Dòng sự kiện:
Bạo chi cho quảng cáo, Sabeco vẫn không về đích lợi nhuận
28/01/2022 07:49:53
Lãnh đạo Sabeco cho biết phải chi mạnh cho quảng cáo vì công ty đang đối đầu với sự cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ cùng ngành.

Theo đó, trong quý IV/2021, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, MCK: SAB) ghi nhận doanh thu đạt 9.003 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.400,1 tỷ đồng, bằng 91,3% so với cùng kỳ năm trước nhưng đây cũng là quý ghi nhận lãi cao nhất trong năm tài chính 2021.

Trong quý, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ lên 2.492 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn khiến biên lãi gộp của doanh nghiệp giảm từ 31% xuống còn 28%.

Doanh thu đến từ hoạt động tài chính tăng 9,4% lên mức 262,4 tỷ đồng. Các khoản chi phí như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng, lần lượt ghi nhận 947 tỷ đồng (tăng 26%) và 171 tỷ đồng (tăng 22%).

Khấu trừ các khoản chi phí và thuế, “ông lớn” ngành bia thu về gần 1,314 tỷ đồng lãi ròng, giảm 10%. Theo Sabeco, kết quả kinh doanh đã phục hồi mạnh mẽ trong quý IV sau khi các tỉnh phía Nam mở cửa trở lại bình thường sau thời gian tạm dừng vì Covid-19, nhờ vậy, doanh thu và lợi nhuận cao hơn quý 3/2021.

Luỹ kế cả năm 2021, doanh thu thuần của Sabeco giảm 6% xuống còn 26.374 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.929 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, hoạt động tài chính lại đem về cho doanh nghiệo gần 1.120 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với năm trước.

Bình quân mỗi ngày Sabeco bỏ ra tới 6 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo.

Đáng chú ý, Sabeco đã tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp nhưng vẫn rót tiền rất mạnh tay cho hoạt động bán hàng. Cụ thể, khoản chi ngân sách dành cho quảng cáo, khuyến mãi của Sabeco tăng đến 40% lên 2.192 tỷ đồng. Tương đương bình quân mỗi ngày doanh nghiệp này bỏ ra tới 6 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo.

Chia sẻ với cổ đông tại đại hội cổ đông tổ chức vào tháng 4/2021, Tổng giám đốc Sabeco Bennett Neo liên tục nhấn mạnh Sabeco đang đối mặt với "sự cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ cạnh tranh" nên doanh nghiệp mới phải đầu tư mạnh tay vào quảng cáo, tiếp thị, nhất là trong bối cảnh mục tiêu trọng tâm của Sabeco cần tăng doanh số bán hàng và giành lại thị phần trong năm nay.

Trong năm 2021, doanh nghiệp chuyên về bia đặt ra chỉ tiêu doanh thu đạt 33.491 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 5.289 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 7% so với thực hiện trong năm 2020. Như vậy sau 12 tháng kinh doanh, công ty mới hoàn thành 74,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Giải trình về lý do kết quả kinh doanh đi xuống, Sabeco cho biết sự bùng phát làn sóng dịch bệnh và các biện pháp phong toả, giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Công ty khẳng định đã thực hiện nhiều giải pháp để tối ưu hoá kinh doanh, đẩy mạnh bán hàng để giảm thiểu sự ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tính đến cuối năm 2021, Sabeco có tổng tài sản gần 30.500 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, cơ cấu tài sản chủ yếu là tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 20.597 tỷ đồng, chiếm 67,6% tổng tài sản và tăng 19,2% so với đầu năm.

Hàng tồn kho ghi nhận tăng 15%, lên gần 1.700 tỷ đồng. Trong đó, thành phẩm, hàng hóa chiếm 51% tổng giá trị hàng tồn kho, giá trị hơn 898 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu năm.

Tính đến ngày 31/12/2021, nợ phải trả của doanh nghiệp ghi nhận 7.892 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm. Trong đó, phải trả ngắn hạn khác tăng vọt từ 967 tỷ đồng đầu năm lên gần 2.300 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp đã giảm được nợ vay ngắn hạn và dài hạn 312,2 tỷ đồng, tương ứng giảm 32% so với đầu năm về 662,9 tỷ đồng và chỉ còn chiếm 2,2% tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2021 là 22.595 tỷ với 13.656 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu SAB phiên chiều ngày 27/1 đang giao dịch trong vùng giá 148.100 đồng/cổ phiếu.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : sabeco , quảng cáo
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến