Dòng sự kiện:
Bão số 1 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương cấm biển, căng mình ứng phó
02/01/2019 15:34:35
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 1, các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre và Kiên Giang đã cấm biển. Một số tỉnh khác cũng khẩn trương triển khai công tác ứng phó.

Cà Mau họp khẩn bàn công tác ứng phó bão số 1

Theo ông Nguyễn Long Hoai - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), tỉnh Cà Mau đã cấm biển từ 12h trưa hôm qua (1/1), hiện đã có hơn 2.500 tàu thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn, còn hơn 1.000 tàu thuyền đang ở ngoài biển đang được kêu gọi vào bờ.

Trước đó, để ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT-TKCN các huyện chỉ đạo rà soát phương án sắp xếp bố trí dân cư ở các nơi xung yếu để chủ động thực hiện khi có yêu cầu.

Cà Mau đang kêu gọi các tàu ngoài biển vào bờ (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, hiệu trưởng các trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các trường thuộc địa bàn ven biển thường xuyên theo dõi, thực hiện các biện pháp chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh để kịp thời xử lý trong các tình huống khẩn cấp…

Trong sáng nay (2/1), Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đã họp với các sở, ngành và chỉ đạo kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn. Đối với các tàu neo đậu ở khu vực đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối phải đưa ngư dân lên bờ, chỉ để lại 1-2 người.

Đối với người dân đang sống trên đảo Hòn Chuối, Chủ tịch Cà Mau yêu cầu cần phải sơ tán đến nơi an toàn gần nhất; các bè cá tại đảo này phải được gia cố chắc chắn để tránh thiệt hại lớn về tài sản.

Kiên Giang cấm biển từ 13h30 ngày 2/1

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm, từ 13h30 ngày 2/1, tỉnh này ban bố lệnh cấm biển, kêu gọi, hướng dẫn hơn 10.000 tàu thuyền tìm nơi tránh, trú bão an toàn.

Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết địa phương này có 10.618 tàu đánh cá. Trong đó có 4.910 tàu đánh bắt xa bờ công suất máy chính trên 90CV. Hiện, cơ quan chức năng đã liên lạc thường xuyên, kêu gọi vào bờ đối với 400 tàu khai thác gần bờ đang đánh bắt tại các vùng biển Phú Quốc, Kiên Hải, Cà Mau... Số tàu hoạt động ven bờ biển Tây Nam Bộ có 520 chiếc (2.080 thuyền viên) vẫn liên lạc thường xuyên vào đất liền.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 1, Chi cục Thủy sản Kiên Giang tổ chức di dời 2.800 lồng bè nuôi thủy sản trên biển và yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương có biện pháp khẩn cấp bảo vệ 119.000 ha diện tích tôm nuôi.

UBND tỉnh Kiên Giang có công văn khẩn chỉ đạo các đơn vị, địa phương, sở, ban, ngành bố trí trực cơ quan 24/24. Đặc biệt là lực lượng tàu cứu hộ, cứu nạn trên biển được huy động 100%.

Đại diện hãng tàu Superdong Kiên Giang cho biết tàu cao tốc tuyến Rạch Giá - Phú Quốc và ngược lại đã tạm ngưng hoạt động từ trưa 2/1, do có lệnh cấp biển. Còn tuyến cao tốc Trần Đề (Sóc Trăng) đi Côn Đảo đã ngưng chạy từ trước kỳ nghỉ Tết dương lịch 2019 vì gió to, sóng lớn.

Bạc Liêu kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn

Trưa 2/1, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, nhằm triển khai phương án ứng phó với cơn bão số 1.

Bạc Liêu có mưa kéo dài, gió vừa trong sáng nay 2/1.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu tiếp tục kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ; thoát ra vùng ảnh hưởng của cơn bão số 1 hoặc tìm nơi trú bão an toàn. Đặc biệt, đối với huyện Đông Hải, yêu cầu cán bộ huyện đến từng nhà kiểm tra số tàu, hướng dẫn, tuyên truyền cho chủ tàu tìm nơi tránh trú bão. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp cùng huyện Đông Hải phối hợp với các lực lượng khẩn trương tổ chức cứu nạn tàu BL 93222TS đang bị chết máy trên biển.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, đến trưa 2/1, trên vùng biển Bạc Liêu còn 310 tàu với 2.210 thuyền viên đang hoạt động. Lực lượng chức năng đã liên lạc được 100% tàu và thông báo về đường đi của bão số 1 để các tàu chủ động phòng tránh hoặc vào bờ. Theo ghi nhận, trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch trên địa bàn tỉnh có mưa, đặc biệt mưa to xảy ra từ đêm 1 đến trưa 2/1 khiến hoạt động sản xuất, cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Ninh Thuận yêu cầu chủ tàu thuyền tránh hướng di chuyển của bão

Do ảnh hưởng của Bão số 1 gần bờ, từ đêm 1/1 đến 2/1, tỉnh Ninh Thuận có mưa rất to và dông, lượng mưa từ 30-80mm/24 giờ. Riêng các huyện phía Bắc của tỉnh giáp với Khánh Hòa, lượng mưa đạt từ 80-130mm/24 giờ. Vùng biển tại Ninh Thuận có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 3-4m, biển động rất mạnh.

UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và chính quyền địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; kiểm đếm tàu thuyền tại các cảng không cho vươn khơi trong thời điểm bão; đồng thời thông báo cho các chủ tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để tránh trú an toàn.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, các hồ chứa hiện đã tích trữ đầy nước hoặc không đảm bảo an toàn hạn chế việc xả lũ với lưu lượng lớn; trường hợp dự báo khả năng có mưa lớn phải xả lũ cần tính toán điều tiết xả với lưu lượng và thời gian phù hợp (chậm nhất 6 giờ trước khi xả), để tránh thiệt hại xảy ra.

Hiện trong số 21 hồ chứa do Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận quản lý, đến 7 giờ ngày 2/1, tổng lượng nước đã đạt 192,63/194,49 triệu m3 dung tích thiết kế. 8 hồ chứa đang phải mở cửa van từ 10-20 cm để xả lũ. các hồ chứa còn lại nước đã qua tràn tự do từ 10-30 cm.

Bão số 1 trái vụ, mức độ nguy hiểm cao, ảnh hưởng vùng rộng lớn

Tại cuộc họp Ứng phó với bão số 1 sáng 2/1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường xác định đây là cơn bão nguy hiểm, trái vụ.

Ngoài ra, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc gây nguy cơ ảnh hưởng lớn, đối tượng tổn thương có phạm vi rất lớn là 400.000 lao động (từ Khánh Hòa đến Kiên Giang) và gần 3.000 tàu trong phạm vi nguy hiểm của bão.

Theo Bộ trưởng, hiện đã có 5 tỉnh cấm biển, thông báo 4 tỉnh còn lại căn cứ vào tình hình thực tế để cấm biển.

Bộ trưởng yêu cầu rà soát lại 12 tàu của Bà Rịa – Vũng Tàu (8 cái đi lên phía Bắc, 2 cái chìm, 2 tàu không liên lạc được), cố gắng thông báo cho 2 tàu còn lại di chuyển đến nơi an toàn, có biện pháp hỗ trợ 8 tàu; đối với tàu tỉnh Bình Thuận, đề nghị Cứu hộ cứu nạn phối hợp với tỉnh.

Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp giữa BĐBP, Thủy sản, địa phương thông báo để không có tàu trong vùng nguy hiểm. Đồng thời chủ động các biện pháp ứng phó, sẵn sàng phương tiện cứ hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, trong những ngày tới, tình hình mưa lũ có thể diễn biến phức tạp, các tỉnh ven biển Trung và Nam Bộ cần kiểm tra, rà soát để sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó. Đặc biệt chú ý tới các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt; chú trọng công tác vận hành đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du hồ chứa, nhất là các hồ xung yếu, các hồ đã đầy nước.

Ly Na (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến