Bài toán tăng trưởng tín dụng
19/09/2014 10:58:01
ANTT.VN - Tăng trưởng tín dụng là nút thắt khó tháo gỡ của nền kinh tế, đặc biệt trong những năm gần đây. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,92%, trong khi mục tiêu NHNN đưa ra là 12-14% trong năm 2014. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Cần cụ thể hóa các chính sách ưu tiên

Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các Ngành kinh tế (NHNN)

Thời gian qua, NHNN đã có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy TTTD, mặc dù vẫn chưa được như kỳ vọng, nhưng trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, TTTD phụ thuộc vào sức khỏe, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo tôi, TTTD năm nay ở mức 10% là phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP trên 5%. Để cải thiện TTTD nhằm cộng hưởng với quy luật tín dụng tăng mạnh vào những tháng cuối năm, hướng tới mục tiêu TTTD đề ra, trong những tháng còn lại của năm, hệ thống NH cần cố gắng bằng nhiều giải pháp quyết liệt mang tính chất đột phá theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu.

Trước hết, về cơ chế chính sách, NHNN sẽ thực hiện 3 việc lớn. Thứ nhất, sửa Thông tư 11 về Nghị quyết 02 cho vay hỗ trợ mua nhà ở. Cùng với đó, việc mới đây, Thống đốc NHNN đã thông qua chủ trương về một gói hỗ trợ khác về mua nhà ở cho cán bộ công chức viên chức và lực lượng vũ trang, hy vọng sẽ góp phần tháo gỡ những bất cập từ gói 30 nghìn tỷ đồng đang triển khai.

Một vấn đề lớn nữa NHNN đang thực hiện là chỉnh sửa lần cuối Nghị định 41 để chuyển sang Bộ Tư pháp trước khi trình Thủ tướng về tái cơ cấu nền nông nghiệp và cụ thể hóa những vấn đề ưu tiên trong cho vay nông nghiệp, nông thôn khi áp dụng mô hình mới như liên doanh liên kết, cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng công nghệ cao… tránh tình trạng lâu nay chúng ta cứ nói ưu tiên nọ kia, nhưng mới chỉ mang tính chung chung, chưa cụ thể nên không hiệu quả.

Quan trọng nhất là chất lượng nguồn nhân lực

TS. Nguyễn Thị Mùi, Chuyên gia ngân hàng

Theo tôi, TTTD hiện tại cao hay thấp, tăng bao nhiêu không quan trọng nhiều bằng tăng trưởng thực vào nền kinh tế, khu vực sản xuất vật chất và kinh doanh. Tôi đồng tình về các điểm nghẽn do: cầu thấp, sức khỏe tài chính DN yếu, môi trường kinh doanh rất kém... nhưng chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào sự thật, điểm nghẽn tín dụng cũng đến từ hoạt động của nội bộ một số NH.

Ví như, theo khảo sát thực tế của tôi, DN rất ngại vay trung và dài hạn vì NH đưa ra điều kiện khi hết thời hạn cho vay ưu đãi, thì lãi suất sẽ áp dụng theo lãi suất cho vay thị trường. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực, mà cụ thể năng lực thẩm định dự án, phương án kinh doanh và năng lực hiểu biết khách hàng, có thể xem là một nút thắt của TTTD. Để đưa ra một quyết định là NH có cho vay hay không, rõ ràng đòi hỏi cán bộ tín dụng phải có đạo đức, năng lực thẩm định tốt, am hiểu thực tiễn... 

Vấn đề nữa, theo tôi nếu không giải quyết cũng sẽ khó đẩy tín dụng tăng, đó là tìm điểm cân bằng giữa NH – DN. Tôi không đồng tình NH hạ chuẩn tín dụng để cho vay, nhưng nếu không có sự cân đối, xem xét thì không thể tìm được khách hàng vay vì, đến thời điểm này, chuẩn tín dụng của rất nhiều DN thấp hơn so với quy định của NH. Do đó, các NH phải sâu sát hơn với DN nhất là DN có phương án, dự án hiệu quả để tháo gỡ khó khăn. NH xem xét yếu tố, điều kiện nào không thể bỏ qua được thì bắt buộc DN phải thực hiện. Còn những yếu tố, chỉ tiêu không quá cấp thiết có thể xem xét điều chỉnh…

Mở rộng đối tượng tham gia kết nối NH - DN

Ông Phạm Huy Thông, Phó tổng giám đốc VietinBank

Hết tháng 8/2014, TTTD của VietinBank xấp xỉ 6%. Tín dụng tăng thấp không phải do mặt bằng lãi suất mà sức khoẻ của DN còn yếu; rào cản nợ xấu. Các quy định của pháp luật còn nhiều vướng mắc khó khăn nhất là xử lý nợ có tài sản đảm bảo khi khách hàng mất khả năng trả nợ. Nếu dùng các quan hệ tác động thì phải ít nhất một năm mới thu hồi được nợ, còn phổ biến từ 1,5-2 năm. Nếu cá nhân đó rành luật, có hoặc xây dựng được “quan hệ” thì NH lại càng khó trong xử lý nợ.

Để hỗ trợ tích cực TTTD, theo tôi việc tích cực mở rộng Chương trình kết nối giữa NH – DN là rất cần thiết. VietinBank đề xuất NHNN, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và chính quyền địa phương đẩy mạnh chương trình này. Tùy vào nhu cầu từng địa phương, có thể mở rộng tới các đối tượng là hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình, tiểu thương ở các chợ đầu mối… được hưởng ưu đãi của chương trình này. Đồng thời gắn kết các NH tham gia chương trình kết nối NH – DN với chương trình NH tham gia bình ổn giá thông qua việc thiết kế gói hỗ trợ với lãi suất phù hợp cho các DN bình ổn giá.

Ngoài ra, VietinBank đề xuất NHNN tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn để triển khai hiệu quả các gói kích cầu kinh tế như gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, hay như cho vay chuỗi liên kết 4 nhà trong thi công xây dựng. Theo chương trình này, NHNN với vai trò định hướng và theo dõi việc tuân thủ các cam kết, đảm bảo nguyên tắc các NH tham gia chuỗi liên kết bình đẳng về vai trò cũng như thống nhất về quyền lợi, nghĩa vụ. Đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các DN theo cơ chế đấu thầu; tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng giao dịch bảo đảm…

Hoa Liên 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến