Nhiều báo cáo cho thấy, giai đoạn sắp tới sẽ căng thẳng khi lượng trái phiếu đến hạn lớn.
Tình trạng chậm thanh toán nợ trái phiếu tăng cao đột biến
Theo báo cáo mới đây của MBS Research, riêng trong quý II/2023, đã có thêm nhiều doanh nghiệp thông báo chậm trả lãi, gốc trái phiếu với giá trị lưu hành ước tính gần 24.300 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 82 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu với ước tính tổng giá trị của trái phiếu chậm trả là khoảng 183.000 tỷ đồng, chiếm 17% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường. Trong đó, nhóm ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 73% khối lượng chậm trả.
Còn theo số liệu thống kê của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tính từ đầu năm đến ngày 14/6, tổng giá trị trái phiếu bị chậm trả gốc, lãi là khoảng 61.000 tỷ đồng giai đoạn, chiếm 5,7% giá trị trái phiếu đang lưu hành. Trong đó, có 9.300 tỷ đồng trái phiếu đã đáo hạn không trả được gốc, còn lại là 51.800 tỷ đồng trái phiếu chưa đến hạn nhưng chậm thanh toán tiền lãi.
Tính tới ngày 13/7, giá trị chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp khoảng 44.000 tỷ đồng (Ảnh minh họa: KT)
Cũng theo đơn vị này, tình trạng chậm thanh toán nợ trái phiếu bắt đầu tăng cao đột biến từ tháng 3 tới nay và vẫn chưa có xu hướng chậm lại. Xét về cơ cấu các ngành, bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 71% tổng giá trị trái phiếu chậm trả nợ, tương ứng 42.400 tỷ đồng.
Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính tới ngày 13/7, giá trị chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp khoảng 44.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ khoảng 18.000 tỷ đồng đã được bên phát hành đàm phán với trái chủ bao gồm hoán đổi bằng tài sản khác, gia hạn, thay đổi điều kiện, điều khoản…
Trên thị trường vốn, số doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu có xu hướng gia tăng trong bối cảnh trị trường bất động sản vẫn khó khăn. Cụ thể, Công ty cổ phần Signo Land đã “khất” thanh toán lô trái phiếu trị giá hơn 1.000 tỷ đồng với lý do “đang trong quá trình đàm phán cùng người sở hữu trái phiếu”. Hay với lý do "thị trường không thuận lợi", Công ty TNHH Saigon Glory - công ty con của Tập đoàn Bitexco - cũng mới chỉ trả được số tiền lãi gần 29 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng gốc phải "khất". Còn Novaland đã phải gia hạn thanh toán nhiều lô trái phiếu giá trị lớn vì “chưa thu xếp được nguồn thanh toán”. Tổng nợ trái phiếu ngắn và dài hạn đến 30/6/2023 của Novaland lên đến 43.100 tỷ đồng.
Sau sự cố Vạn Thịnh Phát cuối năm 2022, hoạt động mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản diễn ra khá mạnh mẽ, nhưng đã chậm lại kể từ khi Nghị định 08 được ban hành. Theo số liệu từ Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư của Chứng khoán SSI (SSI Research), quý II năm nay, hoạt động mua lại trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đạt 24.700 tỷ đồng trong quý II. Kết quả này giảm mạnh so với 2 quý trước, trong quý IV giá trị mua lại lên tới 34.800 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bất động sản đang có xu hướng hoãn thanh toán trả lãi hoặc nợ gốc. Nghị định 08/2023 về trái phiếu phát hành riêng lẻ đã tạo ra hành lang pháp lý để tổ chức phát hành có thể hoãn trái phiếu hiện tại lên đến hai năm hoặc chuyển đổi trái phiếu thành tài sản khác.
Tuy nhiên, theo SSI Research, Nghị định này cũng tạo ra tâm lý trì hoãn việc thanh toán trái phiếu càng lâu càng tốt từ phía nhà phát hành. Ước tính, số tiền gốc trái phiếu đã thành công thực hiện điều chỉnh hoãn nợ gốc/điều chỉnh lãi suất, hoặc chuyển đổi trái phiếu lên tới 66.000 tỷ đồng.
"Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam dường như đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, ít nhất trong ngắn hạn nhờ các động thái từ Chính phủ. Tuy nhiên, các giải pháp hiện tại mang tính ngắn hạn, thiên về hỗ trợ cho các tổ chức phát hành, không thể lập tức khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư", SSI Research nhận định.
Dự tính sẽ có khoảng 401.600 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 (Ảnh minh họa: KT)
Chuyên gia của KBSV cho rằng, giai đoạn sắp tới sẽ căng thẳng khi lượng trái phiếu đến hạn lớn. Dự tính sẽ có khoảng 401.600 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào năm 2023. Trong đó, lượng trái phiếu đáo hạn sẽ tập trung vào quý III với 91.800 tỷ đồng – tăng 26% so với quý liền trước. Áp lực đáo hạn sau đó hạ nhiệt trong vòng 2 tháng trước khi tăng mạnh trở lại lên mức 30.600 tỷ đồng vào tháng cuối năm 2023. Trong đó, nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 63.300 tỷ đồng và chiếm 42% tổng giá trị đáo hạn trong 6 tháng cuối năm.
Trong đó, Tập đoàn An Đông thuộc Vạn Thịnh Phát dẫn đầu giá trị trái phiếu đáo hạn với gần 15.000 tỷ đồng. Các tổ chức phát hành khác cũng nằm trong danh sách gồm Tập đoàn Novaland với 9.200 tỷ đồng, Công ty cổ phần dịch vụ – thương mại TP.HCM với 3.700 tỷ đồng, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land với 3.600 tỷ đồng khi liên tục thông báo về tình trạng chậm thanh toán cả gốc lẫn lãi trái phiếu thời gian qua.
“Với triển vọng kinh doanh không mấy khả quan của ngành bất động sản nói chung, các doanh nghiệp này sẽ khó có thể hoàn thành nghĩa vụ đáo hạn trong thời gian tới”, KBSV đánh giá.
Làm thế nào để tạo cầu cho trái phiếu doanh nghiệp?
Liên quan tới tình trạng chậm thanh toán, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) cho biết, tổ chức phát hành phải chịu trách nhiệm đến cùng với trái phiếu phát hành ra.
Theo Phó Chủ tịch SSC, cần phát triển thị trường trái phiếu bởi đây là kênh huy động vốn quan trọng, song phải đảm bảo tính minh bạch, công khai. Để thị trường ngày càng phát triển, phía cơ quan quản lý cũng phải tăng cường khâu giám sát; các nhà đầu tư cần xem xét, cân nhắc các rủi ro khi giao dịch…
Để khai thông cầu cho thị trường này, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup – Tổng Giám đốc FiinRatings cho rằng, có thể sửa đổi các quy định hiện hành để các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí… tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Cụ thể, hiện các công ty bảo hiểm hiện không được tham gia đầu tư vào các trái phiếu được phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ. Nhưng thực tế quá trình xếp hạng tín nhiệm cho thấy một số doanh nghiệp chủ động phát hành trái phiếu mới với mục đích tái cơ cấu nợ nhằm tối ưu về lãi suất.
“Môi trường lãi suất đã thay đổi và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đã cải thiện, họ phát hành để có lãi suất thấp hơn những lô trái phiếu trước kia chứ không phải do họ gặp khó khăn về tài chính nên phải tái cơ cấu nợ. Điều này cũng tương tự như việc các ngân hàng thương mại gần đây phát hành trái phiếu mới nhưng cũng mua lại trái phiếu cũ. Hay như việc Chính phủ vẫn huy động trái phiếu để trả nợ cũ”, ông Thuân cho biết.
Về dài hạn, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, để tạo cầu cho trái phiếu doanh nghiệp và thu hút các định chế đầu tư nước ngoài tham gia thì các hạ tầng liên quan cần được phát triển. Cụ thể, cần có thêm đơn vị xếp hạng tín nhiệm độc lập và đơn vị cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu. Do đó, việc hình thành các đơn vị có chức năng và chuyên môn cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường này.
Tác giả: Diệp Diệp
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy