Nghi vấn xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TP Thanh Hóa và vùng phụ cận (gồm xã Đông Nam, huyện Đông Sơn và 4 xã thuộc huyện Quảng Xương) được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 817/QĐ-UBND, ngày 15/3/2010; điều chỉnh tại Quyết định số 2591/QĐ-UBND, ngày 20/7/2017, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 266.392,64 m2. Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa làm chủ đầu tư.
Bãi rác Đông Nam đang chứa gần 900 tấn rác thải sinh hoạt, đang quá tải nghiêm trọng
Bãi rác bắt đầu vận hành năm 2014. Nhiều năm nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây đã trở thành một vấn đề nhức nhối với người dân và chính quyền địa phương
Tại đây, các biện pháp xử lý rác thải chủ yếu dựa vào phương án thủ công, chôn lấp và phun thuốc. Chuyện bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến người dân xung quanh là chuyện thường tình khi bãi rác đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng.
Đây là khu xử lý nước thải đơn sơ của bãi rác
Ông Lê Anh Xuân, Giám đốc xí nghiệp xử lý môi trường thuộc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa giới thiệu với PV quy trình xử lý nước thải của bãi rác.
Theo vị này, nước rỉ rác được thu gom về hồ chứa số 1, tại đây họ sẽ xử lý bằng công nghệ sinh học rồi bơm sang bể lắng số 2. Sau quá trình tự phơi ngoài trởi, không cần phải xử lý, nước đã đạt tiêu chuẩn sẽ chảy tràn sang bể số 3. Khi hồ chứa đầy thì sẽ tự chảy tràn ra môi trường theo đường mương được xây dựng.
Nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn sẽ theo bể số 3 tràn ra ngoài (hướng mũi tên)
Nếu quan sát vào ban ngày, mọi quy trình có vẻ đúng quy chuẩn khi không có bất kỳ dòng nước thải nào, ngay cả từ bể số 3 chảy tràn ra ngoài. Nhưng trên thực tế, theo ghi nhận của PV, cứ đến chập tối, thường khoảng 18h30 hàng ngày, dòng nước thải chưa qua xử lý có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, nổi bọt trắng sẽ được bơm thẳng ào ạt ra ngoài theo một đường ống khác bằng vải bạt màu vàng.
Quan sát vào ban ngày không có gì bất thường, cũng không có nước từ bể số 3 ra ngoài
Một người dân sống gần khu vực dòng chảy của bãi rác cho biết, thường có nước màu đen, mùi hôi thối chảy vào ao cá và tình trạng cá chết thường xuyên xảy ra. Họ cho rằng, nguyên nhân do nước thải của bãi rác gây nên.
Nhưng đêm đến, đường ống này mới xuất hiện
Trao đổi với báo chí, bà Tống Thị Thọ, Chủ tịch công đoàn Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa cho biết: Bãi rác Đông Nam đã vận hành từ năm 2014 và được thiết kế với tuổi thọ dự kiến chỉ 5,8 năm. Tuy nhiên, nó đã hoạt động tới nay là 9 năm. Hơn nữa, công suất được phê duyệt chỉ 230 tấn/ngày, tuy nhiên thực tế hiện nay bãi rác đang phải xử lý 380 tấn/ngày, quá tải nghiêm trọng.
Nước thải chưa qua xử lý theo đường ống bơm ồ ạt ra môi trường
Bà Thọ thừa nhận tình trạng rò rỉ nước thải và mùi hôi thối là vấn đề không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định rằng công ty không cho phép xả thải không qua quy trình xử lý ra môi trường.
“Không bao giờ công ty cho phép việc xả nước thải không qua xử lý ra môi trường. Tuy nhiên, không loại trừ công nhân tự ý làm việc đó, chúng tôi sẽ làm rõ việc này và có câu trả lời với báo chí", bà Thọ nói.
Nước màu đen kịt, mùi hôi thối
Chủ tịch công đoàn của công ty này cũng cho biết thêm, hiện nay dự án Nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Ecotech đang triển khai, nếu có nhà máy này thì sẽ giảm tải cho bãi rác, nhưng dự án đang chậm tiến độ, chưa biết bao giờ mới hoàn thiện.
Cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng
Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bãi rác, anh Lương Văn Hùng, một người dân tại xã Đông Nam, cho biết: Năm 2014, UBND huyện Đông Sơn thu hồi 6247,05 m2 đất nông nghiệp của gia đình anh Hùng để thực hiện dự án Khu liên hợp xử lý rác thải sinh hoạt của TP Thanh Hóa.
Tuy nhiên, theo lời kể của anh Hùng, quá trình đền bù đã gây ra nhiều sai sót. Hội đồng giải phóng mặt bằng đã tiến hành kiểm kê, đền bù thiếu đất cho gia đình; ghi tên sai mục đích sử dụng cho từng thửa đất, khiến gia đình anh bị thiệt hại.
Cụ thể, thửa đất số 01, mà gia đình anh Hùng sử dụng để trồng lúa, bị ghi nhầm thành thửa trồng cây hàng năm. Thửa số 05, được sử dụng làm đất chuồng trại, chăn nuôi, lại bị ghi nhầm thành đất rừng sản xuất. Đặc biệt, thửa đất số 15 của gia đình anh Hùng đã bị ghi tên cho một hộ khác mà gia đình anh không hưởng được bất kỳ sự hỗ trợ nào.
Nơi có dòng nước thải chảy qua, cá chết nổi lềnh phềnh trong ao của người dân
Anh Hùng cho hay, hiện phần diện tích đất còn lại bên cạnh bãi rác vẫn chưa có quyết định thu hồi, gia đình anh đang sử dụng để chăn nuôi.
“Trang trại từng là nguồn thu chính của gia đình tôi. Nhưng từ khi có bãi rác, môi trường ô nhiễm không thể chăn nuôi quy mô lớn như trước. Hiện nay tôi chỉ còn nuôi dê và bò, tuy nhiên, do thiếu nguồn nước sạch để uống, vật nuôi thường xuyên bệnh tật và chết. Không những vậy, mùi hôi thối từ bãi rác khiến gia đình tôi không thể sống trong trại để trông coi và quản lý đàn gia súc”, anh Hùng nói.
Gia đình anh Hùng đã nhiều lần đề xuất chính quyền địa phương xem xét thu hồi toàn bộ phần diện tích đất còn lại để anh có thể di dời hoạt động sản xuất đến nơi khác nhưng chưa được giải quyết.
Tiếp nhận thông tin phản ánh từ báo chí về việc xả thải ra môi trường của bãi rác, ông Lê Trọng Thụ, Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn cho biết, huyện sẽ giao cho các phòng chức năng kiểm tra, làm rõ.
Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa (số 467 Lê Hoàn, phường Ngọc Trạo, TP. Thanh Hóa) có 52% vốn Nhà nước, do ông Hồ Viết Lân làm người đại diện pháp luật.
Trước đó, tháng 9/2023, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty này số tiền 350 triệu đồng về hành vi tiếp nhận, chôn lấp khối lượng chất thải rắn sinh hoạt vượt quá công suất.
Cụ thể, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa đã thực hiện tiếp nhận, chôn lấp khối lượng chất thải rắn sinh hoạt vượt quá công suất và thời gian so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt (công suất tiếp nhận thực tế hàng ngày khoảng 380 tấn/ngày, công suất theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt là 230 tấn/ngày, thời gian dự án là 5,8 năm kể từ ngày 11/11/2013; tương ứng với tổng khối lượng là 486.910 tấn; thực tế công suất tiếp nhận trung bình 380 tấn/ngày, tổng khối lượng đã tiếp nhận, chôn lấp là 857.078 tấn).
Lương Diễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy