Dòng sự kiện:
Báo cáo kết quả phê duyệt vị trí việc làm, chuẩn bị cải cách tiền lương
09/04/2024 09:13:42
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp trước 15/4 và bảo đảm đủ điều kiện triển khai chế độ tiền lương mới từ 1/7.

Nội dung này được đề cập trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I tiếp tục phục hồi tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

"Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01, là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay", theo đánh giá của Chính phủ.

Toàn cảnh một phiên họp Chính phủ thường kỳ (Ảnh: Đoàn Bắc).

Nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá tích cực kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và có các dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.

Để thực hiện tốt những mục tiêu đề ra, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương, đề cao trách nhiệm, quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh".

Cùng với yêu cầu bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ 1/7, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương báo cáo kết quả xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp, đồng thời gửi Văn phòng Chính phủ để theo dõi. Nhiệm vụ này phải hoàn thành trước 15/4, theo yêu cầu của Chính phủ.

Chính phủ cũng lưu ý giải pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay, có giải pháp đột phá tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế.

Yêu cầu Chính phủ đặt ra là tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách Nhà nước; mở rộng, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, đẩy mạnh quản lý thu thuế thương mại điện tử, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu và dịch vụ ăn uống, nhà hàng…

Bên cạnh đó, Chính phủ quán triệt cần giải pháp hiệu quả ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, nhà ở và các hàng hóa thiết yếu.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, hiệu quả các mặt hàng do Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, nhất là đối với việc điều chỉnh học phí, tính chi phí nhân công trực tiếp, chi phí quản lý vào dịch vụ khám, chữa bệnh, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Trong giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ yêu cầu quyết liệt thực hiện, thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia, như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các dự án cao tốc Đông - Tây; sân bay, cảng biển; đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh.

Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, khẩn trương có ý kiến về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT.

Các đơn vị này cần phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Tác giả: Hoài Thu

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến