Theo dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, học phí bậc THCS tăng gấp đôi so với năm ngoái, từ 155.000 đồng lên 300.000 đồng/tháng, đến năm 2026 tăng lên 650.000 đồng/tháng.
Bản dự thảo được cho là xây dựng theo khung học phí mới tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Học phí dự kiến của Hà Nội ở mức sàn, tức mức thu thấp nhất.
Dự kiến, các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí vùng 1 và 2 là 300.000 đồng mỗi tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 100.000-200.000 đồng (vùng 3) và 50.000-100.000 đồng (vùng 4).
Mức học phí này, trừ bậc THPT vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng, học phí các bậc còn lại đều tăng khoảng gấp đôi năm ngoái.
Với các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, thành phố không đưa ra học phí cụ thể mà chỉ quy định mức trần qua từng năm.
Ngoài học phí với các trường công lập có thể và chưa thể chi thường xuyên, HĐND thành phố Hà Nội còn ban hành dự thảo Nghị quyết về mức trần học phí với các trường công lập chất lượng cao trong năm học 2022-2023.
Theo đó, toàn bộ mức trần học phí của bốn cấp học không tăng so với năm 2021-2022. Tương tự với các trường công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, hiệu trưởng các trường chất lượng cao quyết định học phí phù hợp dựa trên mức trần này.
“Bão giá” đè nặng lên vai phụ huynh
Có 2 con đang học lớp 4 và lớp 8, chị Phan Huyền Trang (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Trường công mà mức học phí tăng như vậy, sẽ gây khó khăn cho ngay cả các gia đình có mức thu nhập trung bình.
Giá sách giáo khoa tăng, xăng lên, thực phẩm cũng tăng vù vù, thêm cả chuyện học phí cũng lên giá cùng lúc như vậy những người làm nhân viên văn phòng với mức lương chưa đến 10 triệu đồng/tháng như chúng tôi khó có thể gánh cùng một lúc”.
Cũng bày tỏ lo lắng trước thông tin trên, chị Nguyễn Ngọc Mỹ (Đội Cấn, Hà Nội) chia sẻ: “Việc đồng loạt tăng giá cả như hiện nay khiến các khoản chi trong gia đình càng hạn hẹp.
Ngoài học phí, bước vào năm học mới chúng tôi còn phải mua đồng phục, đóng quỹ lớp, tiền sách giáo khoa, đồ dùng học tập. Và tất cả những danh mục này hiện nay đều có chiều hướng tăng”.
Chị Mỹ còn lo ngại, khi kê khai giá mỗi thứ chỉ nói “tăng một ít”, chỉ vài trăm ngàn nhưng khi cộng lại sẽ là khoản chi rất lớn.
Ở chiều ngược lại, nhiều phụ huynh quan tâm đến việc chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, có tỷ lệ thuận với mức tăng học phí gấp đô như hiện nay.
Trao đổi với Người Đưa tin, anh Dương Anh Quân (Khâm Thiên, Đống Đa) cho rằng số tiền chi trả, đầu tư cho con phải công khai, rõ ràng: “Ở các trường tư, việc tăng học phí là điều dễ hiểu vì còn sửa chữa, xây dựng trường, các con có được môi trường học tập đầy đủ, tiện nghi.
Tuy nhiên, mặc dù học phí tăng, mức đóng góp vào các quỹ đầu năm cũng không hề ít, nhưng tôi băn khoăn việc chất lượng học tập của con ở trường có tương xứng với số tiền bố mẹ bỏ ra hay không?”.
Nhiều phụ huynh lo lắng về các khoản chi trước thềm năm học mới
Cần cân nhắc hỗ trợ
Chưa nói đến việc mức học phí trên là cao hay thấp, chia sẻ với Người Đưa tin, TS.Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đánh giá: “Tăng học phí là vấn đề nhạy cảm vì rất dễ chạm vào cuộc sống của người dân, nhất là đối các cấp học phổ cập. Cần phải có sự điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp thể hiện Nhà nước đứng ra đảm bảo, việc học tập cho con em họ”.
Thầy Khuyến bày tỏ, nếu giáo dục là quốc sách hàng đầu thì ngân sách Nhà nước phải ưu tiên cho nó, điều nay liên quan đến bình đẳng, công bằng xã hội, quyền học tập của các em.
Chuyên gia đưa ra quan điểm không đồng tình việc tăng học phí cùng thời điểm này, đặc biệt là thu nhập của rất nhiều gia đình bị ảnh hưởng nặng nề sau Covid-19.
“Riêng vấn đề giáo dục, trong năm nay đã có giá sách giáo khoa, giờ là học phí. Việc để các nhà xuất bản coi sách giáo khoa là để kiếm lợi, kinh doanh, sau đó là không có sự hỗ trợ tiền học là những việc cần phải xem xét lại”, ông Khuyến cho biết.
Theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ, nguyên tắc xác định giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đó là: Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được xác định theo các quy định của pháp luật về giá và quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo nhưng tỷ lệ tăng mức giá dịch vụ không quá 15%/năm. |
Tác giả: Nguyễn Hoa Trà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy