Bán nợ: Mang đến lại mang về
Trong ngày 31/8/2021, website của BIDV liên tiếp đăng tải thông tin về việc bán đấu giá tài sản nhằm thu hồi nợ.
Cụ thể, BIDV chi nhánh Phú Tài thông báo bán đấu giá tài sản Công ty TNHH Thành Vinh lần 9 là quyền sử dụng đất đã được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cùng toàn bộ tài sản gắn liền với đất. Quyền sử dụng đất ở có diện tích thực tế 234,3 m2 tọa lạc tại số 35 đường Nguyễn Lữ, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tài sản gắn liền với đất là nhà 3 tầng, tổng diện tích sàn 417,04 m2. Giá khởi điểm của tài sản đấu giá là hơn 14.486 tỷ đồng.
BIDV chi nhánh Thành Nam thông báo bán đấu giá toàn bộ tài sản Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Dệt may Thúy Đạt lần thứ 13 bao gồm 1 máy hấp, 1 máy chụp phim, 1 dàn lô sấy, 40 xe đẩy khăn, với giá khởi điểm 2.395 tỷ đồng.
Dịch bệnh Covid-19 khiến không ít doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ trả nợ. |
Trước đó, ngày 29/7/2021, Công ty Đấu giá hợp danh Minh Pháp thông báo tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty Tập đoàn Khải Vy tại BIDV chi nhánh Phú Tài lần thứ tư. Quyền sử dụng đất và công trình trên đất (tòa nhà Crystal Palace) tại phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM là một trong những tài sản đảm bảo cho khoản nợ hơn 1.035 tỷ đồng tính đến ngày 7/6/2021. Các tài sản bảo đảm khác là 6 xe ô tô các loại, 367 ha rừng trồng tại Đắk Nông, công trình xây dựng trên đất và máy móc thiết bị sản xuất gỗ tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, cổ phiếu Công ty cổ phần Hòn Tằm biển Nha Trang…
Ngày 26/7, VietinBank thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng lần 2 của 36 khách hàng, giá trị ghi sổ khoản nợ gần 615 triệu đồng, giá bán khởi điểm hơn 554 triệu đồng. Trước đó, VietinBank thông báo bán 9 khoản nợ vay tiêu dùng nhằm thu hồi nợ hơn 83 triệu đồng.
Đây chỉ là các khoản nợ vay tiêu dùng với giá trị nhỏ được thông báo trên website của VietinBank, còn tại các chi nhánh, những khoản nợ với giá trị lớn được rao bán cấp tập. Chẳng hạn, VietinBank chi nhánh Bắc Hưng Yên bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng CDC lần 4 với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất có diện tích 90 m2 tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Trong đó, nợ gốc là 953 triệu đồng, lãi trong hạn là 611 triệu đồng và lãi phạt quá hạn gốc là 197 triệu đồng. Chi nhánh này còn bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Vận tải và Thương mại Thành Đạt với tài sản đấu giá là toàn bộ máy móc, ô tô, nhà và đất tại Văn Lâm, Hưng Yên, với giá khởi điểm hơn 17,3 tỷ đồng.
VietinBank chi nhánh Bắc Kạn bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn với khởi điểm hơn 4,2 tỷ đồng.
VietinBank chi nhánh Thanh Xuân rao bán quyền sử dụng đất có diện tích 74.349,2 m2 tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, với mức giá dự kiến là 15 tỷ đồng.
VietinBank chi nhánh Tây Hà Nội rao bán một loạt nợ cá nhân và doanh nghiệp là những khoản nợ trong giai đoạn 2010 - 2012. Khoản nợ lớn nhất có tổng dư nợ gốc lẫn lãi tính đến 20/6/2021 là gần 108,6 tỷ đồng của Công ty TNHH Kim Anh (dư nợ gốc 46,8 tỷ đồng, dư nợ lãi 61,8 tỷ đồng). Tài sản bảo đảm gồm hai quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại quận Đống Đa và quận Tây Hồ, Hà Nội.
Nguy cơ bị tổn thương
Một lãnh đạo cao cấp trong lĩnh vực xử lý nợ xấu của SCB nhận xét: “Lo nợ xấu cũ đang tồn tại, nợ xấu mới “rình rập” trước cửa, các ngân hàng muốn xử lý nợ và dồn dập đẩy tài sản bảo đảm ra bán, nhưng không dễ dàng trong bối cảnh đại dịch hiện nay. Không phải tất cả các tỉnh, thành phố đều chịu tình trạng giãn cách xã hội, nhưng sẽ có tác động liên đới, dây chuyền. Vậy nên, bán rẻ nợ cũng không có khách hàng mua”.
Thực tế, không ít ngân hàng sẵn sàng bán rẻ nợ xấu nhưng không tìm được khách mua nên đành gác lại, không đưa thông tin phát mại tài sản thu hồi nợ trên website dồn dập như trước.
Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, bà Dorsati Madani cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cho vay có mục tiêu thường xảy ra tình trạng thiếu minh bạch về lý do, cơ sở kinh tế cho việc thực hiện cấp, quy mô và cách thức phân bổ các khoản vay, bao gồm các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp lớn có thể đang gặp khó khăn về tài chính. Rủi ro không thanh toán được của các khoản vay này cuối cùng có thể được chuyển từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính, vì vậy khu vực tài chính có thể trở nên dễ bị tổn thương hơn theo thời gian.
“Mặc dù ổn định tài chính chung đã được duy trì đến cuối tháng 6/2021, nhưng chất lượng khoản vay bắt đầu có dấu hiệu xấu đi ở một số ngân hàng. Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP đạt mức 136% năm 2019, tăng mạnh lên 146% tính đến cuối năm 2020 làm gia tăng nguy cơ cho các ngân hàng do quan hệ của họ với những ngành kinh tế thực bị ảnh hưởng như du lịch, hàng không và có thể cả bất động sản”, bà Dorsati Madani nói.
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2021, từ mức 1,69% cuối năm 2020 lên 1,78% vào cuối tháng 4/2021. Ghi nhận từ báo cáo tài chính quý II/2021 của các ngân hàng, hơn nửa số ngân hàng đã công bố báo cáo này có số dư nợ quá hạn tăng cao so với cuối năm 2020.
Ngân hàng Thế giới cho rằng, hai đợt bùng phát dịch Covid-19 gần nhất đã ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ và một số tiểu ngành chế biến, chế tạo, doanh nghiệp và người dân có lẽ sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ trả nợ.
Năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng tăng rất ít, từ 1,63% trong tháng 12/2019 lên 2,14% trong tháng 9/2020, nhưng cũng gây nên những ý kiến quan ngại.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu thấp do Ngân hàng Nhà nước ban hành các biện pháp tạm thời cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn. Đặc biệt, ngày 7/9/2021, cơ quan này đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến 30/6/2022.
“Rủi ro mất khả năng trả nợ tăng lên có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực tài chính theo thời gian. Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn tổng thể của các ngân hàng đã giảm từ 11,95% cuối năm 2019 xuống 11,13% vào tháng 12/2020 và 11,1% cuối tháng 6/2021”, bà Dorsati Madani nói và nhận định, những số liệu chung trên có thể che lấp nguy cơ dễ bị tổn thương của một số ngân hàng thương mại, trong đó có những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn thấp, được thể hiện qua việc thiếu khả năng đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II.
Tác giả: Nhuệ Mẫn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy