Trong quá trình xử lý không để xảy ra tình trạng lạm dụng chính sách này để trục lợi hoặc thoái thác trách nhiệm với hợp đồng BOT đã ký kết...
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 428/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Bộ GTVT đề xuất dùng 10.342 tỷ đồng ngân sách xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT.
Trong đó, Phó Thủ tướng khẳng định việc sớm xử lý, giải quyết các khó khăn, bất cập tại các dự án này là cần thiết.
Theo Phó Thủ tướng, việc giải quyết dứt điểm các dự án BOT còn vướng mắc nhằm thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư. Song song đó, khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư trong việc thu hút đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Cạnh đó, khơi thông nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, nguồn lực xã hội tham gia các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ nêu nguyên tắc việc xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT phải bảo đảm thống nhất, chặt chẽ, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên, tuân thủ hợp đồng đã ký kết và theo đúng quy định pháp luật.
Đi vào cụ thể tám dự án được Bộ GTVT đề xuất Nhà nước mua lại và hỗ trợ, Phó Thủ tướng cho biết “cơ bản thống nhất với nguyên tắc, giải pháp xử lý” như đề xuất của Bộ GTVT. Tuy nhiên, Bộ GTVT cần tiếp tục rà soát, làm rõ về những vướng mắc, bất cập; nguyên nhân, trách nhiệm của các bên; đồng thời nghiên cứu tiếp thu, làm rõ hơn một số ý kiến của các bộ, ngành tại cuộc họp.
Trong đó, lãnh đạo Chính phủ lưu ý Bộ GTVT xác định rõ những vấn đề tồn tại, bất cập do pháp luật và những vấn đề liên quan đến tổ chức triển khai, thực hiện của các cơ quan, đơn vị; nghiên cứu, rà soát kỹ hợp đồng để xác định những vấn đề ngoài phạm vi hợp đồng hoặc vấn đề thay đổi so với hợp đồng đã ký. Từ đó, Bộ GTVT nêu rõ trách nhiệm của các bên…
Trạm thu phí BOT Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên-Bắc Kạn.
Về thẩm quyền, Bộ GTVT chịu trách nhiệm về việc xác định và chỉ rõ thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật để quyết định các cơ chế, chính sách xử lý tồn tại, bất cập của từng dự án. Trường hợp thẩm quyền của Bộ GTVT thì bộ trưởng Bộ GTVT chịu trách nhiệm xử lý. Trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thì báo cáo đúng cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trước đó, Bộ GTVT có báo cáo gửi Chính phủ đề xuất Nhà nước bỏ ra 10.342 tỉ đồng để xử lý bất cập tại tám dự án BOT. Trong đó, mua lại năm dự án gồm: BOT cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn với 571 tỉ đồng; BOT vành đai phía tây TP Thanh Hóa với 892 tỉ đồng; BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91 (TP Cần Thơ) với 1.754 tỉ đồng; BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 dự kiến 2.850 tỉ đồng; BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Lắk với 745 tỉ đồng. Các dự án này sẽ xóa trạm thu phí sau khi Nhà nước bố trí ngân sách mua lại.
Ngoài ra, ba dự án được xem xét tiếp tục hợp đồng và kéo dài thời gian hoàn vốn, Nhà nước hỗ trợ không vượt quá 49% tổng vốn đầu tư gồm: dự án BOT cầu Thái Hà (Thái Bình, Hà Nam), dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì và dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả.
Theo các chuyên gia giao thông,việc mua lại hay hỗ trợ nhà đầu tư cần xem lại cam kết trong hợp đồng BOT giữa cơ quan Nhà nước và nhà đầu tư. Theo đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cam kết thế nào thì phải thực hiện đúng như vậy. Trường hợp Nhà nước thực hiện không đúng cam kết trong hợp đồng thì phải hỗ trợ doanh nghiệp để họ có thể thu hồi vốn.
Trong trường hợp hợp đồng ký kết Nhà nước cam kết cho nhà đầu tư thu hồi kinh phí ở hai trạm BOT nhưng nay chỉ thực hiện được một trạm vì trạm kia không được thu phí do người dân phản ứng thì Nhà nước cũng phải xem xét hỗ trợ. Còn trong trường hợp hợp đồng không có điều khoản này thì nhà đầu tư phải theo nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”.
Tác giả: Phi Long
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy