Dòng sự kiện:
Bao giờ Việt Nam sẵn sàng 'tốt nghiệp' vốn ODA?
23/09/2018 11:06:10
Việt Nam đã ở trên ngưỡng các nước có mức thu nhập trung bình thấp, vì thế nguồn vốn ODA cho Việt Nam trong tương lai sẽ giảm dần. Chưa kể, điều kiện vay vốn ODA có nhiều điều bất lợi.

Thời gian qua một số địa phương đã có những tín hiệu từ chối vốn vay ODA, điều này là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam sẽ ngày càng ít được tiếp cận nguồn vốn này.

Việt Nam cần chuẩn bị cho chiến lược rút lui khỏi vốn ODA

Nguy cơ rơi vào “bẫy” ODA

Một báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng vốn nước ngoài Việt Nam ký kết vay giai đoạn 2016 – 2017 đạt 9.198 triệu USD, trong đó, vốn vay ODA chiếm phần lớn với 6.781 triệu USD. Là nguồn vốn vay có lãi suất thấp, thời hạn vay dài, thường từ 25-40 năm và thời gian ân hạn hợp lý (từ 5-10 năm), vốn ODA giúp Việt Nam tiếp cận với nguồn kỹ thuật tài chính quan trọng, giúp chuyển giao tri thức, đổi mới, sáng tạo và là đòn bẩy, chất xúc tác huy động nguồn vốn khác, đặc biệt nguồn vốn trong nước. Nguồn vốn này cũng giúp Việt Nam tiếp cận nhiều đối tác khác nhau, đa dạng hóa đối tác, tăng quyền đàm phán và lựa chọn của Chính phủ, giảm rủi ro nếu phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay trong nước khi lãi suất huy động lên cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ODA và vốn vay ưu đãi bộc lộ nhiều hạn chế nhất định. Theo cảnh báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với quá trình phát triển của quốc gia nhận viện trợ, lãi suất của vốn vay ODA có xu hướng tăng dần và nếu không cân nhắc kỹ Việt Nam có thể rơi vào “bẫy” ODA và vay ưu đãi khi lãi suất vay và phí thu xếp vốn cao hơn so với mức lãi suất vay thương mại trên thị trường vốn trong nước.

Cũng theo Bộ KH&ĐT, một số khoản vay ưu đãi có kèm theo điều kiện ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ, lựa chọn nhà thầu khiến chi phí vay thực tế có thể cao hơn nhiều so với trường hợp đấu thầu cạnh tranh. Ngoài ra, rủi ro do tác động bất lợi của biến động tỷ giá, đặc biệt việc lên giá đồng tiền ODA và ưu đãi so với đồng Việt Nam có thể tăng nghĩa vụ trả nợ và tăng nợ công. Năng lực hấp thụ viện trợ nước ngoài của ngành, địa phương và dự án cụ thể còn hạn chế. Các dự án vốn vay nước ngoài đều phải gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện, chậm phát huy hiệu quả.

Hiện nay Việt Nam đang tiếp nhận nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Qũy phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD)… trong đó nguồn vốn vay của WB, ADB chiếm tỷ trọng lớn.

Một  thực trạng của việc sử dụng vốn vay ODA được Bộ KH&ĐT chỉ ra chính là việc điều chỉnh tăng vốn đầu tư gấp nhiều lần so với phê duyệt ban đầu ở các dự án, nhất là dự án đường sắt đô thị, trong đó tiêu biểu như, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) Bến Thành – Suối Tiên (TP.HCM; đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội vay Pháp… với số vốn điều chỉnh lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ ra các hạn chế của nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, Bộ KH&ĐT cho biết đây là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các DN Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với ODA của các nhà tài trợ khác, một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đẩu tư... ảnh hưởng hiệu quả đầu tư… , Bộ KH&ĐT cho rằng, trong thời gian tới, “cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc trong việc vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc”.

Sẵn sàng nói “không” với dự án kém hiệu quả

Những bất cập của việc sử dụng nguồn vốn vay ODA cũng được thể hiện qua việc thời gian qua đã có một số địa phương từ chối nguồn vốn ưu đãi này.

Mới đây nhất, tỉnh Trà Vinh đã có công văn gửi Bộ KH&ĐT từ chối sử dụng nguồn vốn vay ODA Hàn Quốc cho "Dự án cấp nước tỉnh Trà Vinh" do không có khả năng bố trí ngân sách địa phương, không có kinh phí thuê tư vấn đánh giá lại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án với số tiền khoảng 11 tỷ đồng theo ý kiến đề nghị của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc. Được biết dự án này được phê duyệt tháng 1/2011. Điều đáng chú ý là cùng với việc từ chối vốn ODA cho dự án này, tỉnh Trà Vinh cũng cho biết, trong khoảng thời gian đàm phán với phía Hàn Quốc, địa phương này đẩy mạnh công tác mời gọi đầu tư để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và đã tìm được nhà đầu tư phù hợp, có năng lực để thực hiện dự án. Trước đó, năm 2015, Đà Nẵng cũng là địa phương đã mạnh dạn từ chối nguồn vốn này từ phía Nhật Bản với dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2.

Ủng hộ quyết định của Trà Vinh, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cần loại bỏ ngay tư tưởng ODA là “tiền chùa”. “Điều đáng hoan nghênh của Trà Vinh đó là thay vì vay vốn ODA của nước ngoài thì tỉnh này đã tìm được phương thức huy động vốn nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo tôi, đây là kinh nghiệm quý báu cần được xem xét và phát huy. Trong tương lai gần, cần phải có Luật về các phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm (PPP) cụ thể là BOT, BT như thế nào”, ông Doanh nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong tương lai gần thì Việt Nam chưa thể rút lui khỏi nguồn vốn này bởi đây vẫn là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, từ chối ODA chính là một trong những tín hiệu cho thấy các địa phương đã bước đầu có sự chuẩn bị cho việc rút lui vốn ODA của Việt Nam và những gì tự làm được bằng nguồn lực của chính mình thì nên tận dụng và phát huy. Xã hội hóa chính là phương thức để Việt Nam dần sẵn sàng “tốt nghiệp” vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, việc từ chối vốn ODA của tình Trà Vinh là sự đột phá, điều này cho thấy họ đã xem xét kỹ hơn đối với các dự án có nguồn vốn vay nước ngoài nói chung và ODA nói riêng và sẵn sàng nói không với các dự án kém hiệu quả. Đây cũng là cách tiếp cận mới ngay cả với nguồn vốn đầu tư nước ngoài. ODA có vai trò quan trọng đối với Việt Nam, tuy nhiên, theo tính hiệu qủa thì cần phải nâng cao hiệu quả nguồn vốn này hơn nữa. Trong đó, khi kêu gọi nguồn vốn đầu tư cho các dự án, “cần tính toán nếu giao các dự án này cho các thành phần tư nhân tham gia có hiệu quả hơn so với việc vay vốn ODA hay không”.

Về vấn đề này, trong định hướng mới về thu hút và sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ, Bộ KH&ĐT cho rằng vốn vay ODA và vay ưu đãi chỉ nên chiếm 30-50% tổng mức đầu tư dự án, đóng vai trò vốn mồi, chất xúc tác cho nguồn vốn khác. Nên ưu tiên sử dụng dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nhất là dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ trong trung và dài hạn như giải quyết nút thắt cơ bản về hạ tầng, nông nghiệp thông minh, kích thích hoạt động xuất khẩu… Theo đó, cần hạn chế sử dụng vốn vay nước ngoài để tài trợ cho nhu cầu mua sắm nội địa vì làm tăng nợ công nhưng không cải thiện năng lực trả nợ quốc gia. Lợi ích lớn nhất của vốn vay nước ngoài là có nguồn ngoại tệ để tiếp cận công nghệ, tài sản đầu tư và kiến thức chuyên môn tiên tiến, vì thế, trong bối cảnh Việt Nam cần chuẩn bị cho chiến lược rút lui khỏi vốn ODA thì ODA chỉ nên là kênh huy động ngoại tệ tạm thời. Theo Bộ KH&ĐT, về lâu dài, chúng ta cần có chiến lược để tiếp cận các yếu tố đó mà không cần ODA, tức là Việt Nam cần tập trung xây dựng thị trường vốn trong nước, tiếp cận thị trường vốn nước ngoài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước để tiệm cận dần đến trình độ quốc tế. 

Theo báo Hải Quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến