Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Những thông tin tăng trưởng vĩ mô tích cực quý 2, cùng xu hướng hạ nhiệt của tỷ giá USD là "bàn đạp" giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có tuần giao dịch đầu tiên của tháng 7 trọn vẹn, với 5 phiên tăng điểm liên tiếp.
Khởi đầu quý 3 ấn tượng
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), thông tin tích cực từ vĩ mô, với GDP quý 2 năm 2024 tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 6,93% so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng năm 2024 tăng 6,42%, thể hiện rõ xu hướng hồi phục của nền kinh tế và khả năng cao sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2024 mà Quốc hội đã đề ra là khởi đầu cho sự tăng điểm của chứng trường Việt trong tuần qua.
Tăng điểm trong cả 5 phiên giúp VN-Index lấy lại hoàn toàn điểm số đã mất của tuần trước, đây là một khởi đầu rất ấn tượng của quý 3 năm 2024.
Mặc dù vậy, điểm nghi ngại của khá nhiều nhà đầu tư là thanh khoản của cả 5 phiên đều ở mức thấp, với bình quân khối lượng khớp lệnh trong tuần trên HOSE thấp nhất từ đầu năm đến nay.
Lũy kế trong tuần, khối lượng giao dịch trên HOSE sụt giảm mạnh (giảm 37,8%) so với mức trung bình 20 tuần khiến động lực tăng điểm của tuần chưa được xác nhận.
Vì vậy, CSI tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng, kiên nhẫn chờ đợi sự xác nhận đến từ thanh khoản trước khi mở thêm vị thế mua mới. Ngưỡng kháng cự CSI kỳ vọng ở mốc quanh 1.293 điểm trong tuần sau và ngưỡng hỗ trợ ở mốc quanh 1.257 điểm.
Về diễn biến thị trường, ngay trong 2 phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số VN-Index bật tăng gần 30 điểm áp sát mức 1.270 điểm trên “đôi cánh” của cổ phiếu ngân hàng và bán lẻ. Đà tăng có xu hướng chững lại trong những phiên sau đó, lực cầu giá cao không quá “mặn mà” mua đuổi là lý do chính khiến thị trường giao dịch tương đối giằng co.
Nhóm cổ phiếu trụ thay nhau nâng đỡ thị trường trong khoảng thời gian cuối phiên giúp chỉ số về đích trong sắc xanh. Đóng cửa tuần giao dịch từ 1 - 5/7, chỉ số VN-Index đóng ở mức 1.283,04 điểm, tăng 37,72 điểm (3,03%), lấy lại hoàn toàn những gì đã mất trong tuần cuối tháng 6.
Thanh khoản thị trường “bốc hơi” 37,8% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch gần nhất, là điểm trừ trong tuần qua. Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HOSE đạt 520 triệu cổ phiếu (giảm 38,31%), tương đương 14.510 tỷ đồng (giảm 34,09%) về giá trị giao dịch.
Độ mở thị trường duy trì sắc xanh trong cả 5 phiên giao dịch, tính đến cuối tuần số nhóm tăng điểm áp đảo, với 18/21 nhóm ngành tăng điểm. Dẫn dắt đà hồi phục của thị trường trong tuần qua là các nhóm ngành như: Dệt may tăng 8,76%, dầu khí tăng 4,6%, công nghệ viễn thông tăng 4,31%…
Ở chiều ngược lại, thực phẩm tiêu dùng giảm 2,52%, thuỷ sản giảm 0,06%, cảng biển giảm 0,04% là các nhóm ngành duy nhất chịu áp lực giảm giá.
Khối ngoại duy trì đà bán ròng trong cả tuần qua với giá trị lũy kế đến cuối tuần đạt 164 tỷ đồng. Tâm điểm bán ròng trong tuần qua vẫn là nhóm cổ phiếu VN30 như: VRE (728 tỷ đồng), FPT (463 tỷ đồng), VHM (422 tỷ đồng)…
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp khi nhà đầu tư đang chờ các thông tin về kết quả kinh doanh qúy II của doanh nghiệp.
“Chúng tôi cho rằng thị trường diễn biến tích lũy tích cực và nếu không có các yếu tố tiêu cực bất định mới xuất hiện thì VN-Index kỳ vọng sẽ có thể vượt lên vùng kháng cự quanh 1.300 điểm, khi các yếu tố như căng thẳng địa chính trị trên thế giới, áp lực lạm phát, tỷ giá, khối ngoại bán ròng hạ nhiệt”, SHS nhận định.
SHS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỉ trọng hợp lý và theo dõi thêm diễn biến thị trường tại vùng kháng cự. Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỉ trọng mới, đánh giá cẩn trọng dựa trên kết quả kinh doanh quý 2 và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành.
Trường hợp tỷ trọng dưới mức trung bình, có thể xem xét giải ngân các mã đang có thanh khoản gia tăng tốt trở lại. Mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, dự báo có có kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng tốt, triển vọng tích cực trong cuối năm.
Thực tế, tuần qua thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên cũng chung xu hướng với thị trường chứng khoán thế giới.
Kỳ vọng Fed sắp hạ lãi suất, chứng khoán Mỹ tuần qua tăng mạnhCác chỉ số chính trên Phố Wall tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 5/7, với chỉ số Nasdaq và S&P 500 đạt mức cao kỷ lục, khi số liệu mới cho thấy thị trường lao động Mỹ suy yếu đã thúc đẩy các dự đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất vào tháng Chín tới.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,17% lên 39.375,87 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,54% lên 5.567,19 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq ghi thêm 0,90% lên 18.352,76 điểm.
Đà tăng của chứng khoán Mỹ trong phiên này được thúc đẩy bởi các cổ phiếu vốn hóa siêu lớn như Microsoft, với mức tăng gần 1,5% và đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Meta Platforms cũng ghi nhận mức đóng cửa cao nhất từ trước tới nay với mức tăng khoảng 5,9%.
Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tăng trưởng việc làm của nước này đã giảm nhẹ trong tháng Sáu vừa qua và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm rưỡi, trong khi mức tăng lương chậm lại.
Giới đầu tư kỳ vọng số liệu này có thể thúc đẩy khả năng cắt giảm lãi suất khi Fed họp vào cuối tháng này. Theo công cụ FedWatch của CME, khả năng Fed nới lỏng chính sách vào tháng Chín đã tăng từ mức 66% trước đó lên 79%.
Chuyên gia Peter Cardillo của công ty Spartan Capital Securities nhận định báo cáo nói trên là một diễn biến thuận lợi với Fed. Theo ông, nếu đà này tiếp tục vào tháng tới, trong đó lương theo giờ không tăng, thì Fed rất có thể sẽ cắt giảm lãi suất một lần vào tháng Chín và một lần nữa vào tháng 12/2024.
Dữ liệu được công bố trước đó trong tuần này cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc, qua đó giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm trong ba phiên liên tiếp trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, trong đó hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq thiết lập mức đóng cửa kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 3/7.
Bên cạnh đó, chứng khoán Mỹ trong tuần này còn nhận được lực đẩy từ phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại một cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương khác ở Bồ Đào Nha, trong đó ông lưu ý sức ép giá cả tại Mỹ đã giảm bớt.
Ông Powell cho hay Fed đã đạt được khá nhiều tiến bộ trong việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% của mình, trong khi thị trường lao động vẫn mạnh và tăng trưởng vẫn tiếp tục. Fed mong muốn quá trình này tiếp tục được duy trì.
Nhà phân tích Steve Sosnick tại công ty môi giới Interactive Brokers cho biết bình luận của ông Powell mang lại tâm lý tích cực cho các nhà giao dịch.
Biên bản cuộc họp gần đây nhất của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách coi mục tiêu việc làm và lạm phát đang tiến tới "cân bằng tốt hơn", một số quan chức kêu gọi "kiên nhẫn" trong việc cắt giảm lãi suất.
Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 1,95%, chỉ số Nasdaq tăng 3,5% và chỉ số Dow Jones tăng 0,66%./.
Tác giả: Văn Giáp
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy