Bán “gà đẻ trứng vàng” Vinamilk, SCIC không muốn buông?
14/12/2016 15:01:28
ANTT.VN – Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch Đầu tư, nhận định việc chỉ bán ra 9% vốn, đồng thời giới hạn tỷ lệ 2,7% quyền mua tối đa đối với mỗi pháp nhân đăng ký mua đã khiến sự hấp dẫn của cổ phiếu VNM giảm đi rất nhiều.

Tin liên quan

Cuối tháng 11/2016, Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC bất ngờ công khai kế hoạch thoái 9% vốn, tương đương 130,63 triệu cổ phần tại Vinamilk, bằng phương thức bán đấu giá trên sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE). Đây là động thái đã được giới đầu tư trong và ngoài nước chờ đợi suốt một năm qua, sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu SCIC thoái vốn khỏi Vinamilk và nhiều doanh nghiệp lớn khác vào cuối năm 2015.

Tuy nhiên phiên bán đấu giá cổ phần VNM do SCIC nắm giữ chào bán theo hình thức cạnh tranh được tổ chức vào chiều ngày 12/12 đã khiến giới đầu tư đôi phần thất vọng.

Trước khi phiên đấu giá diễn ra, ngày 9/12, Vinamilk công bố chỉ có 2 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phiếu với tổng khối lượng đăng ký mua là 78.378.300 cổ phần, chiếm 60% lượng cổ phần bán ra của SCIC, tương đương tỉ lệ sở hữu 5,4% tại Vinamilk.

Đây cũng là mức đăng ký đấu giá tối đa theo quy định mà đơn vị tổ chức đưa ra đối với nhà đầu tư cá nhân.

Kết quả, tổng số cổ phần VNM mà SCIC bán được lần này là 78.378.300 cổ phần, tổng giá trị số cổ phần bán được là 11.286.475.200 đồng, giá trúng đúng bằng giá khởi điểm là 144.000 đồng/ cổ phần. Như vậy, SCIC dự kiến sẽ thu về gần 11.300 tỷ đồng nhờ thoái vốn tại Vinamilk.

Tuy nhiên, dự định ban đầu của doanh nghiệp này lại bất thành khi có tới hơn 52 triệu cổ phần VNM – tương ứng 3% vốn đem ra chào bán bị “ế”.

Được biết, 2 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần của Vinamilk trong đợt này là F&N BEV Manufacturing PTE.Ltd và F&N Dairy Investment PTE.Ltd, đều là thành viên của Tập đoàn F&N (Singapore) - cổ đông lớn thứ hai hiện nay của Vinamilk.

Vì kém hấp dẫn…

Từ trước đến nay, VNM luôn được đánh giá là một trong những mã cổ phiếu hấp dẫn nhất trên thị trường chứng khoán Việt nhờ lợi nhuận ổn định, mức chia cổ tức đều đặn hàng năm và quan trọng hơn, là tiềm năng phát triển trong tương lai. Bởi vậy, việc có tới 40% cổ phần cháo bán bị “ế” trong đợt phát hành đáng ra rất được kỳ vọng không khỏi gây băn khoăn.

9 tháng đầu năm, Vinamilk đạt lợi nhuận sau thuế 7.536 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 91% kế hoạch năm, tỷ lệ chia cổ tức dự kiến tối thiểu 50% trong năm nay. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2016 của chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế ở mức 15%. So với năm 2010, tổng tài sản của Vinamilk đã tăng 2,6 lần; vốn chủ sở hữu tăng hơn 4 lần.

Vinamilk tăng trưởng bền vững bởi ngoài nền tảng về vốn, công nghệ và nhân lực, họ đang chiếm lĩnh vị trí số 1 trong thị trường sữa Việt. Theo bản công bố thông tin của Vinamilk, doanh nghiệp này hiện đang chiếm 41% thị phần sữa bột, 54% thị phần sữa nước, con số đối với sữa chua và sữa đặc có đường thậm chí còn ấn tượng hơn nhiều, ở mức 85% và 80%.

Với việc gần như “không có đối thủ” tại thị trường trong nước, Vinamilk không giấu tham vọng mở rộng hoạt động trên phạm vi thế giới, sau khi liên tiếp mở 4 công ty con, liên kết tại Mỹ, New Zealand, Ba Lan và Camphuchia.

Giá cổ phiếu VNM đã tăng hơn 30% kể từ đầu năm, thậm chí có lúc đạt đỉnh gần 160.000 đồng hồi cuối tháng 8, và luôn là một trong những cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường. Bởi những yếu tố trên, cho rằng VNM kém hấp dẫn xem ra không công bằng với mã cổ phiếu này.

..hay SCIC không “nỡ” bán?

Vinamilk nằm trong danh sách 10 doanh nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ tháng 10 năm ngoái yêu cầu SCIC “chọn thời điểm thích hợp” để thoái hết vốn. Tuy nhiên trong kế hoạch thoái vốn năm 2016 được SCIC công bố hồi tháng 6, chỉ có 2/10 doanh nghiệp lớn kể trên được chọn thoái vốn trong năm nay là Công ty CP FPT và Công ty XNK Sa Giang, đồng nghĩa với việc SCIC ban đầu không hề có ý định bán bớt cổ phần của Vinamilk, ít nhất là trong năm nay.

Động thái bán đấu giá cổ phần của SCIC vừa qua chỉ tới sau khi lãnh đạo Bộ Tài chính hồi giữa tháng 9 tuyên bố sẽ bán vốn tại Vinamilk ngay trong những ngày còn lại của năm 2016, qua đó đặt ra câu hỏi SCIC thực chất có muốn bán cổ phần VNM hay không khi mà Vinamilk xưa nay nổi tiếng là “con gà đẻ trứng vàng”.

Với 44,73% sở hữu tại công ty này, SCIC hàng năm thu về hàng nghìn tỷ đồng tiền cổ tức. Đơn cử, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2016, Vinamilk đã chi 3.246 tỷ đồng cho cổ đông nhà nước này.

Tiến sĩ Lưu Bích Hồ: "Cách làm của SCIC khiến sức hấp dẫn của cổ phiếu VNM giảm xuống"

Trao đổi với ANTT.VN, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch Đầu tư, nhận định việc chỉ bán ra 9% vốn, đồng thời giới hạn tỷ lệ 2,7% quyền mua tối đa đối với mỗi pháp nhân đăng ký mua đã khiến sự hấp dẫn của VNM giảm đi rất nhiều.

“VNM là cổ phiếu mọi nhà đầu tư đều muốn sở hữu. Tuy nhiên đối với các nhà đầu tư có tiềm lực, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, họ sẵn sàng bỏ ra giá cao hơn nữa nếu được mua cổ phần với số lượng lớn. Bằng không, nếu chỉ mua nhỏ lẻ 2-3% thì họ cũng chỉ là tiếng nói thiểu số, không có vị trí và không có quyền quyết định trong HĐQT của Vinamilk. 2 thành viên thuộc Tập đoàn F&N chịu chi đậm để mua vào VNM trong đợt này là nhằm tiếp tục gia tăng tỷ lệ sở hữu (từ 10,95% lên 16,35% - PV), chứ với giá khởi điểm 144.000 đồng thì họ thà mua trên thị trường chứng khoán còn rẻ hơn”, vị chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực tài chính cho hay.

Cùng ý kiến, một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực chứng khoán chia sẻ: “Nếu lấy lý do hạn chế tỷ lệ nắm giữ của cổ đông nước ngoài bằng cách chỉ cho một pháp nhân mua tối đa 2,7% vốn cổ phần trong đợt đấu giá này e rằng chưa thỏa đáng; bởi nếu F & N đã muốn thâu tóm Vinamilk, họ có thể “lách” bằng cách chia làm nhiều pháp nhân đăng ký mua (như họ đã làm), hoặc tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu trong các đợt đấu giá tiếp theo, hay thậm chí mua ngay trên sàn chứng khoán.”.

“Việc phân nhỏ khối lượng cổ phiếu VNM để bán dần có chăng là động thái “câu giờ”, nhằm thu được càng nhiều lợi ích từ Vinamilk càng tốt của một số cá nhân trong SCIC, chứ không hẳn do e ngại doanh nghiệp này rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài. Nên nhớ rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cuối tháng 7 vừa qua đã cho phép nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở Vinamilk lên 100%, đặt ra băn khoăn khi mà cơ quan quản lý nhà nước còn không lo ngại về việc Vinamilk bị thâu tóm, thì tại sao SCIC lại “nhiệt tình” đến vậy”, vị này nhận định.

Vai trò của SCIC trong quá trình phát triển tại các doanh nghiệp như Vinamilk không chỉ bây giờ, mà lâu nay đã và đang bị đặt dấu hỏi. Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên từng thẳng thắn: “Việc SCIC chậm thoái vốn ở nhiều doanh nghiệp lớn, đang ăn nên làm ra là vấn đề lợi ích nhóm của SCIC núp dưới danh nghĩa bảo toàn vốn. Qua một loạt sự việc như ở Vinamilk, hay một loạt doanh nghiệp lớn mà SCIC đại diện vốn thì thấy vai trò đóng góp của SCIC trong quá trình phát triển xây dựng chiến lược là rất mờ nhạt. Hay nói thẳng SCIC chỉ là 'địa chủ' thời kỳ mới, phát canh thu tô, tức là cho vay vốn và thu cổ tức, chứ không quan tâm gì đến việc kết cấu của cả nền kinh tế, hay vai trò sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước”.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến