ấy, thực tiễn ấy đúng một thế kỷ trước, khi Nguyễn Ái Quốc sáng lập Báo Thanh niên, mở đầu nền báo chí cách mạng Việt Nam, trong bối cảnh thân phận người dân nước ta chẳng khác người nô lệ. Thực tiễn ấy càng đậm nét hơn ngày nay, khi tại nước Việt Nam độc lập, tự do, báo chí từ hoài vọng đã trở thành hiện thực, khi truyền thông bùng phát toàn cầu, hùng hậu, đa dạng, biến ảo tới mức khó hình dung, biến trái đất tròn thành thế giới phẳng. Bất kỳ trong bối cảnh nào, sứ mệnh báo chí chân chính từ xưa đến nay vẫn là thông tin, quảng bá cái lành, cái đẹp, đẩy lùi cái dữ, cái xấu, phấn đấu vì tự do, hòa bình, tình thân, lợi ích chính đáng và phẩm giá của con người. Đó là “mẫu số chung” của báo chí đích thực, bất luận quan điểm chính trị hay truyền thống văn hóa. Đó là cốt tủy tạo nên cái duyên, cái nợ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với báo chí. Đó chính là bản chất và truyền thống của báo chí Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập VIII.

(2) Nghị quyết của UNESCO, 1990.

(3) Modagat Ahmed, Giám đốc UNESCO Khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

(4) Truyện và ký của Hồ Chí Minh, NXB Văn học, 1974.

(5) Sách đã dẫn, tr.31-32.

(6) Hồ Chí Minh toàn tập, tập VII.

Theo PHAN QUANG - QDND.VN

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến