Dòng sự kiện:
Bao giờ giá thép giảm?
18/05/2021 15:21:19
Nhiều ý kiến so sánh thị trường thép năm nay với giai đoạn 2008-2009. Tuy nhiên chuyên gia lại dự báo giá thép năm nay sẽ giảm nhưng dần dần, không lao dốc như giai đoạn trước.

Giá thép xây dựng tiến tới mốc 20.000 đồng/kg rồi chững lại?

Trao đổi với Dân trí, đại diện một công ty xây dựng ở Hà Nội cho biết sau lần điều chỉnh tăng giá của một loạt nhà cung ứng thép hôm 12/5, đến nay, giá thép chưa thấy động thái tăng thêm.

Trước đó, hôm 12/5, nhà thầu này nhận được một số thông báo tăng giá từ các công ty thép. Thép cây lại tiếp tục tăng 500.000 đồng/tấn, thép cuộn xây dựng cùng mức tăng tương tự.

Sau điều chỉnh, thép Tisco Thái Nguyên là khoảng 19.500 - 20.500 đồng/kg, thép Hòa Phát là khoảng 19.400 - 20.500 đồng/kg tùy loại…

"Có tuần nhận thông báo điều chỉnh tăng giá đến hai lần, chúng tôi thực sự thấy quá khó khăn nếu cứ tiếp tục đà tăng. Hy vọng mặt hàng này sớm bình ổn, giá cả hạ nhiệt", đại diện nhà thầu chia sẻ.

Thông báo điều chỉnh giá thép.

Trao đổi với Dân trí, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) - cũng cho biết giá thép thời điểm này chưa thấy tăng thêm, thị trường chững lại. Tuy nhiên, theo ông, cần nghe ngóng thêm thông tin mới có thể nhận định về thị trường hiện nay.

Trong khi đó trên thị trường thế giới, giá thép giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch Thượng Hải giảm 123 nhân dân tệ xuống mức 5.638 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h45 (giờ Việt Nam).

Theo thống kê của VSA, trong quý I/2021, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc là hơn 1,88 triệu tấn, với trị giá nhập khẩu hơn 1,27 tỷ USD, chiếm 51,2% tổng lượng thép nhập khẩu và 48,02% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tại Trung Quốc, thép cuộn xây dựng tăng gần 40% trong năm nay. Truyền thông quốc tế đưa tin trước tình hình giá thép tăng, một số công ty xây dựng đang hạn chế mua thép vì cho rằng giá quá cao.

Liệu giá thép có lao dốc thê thảm như giai đoạn 2008 - 2009?

Trả lời về dự báo tình hình giá thép, các chuyên gia cho rằng có một số tín hiệu như quặng sắt giảm sẽ giúp thị trường thép bớt "nóng". Còn bao giờ giảm, mức giảm thế nào thì thị trường mới có câu trả lời chính xác.

Nhiều ý kiến so sánh thị trường năm nay với thị trường thép giai đoạn 2008-2009. Tại thời điểm 2008, giá thép cũng tăng vọt nhưng sau đó lao dốc thảm hại. Tuy nhiên với diễn biến thị trường năm nay, nhiều chuyên gia lại cho rằng giá thép giảm nhưng dần dần và xác lập mặt bằng giá mới.

Giá thép tăng đột biến khiến nhà thầu choáng váng.

Trong báo cáo mới công bố, Hiệp hội thép Việt Nam dẫn thông tin từ Fastmarkets: Có rất ít điểm tương đồng khi so sánh năm 2008 và năm 2020 và có nhiều điều tương phản trong thị trường thép châu Á, các kịch bản cho sự phát triển của năm nay dựa trên những gì đã xảy ra vào năm 2009 (khi giá và nhu cầu thép ở hầu hết các nước châu Á giảm) vẫn còn hữu ích. Có rất ít bằng chứng cho thấy nhu cầu bùng nổ của Trung Quốc thúc đẩy giá. Ví dụ, trong năm 2009, giá của Trung Quốc giảm so với các nước trong khu vực bất chấp sự tăng trưởng nhu cầu chưa từng có.

"Năm đó, nhu cầu thép châu Á ngoài Trung Quốc giảm 15% xuống còn 217,5 triệu tấn, tương tự như những gì chúng tôi ước tính đã xảy ra vào năm ngoái (283,2 triệu tấn). Sau đó, hiện tại, hoạt động công nghiệp được dự đoán sẽ phục hồi mạnh mẽ, khoảng 7,2% trong năm nay so với mức phục hồi hơn 10% vào năm 2010 và hiện tại, sự phục hồi ở châu Á sẽ mạnh hơn so với phần còn lại của thế giới", báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam đề cập.

Trước đó giá thép được ghi nhận giảm trong quý I/2020, sau đó giữ ở mức thấp cho đến tận quý III/2020. Đến tháng 9 và 10 năm 2020 giá thép bắt đầu phục hồi.

Việc tăng cao bắt đầu xuất hiện từ cuối quý IV/2020 cho đến nay, mức tăng phải vào 40-50%. Đây được cho là mức tăng mạnh, liên tục và trong thời gian ngắn. Thậm chí Bộ Xây dựng còn nhận định giá thép tăng như vậy là "bất thường"...

Tác giả: Nguyễn Mạnh

Theo: Dân trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến