Cũng giống như các dân tộc khác, bánh chưng là món không thể thiếu trong mâm cúng ngày Tết của người Thái. Đặc biệt, đối với người Thái trắng ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa). Ngoài bánh chưng trắng, họ còn có bánh chưng đen.
Cứ đến ngày 29 tháng Chạp hằng năm, người Thái trắng ở xã Luận Khê, huyện Thường Xuân lại tất bật gói bánh chưng đen - loại bánh truyền thống không thể thiếu trên mâm cúng vào ngày Tết của người dân nơi đây. Ngoài hiên nhà, rộn ràng tiếng cười nói của những người con gái Thái, tiếng chày giã gạo, mọi người cùng nhau làm nên chiếc bánh chưng đen độc đáo.
Từ 28 Tết, bà Lang Thị Chiến (58 tuổi) đã tất bật rửa lá dong, chẻ lạt. Tiếp đó, bà dùng cây vừng khô đốt lửa để lấy tro trộn vào gạo nếp sao cho những hạt gạo từ trắng tinh chuyển sang màu đen nhánh.
Trộn gạo nếp với tro vừng để có màu đen đặc trưng
Từ ngày mới là một cô thiếu nữ, bà Chiến đã được bà, mẹ chỉ dạy lại truyền thống của dân tộc. "Với người Thái, thấy bánh chưng đen là thấy Tết, bởi nó là linh hồn của dân tộc", bà Chiến nói.
Bánh chưng của người Thái trắng được gói thành hình vuông, nhỏ bằng nắm tay, nhân bánh cũng được làm từ đậu xanh và thịt ba chỉ. Bánh chưng không những để cúng gia tiên mà còn làm quà biếu tặng cho người thân và khách quý. Trong quan niệm của người Thái, nếu ai đó bóc trúng chiếc bánh chưng đen đầu tiên thì người đó sẽ được may mắn cả năm.
Nhân bánh chưng bằng thịt lợn và đậu xanh
Sau khi trộn với tro từ cây vừng, hạt gạo nếp đã chuyển thành màu đen nhánh
Đàn ông người Thái thường phụ trách công việc gói bánh
Đối với các gia đình nuôi gia súc, vào sáng mùng 1 Tết, họ thường mang đôi bánh chưng treo vào sừng con trâu với quan niệm tỏ lòng biết ơn con vật đã đồng hành và vất vả cùng việc nông của gia đình. Ngoài bánh chưng, trong mâm cúng của người Thái còn phải có các loại bánh khác như bánh rán, bánh mật, chè lam.
Mẻ bánh chưng đen sau khi ra lò
Trên bếp lửa của người Thái, bên cạnh nồi bánh chưng còn là những mẻ cá nướng, thứ không thể thiếu trong mâm cúng ngày Tết
Cá nướng than cũng là món ăn đặc trưng trong ngày Tết của người Thái. Thông thường ngày 28 Tết, ông Long, chồng bà Chiến lại tháo nước ao để kéo lưới bắt cá. Những con cá trắm cỏ, cá chép ông Long chăm hàng năm trời to như cái phích nước, chỉ chờ dịp Tết để bắt. Cá bắt được, ông đem biếu họ hàng, người thân làm quà Tết.
Sau khi bắt cá, người Thái nướng trên những bếp than thật lớn rồi để dành đãi khách đến chơi nhà. Từ sáng sớm mùng 1 Tết, gia chủ sẽ làm lễ cúng gọi tổ tiên về ăn Tết. Bài cúng thường rất dài, với nội dung kể về tình hình làm ăn sinh sống của gia đình, dòng họ trong năm qua, bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên và mời linh hồn tổ tiên về ăn bữa cơm sum họp. Đồng thời, xin được phù hộ sức khỏe và mùa màng cho gia đình trong năm mới.
Con gái Thái đã đi lấy chồng dịp Tết phải mang cỗ xôi, gà luộc đến cúng tổ tiên vào ngày mùng 2 Tết để tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ và tổ tiên.
Nhảy sạp, ném còn, đánh cồng chiêng và hát khặp là các trò chơi truyền thống mang linh hồn của người Thái. Ngày nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một, song người Thái luôn ý thức gìn giữ và phát huy những tập tục, nét văn hóa tốt đẹp của cha ông để lại.
Lương Diễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy