Dòng sự kiện:
Bất chấp COVID-19, dòng kiều hối vẫn không ngừng tuôn chảy
30/01/2022 11:56:59
Các chuyên giá đánh giá, nguồn kiều hối đổ về Việt Nam tăng liên tục qua các năm đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ và ổn định tỷ giá và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hơn 70% người dân nhận kiều hối chuyển sang VND. (Ảnh: Vietnam+)

Hiện nay, ngày càng nhiều người Việt ra nước ngoài làm ăn. Đồng ngoại tệ hàng tháng họ gửi về không chỉ để nuôi sống gia đình mà xa hơn là góp phần khơi thông và bổ sung cho huyết mạch của nền kinh tế quốc gia.

Luôn trong tốp đầu thế giới

Mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu nhưng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2021 vẫn ở mức cao. Đặc biệt, lượng kiều hối thường tăng mạnh vào dịp cuối năm, góp phần rất lớn giúp ổn định nguồn ngoại tệ trong nước và phát triển kinh tế.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, kiều hối về Việt Nam trong năm 2021 đạt khoảng 12,5 tỷ USD. Với con số này, lượng kiều hối năm nay tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong số đó, lượng kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng khoảng 70%, các công ty kiều hối 28%, qua bưu điện 2%.

Tuy nhiên, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD, dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ở mức kỷ lục 18,1 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cũng theo thống kê của tô chức này, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 đạt 17,2 tỷ USD - nằm trong tốp 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

Nguyên nhân con số thống kê của các tổ chức quốc tế cao hơn so với trong nước, theo nhiều chuyên gia, là do Ngân hàng Thế giới dựa trên số lao động và kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài cũng như dựa trên mức thu nhập hàng năm tại nước sở tại để thống kê.

Được biết, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam chủ yếu từ các thị trường Mỹ, Australia, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Là một trong tâm kinh tế lớn của cả nước nên Thành phố Hồ Chí Minh luôn là nơi thu hút lớn nhất nguồn kiều hối đổ về. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn kiều hối ước đạt 6,6 tỷ USD trong năm 2021, tăng trưởng 9% so với năm trước. Đây chính là cơ hội, nguồn lực then chốt giúp thành phố phục hồi nhanh, vững bước phát triển trong giai đoạn hậu COVID-19.

Theo các chuyên gia, kiều hối gia tăng mạnh trong năm nay một phần vì Việt Nam bị ảnh hưởng dịch nặng nề, thực hiện giãn cách xã hội thời gian dài, nên người ở nước ngoài đã chuyển tiền về hỗ trợ người thân, hỗ trợ cộng đồng khắc phục hậu quả do dịch gây ra.

Chị Thu Hồng (quận Cầu Giấy-Hà Nội) cho biết mọi năm, người thân của chị đang sinh sống và làm việc tại Australia đều gửi tiền về hỗ trợ gia đình vào dịp Tết vì chị đang chăm sóc mẹ già. Tuy nhiên, năm nay, khi biết dịch bệnh kéo dài, đời sống khó khăn nên người thân gửi tiền về sớm hơn.

“Với số tiền được chuyển về trong đợt dịch vừa qua, tôi có thể trang trải cuộc sống trong mấy tháng giãn cách không có thu nhập. Số tiền còn dư, tôi dùng làm vốn lấy thêm hàng hóa để bán sau khi hết giãn cách,” chị Hồng kể.

Việt Nam nằm trong 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất. Đơn vị tỷ USD. Nguồn: Word Bank và KNOMAD.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thoa (huyện Lý Nhân-Hà Nam) cho biết nhà có 2 người con trai và 1 con dâu đều đang lao động ở Nhật Bản gửi về hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đó, gia đình bà đã xây cất được ngôi nhà vườn trị giá hơn 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mỗi người con cũng mua được mảnh đất đẹp ngoài thị trấn để khi về nước có thể lấy chỗ buôn bán.

“Nếu không có nguồn thu nhập từ các con gửi về đều đặn thì cuộc sống sẽ rất khó khăn vì nhà nông chúng tôi chẳng biết làm gì ra tiền, hàng ngày tạm gọi là đủ ăn thôi,” bà Thoa chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều làng quê ở các địa phương trong cả nước cũng “thay da, đổi thịt” nhờ nguồn tiền kiều hối như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế

Các chuyên gia nhận định nguyên nhân giúp cho nguồn kiều hối 'chảy' mạnh về nước trong thời gian qua là nhờ cơ chế chuyển nhận kiều hối rất thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng đánh giá nguồn kiều hối đổ về Việt Nam tăng liên tục qua các năm đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ và ổn định tỷ giá. Những gia đình được nhận kiều hối từ người thân ở nước ngoài cũng có điều kiện tăng thu nhập, kích thích tiêu dùng và đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, kiều hối về nhiều cũng thể hiện mức độ hội nhập của quốc gia.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng nguồn kiều hối đã bổ sung đáng kể vào dự trữ ngoại tệ cho Việt Nam. Dòng chảy này tăng cao một phần cũng là do người Việt làm việc ở nước ngoài tin vào sự ổn định của nền kinh tế và nhìn thấy những cơ hội đầu tư tốt hơn ở thị trường trong nước. Lợi thế lớn nhất của kiều hối hiện nay là không tiềm ẩn rủi ro như vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho hay chính sách tỷ giá ổn định, linh hoạt đã có tác động tích cực đến dòng kiều hối chảy về Việt Nam trong những năm qua. “Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng đều mong muốn tỷ giá tại nước mình đầu tư không bị biến động quá mạnh. Bởi nếu tỷ giá tăng mạnh trong khi nguồn thu chính tại thị trường Việt Nam là tiền đồng thì khi muốn chuyển tiền về đất nước của nhà đầu tư đang sinh sống (ở nước ngoài) sẽ gặp bất lợi,” ông Hiếu nói.

Theo thống kê, do các ngân hàng giữ ngoại tệ không lãi suất nên hơn 70% người dân nhận kiều hối đều chuyển sang VND. Điều đó giúp ngân hàng có nguồn ngoại tệ dồi dào để phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài.

Để thu hút mạnh hơn dòng kiều hối về Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đề xuất thời gian tới, Nhà nước cần thực thi các chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, như giáo dục và sức khỏe cộng đồng... tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực về dài hạn cho đất nước.

Đặc biệt, Chính phủ cũng cần hạn chế thay đổi đột ngột các quy định trong hoạt động đầu tư; nới lỏng các quy định, điều khoản đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các cấp... nhất là khâu thực thi ở các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào đầu tư về nước.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần xóa bỏ những rào cản “vô hình” đối với các lĩnh vực đầu tư mới, như: Năng lượng, y tế, khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao. Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Chính phủ nên có những biện pháp chống dịch song song với phát triển kinh tế và các giải pháp thích ứng phù hợp. Quá trình điều hành tránh những giải pháp cực đoan tạo tâm lý “không an toàn” cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có kiều bào, để từ đó tạo sự yên tâm nhằm thu hút lượng kiều hối đầu tư vào các lĩnh vực mang tính bền vững, có sức lan tỏa cao./.

Tác giả: Thúy Hà

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến