Điều bất ngờ là không chỉ Manulife Việt Nam trả lương và các khoản chi theo lương cho nhân viên lên tới xấp xỉ 1 tỷ đồng/năm, mà AIA Việt Nam, Fubon Việt Nam, Prudential Việt Nam cũng có mức đãi ngộ không kém.
Nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ có chế độ đãi ngộ cao. (Ảnh: Prudential Việt Nam).
Theo thống kê của VietNamNet, Manulife Việt Nam dẫn đầu về mức đãi ngộ nhân viên. Năm 2022, Manulife chi 1.133 tỷ đồng để chi lương và các khoản chi theo lương cho 1.153 nhân sự, tăng 18% so với năm 2021. Tính trung bình, mức chi bình quân cho một nhân sự lên tới 983 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 82 triệu đồng/người/tháng.
AIA Việt Nam (AIA) là doanh nghiệp đứng thứ 2 về mức đãi ngộ. Mức chi trung bình cho mỗi nhân viên năm 2022 lên tới 971 triệu đồng, tương đương 81 triệu đồng/người/tháng.
AIA có 1.043 nhân viên tại thời điểm cuối năm 2022, quy mô công ty tương đương với Manulife. Tuy nhiên, tổng mức chi lương nhân viên năm 2022 của doanh nghiệp này lại giảm 3% so với năm 2021, đạt 1.012 tỷ đồng.
Đứng cạnh hai “gã khổng lồ” nói trên là người “tí hon” Công ty TNHH Fubon Việt Nam (Fubon). Đây là doanh nghiệp bảo hiểm có lượng nhân sự “mỏng” nhất tại Việt Nam, chỉ vỏn vẹn 107 người. Fubon cũng là doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất ghi nhận lợi nhuận trước thuế âm 31 tỷ đồng trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm đến từ Đài Loan (Trung Quốc) này lại chiếm vị trí thứ 3 về mức đãi ngộ sau khi tăng 54% lương cho nhân viên so với năm 2021 (100,7 tỷ đồng). Theo đó, mức chi bình quân cho mỗi nhân viên của Fubon trong năm 2022 lên đến 941 triệu đồng.
Đứng thứ tư là “gã khổng lồ” Prudential Việt Nam (Prudential) với mức đãi ngộ lên đến 892 triệu đồng/người/năm, tương đương 74,32 triệu đồng/người/tháng.
Prudential cũng là doanh nghiệp bảo hiểm có quy mô nhân sự đứng thứ 3 tại Việt Nam, lên đến 1.615 người vào thời điểm cuối năm ngoái. Công ty đã tăng mức chi lương và các khoản chi theo lương lên 18,75% so với năm 2021, đạt 1.440 tỷ đồng.
Công ty TNHH Sun Life Việt Nam (Sun Life) dù chỉ là doanh nghiệp có quy mô trung bình nhưng cũng thuộc Top doanh nghiệp chi lương khá cao.
Với quy mô 537 nhân sự, năm 2022 Sun Life chi 347,5 tỷ đồng để chi lương nhân viên, tăng 20% so với năm trước đó.
Theo đó, mức chi cho mỗi nhân viên là hơn 647 triệu đồng/năm, tương đương 54 triệu đồng/người/tháng.
Trong danh sách này còn có Bảo Việt Nhân thọ (Bảo Việt Life). Đây là doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần bảo hiểm và cả quy mô nhân sự. Bảo Việt Life chưa công bố BCTC năm 2022. Nhưng theo BCTC năm 2021, doanh nghiệp này có tới 2.276 nhân viên. Mức chi lương và các khoản chi theo lương năm 2021 là 647 triệu đồng/người, tương đương 54 triệu đồng/người/tháng.
Chubb Life Việt Nam, một doanh nghiệp bảo hiểm đến từ Mỹ đứng kế tiếp, với mức chi gần 415 triệu đồng/người trong năm 2022, tương đương 34,5 triệu đồng/người/tháng.
Liên doanh bảo hiểm BIDV MetLife đứng thứ 8 với mức chi cho nhân viên hơn 402 triệu đồng/người, tương đương 33,5 triệu đồng/người/tháng. So với các đối thủ, BIDV MetLife là doanh nghiệp bảo hiểm quy mô nhỏ khi chỉ có 193 nhân viên.
Một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác đến từ Đài Loan (Trung Quốc) là Công ty TNHH Cathay Life công bố mức chi cho nhân viên năm 2022 là 307 triệu đồng/người, tương đương 25,5 triệu đồng/tháng. Với mức chi này, nếu trừ đi các khoản đóng theo lương chứng tỏ thu nhập của nhân viên Cathay Life ở mức thấp trong ngành.
Đứng sau Cathay Life còn có Hanwha Life, một doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc. Với quy mô nhân sự hơn 500 người, năm 2022 công ty này chi cho nhân viên chỉ 174 triệu đồng/người, tương đương 14 triệu đồng/người/tháng bao gồm lương và các khoản đóng theo lương.
Bất ngờ hơn cả là đại gia đến từ Nhật Bản, Công ty TNHH Dai-ichi Life Việt Nam. Dù nằm trong Top 5 doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần bảo hiểm nhân thọ, quy mô nhân sự cũng đứng thứ hai với 2.037 người vào cuối năm 2022, nhưng mức chi cho mỗi nhân viên chỉ là 174 triệu đồng trong năm vừa qua . Bình quân mỗi nhân viên Dai-ichi Life chỉ nhận 14,5 triệu đồng/tháng bao gồm lương và các khoản đóng theo lương.
Một số doanh nghiệp chưa công bố BCTC năm 2022 như FWD Việt Nam, MB Ageas, Generali Việt Nam. Bảo Việt Life dù chưa công bố báo cáo tài chính chính thức nhưng cũng đã hé lộ một số thông tin về doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ bồi thường,…
Một điểm chung trong BCTC của các công ty bảo hiểm nhân thọ là chỉ công bố “lương và các khoản chi theo lương” cho nhân viên, chứ không tách bạch từng khoản chi. Do đó, con số được các doanh nghiệp công bố đã bao gồm lương, phụ cấp, bảo hiểm bắt buộc đóng theo lương,…
Từ con số này cũng có thể biết tương đối chính xác mức thu nhập của nhân viên công ty bảo hiểm. Đây chỉ là mức chi cho nhân viên, bao gồm những người làm việc tại văn phòng (hay còn gọi là khối “back office”), không bao gồm những người trực tiếp ra ngoài bán bảo hiểm như vai trò của các đại lý.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến cuối năm 2022, Top 5 doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần với khoảng 76% thị phần bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam lần lượt gồm: Bảo Việt, Prudential, Manulife, Dai-ichi Life, và AIA. |
Tác giả: Tuân Nguyễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy