Dòng sự kiện:
Bài học đắt giá về quản lý đầu tư
28/07/2019 11:52:33
Tỉnh Lai Châu đã lựa chọn CTCP Tập đoàn Hưng Hải là nhà đầu tư chiến lược, triển khai 17/62 dự án trong Quy hoạch phát triển hệ thống điện quốc gia nhưng là 17 dự án lớn nhất, chiếm tới 75% tổng công suất.

Thế mà, suốt nhiều năm qua, công ty này không triển khai các dự án đúng tiến độ khiến địa phương mới đây phải thu hồi 5 dự án. Cùng với bài học quản lý đầu tư còn là bài học quản lý khoáng sản...

Khi doanh nghiệp nói không đi đôi với làm

Ngày 3-5-2012, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2254/QĐ-BCT về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2015, có xét đến 2020”. Theo đề án Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Lai Châu, trong giai đoạn 2011-2015, tổng sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh được dự báo tăng trưởng 24,1%/năm. Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Lai Châu sẽ có 62 dự án thủy điện vừa và nhỏ, tổng công suất thiết kế được xác định là 682,31MW.

Để triển khai quy hoạch này, UBND tỉnh Lai Châu đã lựa chọn Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải là nhà đầu tư “chiến lược” được đặc biệt ưu đãi thực hiện 17/62 dự án được phê duyệt, chiếm công suất 512MW, tương đương 75% tổng công suất thiết kế của 62 dự án.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải được giới thiệu là tập đoàn kinh tế tư nhân với hơn 15 năm hoạt động, nay đã có hơn 10 công ty thành viên, với hoạt động ban đầu là thi công các công trình giao thông ở Lai Châu, nay đã phát triển thêm nhiều ngành nghề mới. Riêng ở khu vực Tây Bắc, công ty đã đầu tư nhiều dự án xây dựng nhà máy thủy điện như: Thủy điện Suối Chăn ở Lào Cai, thủy điện Tả Páo Hồ; thủy điện Nậm Na 2, thủy điện Nậm Na 3 ở Lai Châu; thủy điện Sông Mã 3 ở Điện Biên...

Ông Trần Đình Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải từng khẳng định: “Các dự án thủy điện vừa và nhỏ khi đưa vào vận hành sẽ giữ một vai trò đặc biệt quan trọng đối với các tỉnh miền núi Tây Bắc; làm giảm tổn thất điện năng trên đường dây truyền tải của hệ thống lưới điện quốc gia, chủ động nguồn năng lượng cho các vùng kinh tế vùng sâu, vùng xa;  góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách hằng năm; bảo đảm việc làm cho hàng nghìn lao động; góp phần cải thiện môi trường sinh thái…”.

Với chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh Lai Châu đã hết sức tạo mọi điều kiện cho Hưng Hải. Song qua suốt mấy năm triển khai, đến nay công ty mới phát điện được 1 tổ máy, đang thi công 5 dự án khác và bán 2 dự án cho đơn vị khác đầu tư.

Không thể chấp nhận sự chậm trễ đó, ngày 15-9-2015, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư 5 dự án: Nậm Cuổi A, Nậm Ma, Nậm Ngằn, Nậm Lằn và Tả Páo Hồ của Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải. Lý do thu hồi vì dự án chậm tiến độ 12 tháng so với tiến độ đăng ký trong Giấy chứng nhận đầu tư, vi phạm điểm g, khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Sỹ Chín, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu thừa nhận có việc thu hồi 5 dự án thủy điện đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải. Tuy nhiên, ông Chín cho biết, mọi việc mới dừng lại ở chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy và có giao cho Ban Nội chính Tỉnh ủy Lai Châu thông báo. Các bước tiếp theo cũng như lựa chọn nhà đầu tư nào thực hiện dự án thì vẫn “chưa có động thái gì”.

Một công trường khai thác khoáng sản của Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải. 

Cần rà soát, kiểm tra tổng thể

Thực trạng thời gian qua, có không ít doanh nghiệp tư nhân năng lực còn hạn chế nhưng vẫn ôm đồm nhiều dự án vượt quá khả năng theo kiểu “nhận phần” rồi bán lại kiếm lời. Điều đó dẫn đến các dự án bị chậm trễ, làm mất cơ hội đầu tư của nhiều doanh nghiệp khác. Với sự việc này, chỉ thu hồi dự án có lẽ là chưa đủ. Thiết nghĩ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu và các cơ quan chức năng cần làm rõ năng lực của Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải, nguyên nhân dẫn đến 5 dự án bị đổ bể. Cùng với đó, cần có cuộc rà soát, kiểm tra tổng thể các dự án còn lại, không để tái diễn sự chậm trễ. Bên cạnh đó, phải xử lý trách nhiệm của các tập thể và cá nhân liên quan.

Một vấn đề hết sức quan trọng cần phải làm rõ là theo phản ảnh của một số bạn đọc, câu chuyện này không chỉ dừng ở vấn đề thủy điện vì các khu vực triển khai dự án thủy điện đều nằm trong các vùng có nhiều mỏ khoáng sản, nhất là các mỏ đất hiếm. Lâu nay ở Tây Bắc từng xảy ra chuyện doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa làm thủy điện, làm hạ tầng để tranh thủ khai thác đất hiếm mà bỏ bê, xem nhẹ nhiệm vụ chính. Nhiều người dân địa phương bày tỏ lo lắng về việc lợi dụng chính sách giao dự án để tận thu khoáng sản, khai thác tài nguyên rừng, đến khi kiệt quệ thì tìm cách trả lại dự án. Như vậy, sau khi doanh nghiệp đi, lãnh đạo tỉnh luân chuyển, để lại hệ lụy đau xót cho xã hội, người dân địa phương trực tiếp gánh chịu. Như vậy, có hay không việc Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải “chiếm dụng” dự án để tận thu khoáng sản, khai thác tài nguyên chứ không vì mục tiêu phát triển năng lượng quốc gia là vấn đề rất cần được làm rõ?

Để làm rõ những kiến nghị của bạn đọc, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã nhiều lần liên hệ với ông Trần Đình Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn “sẽ cung cấp”, “sẽ trao đổi thông tin” rồi không thực hiện.

Ông Vương Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu từng khẳng định, ngoài tiềm năng về thủy điện thì Lai Châu còn có nguồn tài nguyên khoáng sản quý là những mỏ đất hiếm, đây là hai "mũi nhọn" giúp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Rõ ràng với định hướng đó thì những việc làm của Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải thời gian qua đã gây ra những “thiệt hại kép” đối với một địa phương nghèo đang rất cần chắt chiu các nguồn lực để phát triển.

Theo Quân đội nhân dân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến