Thiếu nguồn cung vàng
Người Đưa Tin (NĐT): Trước diễn biến giá vàng tăng liên tục thời gian qua, Ngân hàng Nhà Nước đã thực hiện nhiều phiên đấu thầu vàng nhưng vẫn chưa bình ổn được do nhiều nguyên nhân. Ở góc độ chuyên gia, theo ông, việc đấu thầu có giải quyết được thực trạng này?
Tiến sĩ Trần Nguyên Đán (chuyên gia kinh tế, giảng viên Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM): Giá vàng thời gian vừa qua liên tục tăng giảm, và có xu hướng tăng. Vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng nhưng thực tế, giá vàng trong nước vẫn chênh lệch cao so với giá vàng thế giới.
Về nguyên nhân gốc rễ của tình trạng trên, tôi cho rằng, hiện tượng này cho thấy chúng ta thiếu nguồn cung về vàng.
Đã nhiều năm rồi Ngân hàng nhà nước chưa cấp phép cho các đơn vị tư nhân nhập khẩu vàng, nên mới khan hiếm nguồn cung. Nhu cầu vàng tăng cao vì SJC - đơn vị của nhà nước thừa nhận vàng không còn là vàng nữa mà là một loại tiền tệ đặc biệt.
Thực tế cho thấy vàng của PNJ, SPJ hay của đơn vị khác thì giá vàng sát với giá vàng thế giới, nhưng SJC cao hơn thế giới đáng kể, từ 15 đến 20 triệu đồng.
Tôi cho rằng, Ngân hàng nhà nước đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường cũng là một biện pháp dễ hiểu để kiềm chế giá vàng thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho đấu thầu giá vàng tối thiểu là giá thị trường ở Việt Nam, thì không làm giảm giá vàng ngoài thị trường, vì giá đó chênh lệch rất lớn với giá vàng thế giới.
Vàng biến động về giá liên tục thời gian qua.
NĐT: Theo ông, có những phương án nào để hạn chế tình trạng độc quyền vàng, đưa giá vàng về đúng giá thị trường?
Tiến sĩ Trần Nguyên Đán: Theo cá nhân tôi, việc đấu thầu, cơ bản không giải quyết được vấn đề. Chúng ta thấy, cái gốc của vấn đề, là giá vàng SJC khá cao. Phải xem xét vấn đề độc quyền nhập khẩu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không nên đóng vai trò là bên mua hay bán và chỉ nên đóng vai trò kiểm soát, quản lý nhà nước về thị trường vàng.
Tất nhiên, NHNN phải kiểm soát chất lượng cùng Bộ Công thương, Cục Quản lý thị trường để đảm bảo mọi thứ đều minh bạch, không ai bị thiệt thòi. Như vậy, mới đúng với định hướng kinh tế thị trường theo hướng thị trường tự điều tiết các bên.
Thường các đơn vị kinh doanh vàng đều có pháp nhân độc lập. Như vậy, khi mua bán hàng hóa phải tuân theo quy định pháp luật về kinh doanh, thuế…
Khi kinh doanh mua bán vàng thì phải xuất hóa đơn cho khách hàng. Khi khách hàng mua vàng không có hóa đơn, cũng không có cơ sở chứng minh nguồn gốc tài sản của mình. Điều đó rất khó cho khách hàng trong tương lai.
Tương tự, người ta yêu cầu, mọi hàng hóa đều phải có hóa đơn để chứng minh nguồn gốc, nếu không có thì bị cho là hàng trôi nổi.
Tiến sĩ Trần Nguyên Đán.
Đối với vàng hiện nay, gần như việc kiểm định chất lượng vàng bị thả nổi. Do đó, có tình trạng cát cứ địa phương. Mỗi địa phương có tiệm vàng lớn sẽ thu mua vàng của họ. Phải chăng đã đến lúc chúng ta phải thống nhất việc kiểm tra chất lượng vàng toàn quốc gia, giúp hạn chế tình trạng độc quyền vàng, đưa giá vàng về đúng giá thị trường?
Và, theo quan điểm cá nhân của tôi, việc đấu thầu không giải quyết nhiều vấn đề về giá vàng tăng giảm liên tục như hiện nay.
NĐT: Nếu khách hàng đến mua vàng và thực hiện giao dịch chuyển tiền cho chủ tiệm vàng với số tiền trên 20 triệu nhưng chủ tiệm vàng vẫn cho khách hàng chuyển vào tài khoản cá nhân (không phải số tài khoản chủ tiệm vàng đăng ký kinh doanh), không xuất hóa đơn, không có giấy tờ liên quan, vậy đã đúng pháp luật chưa? Ông có thể cảnh báo rủi ro cho khách hàng thế nào?
Tiến sĩ Trần Nguyên Đán: Cần kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua bán vàng. Đến ngày 15/6, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng sẽ bị rút giấy phép.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, khi kinh doanh vàng, chủ tiệm đều có pháp nhân độc lập, và số tiền trên 20 triệu phải chuyển tài khoản pháp nhân đó mới đúng. Nếu chủ tiệm vàng dùng một tài khoản khác để khách hàng chuyển là có dấu hiệu trốn thuế.
Nếu khách hàng mua vàng, không có hóa đơn có thể gặp nhiều rủi ro như hàng trôi nổi, hàng giả…, cần phải chú ý trước khi mua bán.
Xin cảm ơn tiến sĩ về cuộc trò chuyện!
Tác giả: Nguyễn Lành
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy