Trong các hoạt động kinh doanh phi tín dụng thì hoạt động dịch vụ luôn được xem có nguồn thu ổn định nhất, so với kinh doanh ngoại hối hay mua bán chứng khoán. Trong 24 ngân hàng do chúng tôi thống kê được, chỉ duy nhất 1 ngân hàng bị lỗ ở hoạt động này. Còn xét về tăng trưởng, chỉ có 4 ngân hàng sụt giảm so với năm 2017, trong đó đa phần là vì năm trước đó ghi nhận khoản thu một lần sau khi ký kết hợp tác với các đơn vị bảo hiểm. Loại trừ đi nguồn thu đột biến đó, nhìn chung tăng trưởng của hoạt động dịch vụ của các nhà băng vẫn khá ổn định.
Ngân hàng nào có lãi cao nhất từ dịch vụ?
BIDV là ngân hàng có lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cao nhất trong năm 2018, đạt 3.551 tỷ đồng, tăng 19,7% so với năm ngoái. Khá bất ngờ bởi trước đó, 9 tháng đầu năm 2018, BIDV vẫn còn đứng sau Vietcombank về mức lãi ở hoạt động kinh doanh này. Còn trong năm 2017, Techcombank là người dẫn đầu về lợi nhuận ở mảng hoạt động này.
BCTC Hợp nhất năm 2018, đơn vị: tỷ đồng
Năm 2018, Techcombank do không còn khoản thu đột biến nhờ hợp tác với bảo hiểm như năm trước nên lãi từ hoạt động dịch vụ sụt giảm 10,2%, đạt 3.536 tỷ đồng, gần bằng BIDV. Năm 2017, việc ký kết hợp tác với Manulife đã giúp Techcombank ghi nhận khoản thu nhập hơn 1.500 tỷ đồng từ dịch vụ ủy thác và đại lý.
Mặc dù không còn khoản thu ghi nhận một lần sau ký thỏa thuận với phía bảo hiểm, nhưng Techcombank vẫn đang khai thác khá tốt ở dịch vụ này. Dịch vụ hợp tác bảo hiểm năm 2018 đạt 722 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2017.
Tuy nhiên, nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán mới là hoạt động dịch vụ tăng trưởng cao nhất ở Techcombank, có mức thu nhập đạt hơn 1.160 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần năm 2017. Đây là khoản thu mà công ty con của Techcombank mang về, sau khi phát hành thành công hơn 61.992 tỷ đồng trái phiếu cho các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam năm 2018, mức kỷ lục mới của công ty này.
Ở Vietcombank và VietinBank, mức tăng trưởng ở hoạt động dịch vụ khá cao trong năm vừa qua. Cụ thể, lãi từ dịch vụ ở Vietcombank đạt 3.401 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2017. Nguồn thu từ dịch vụ thanh toán đang là nguồn thu chính trong hoạt động dịch vụ của nhà băng này, đạt mức lãi hơn 1.700 tỷ đồng. Vietcombank cũng đang là ngân hàng có thu nhập từ dịch vụ thanh toán cao nhất trong hệ thống.
Trong khi đó, ở VietinBank, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng tới 49% đạt 2.770 tỷ đồng. Đây có thể xem là điểm sáng lớn nhất của ngân hàng trong báo cáo kết quả kinh doanh năm vừa qua, khi thu nhập lãi thuần bị giảm, các hoạt động khác như mua bán chứng khoán, kinh doanh ngoại hối cũng không mấy khả quan.
Đứng sau VietinBank, Sacombank và MBBank cũng có lãi từ hoạt động dịch vụ đạt trên 2.000 tỷ đồng. Trong đó, Sacombank có lãi 2.662 tỷ từ dịch vụ, tăng nhẹ 1,4% (do năm 2017 là năm đầu tiên hợp tác với bảo hiểm). Đáng chú ý là dịch vụ đang đóng góp rất nhiều cho tổng thu nhập của ngân hàng với tỷ trọng đạt 23%, là tỷ lệ thuộc nhóm cao nhất trong hệ thống.
MBBank có sự đột phá ấn tượng ở các hoạt động dịch vụ, đạt lãi 2.566 tỷ đồng, tăng tới 127%. Mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ đóng góp lớn của các công ty con bởi lãi từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng mẹ thực tế chỉ đóng góp khoảng 46% trong năm 2018, đạt 1.182 tỷ đồng. 54% còn lại đến từ các công ty con, trong đó chủ đạo là công ty bảo hiểm MB Ageas Life. Hoạt động bảo hiểm của MB hợp nhất có lãi hơn 1.335 tỷ đồng, tăng gấp 4,7 lần năm 2017.
Mức tăng trưởng ở hoạt động dịch vụ của MBBank đã rất ấn tượng, tại TPBank còn ngạc nhiên hơn khi tăng tới 4 lần, đạt lãi 676 tỷ đồng. Thu dịch vụ của TPBank tăng vọt chủ yếu nhờ khoản thu đột biến từ dịch vụ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm (tăng hơn 14 lần). Ngoài ra, hoạt động thanh toán cũng có thu nhập tăng cao (hơn 2 lần) đạt 268 tỷ đồng.
Tăng trưởng ấn tượng nhưng tỷ trọng đóng góp còn thấp
Mặc dù tăng trưởng ở hoạt động dịch vụ khá cao trong năm vừa qua, tỷ trọng đóng góp của mảng kinh doanh này vào tổng thu nhập ở đa số các nhà băng vẫn còn ở mức khá khiêm tốn và cải thiện chậm chạp.
BCTC Hợp nhất, đơn vị: tỷ đồng
Chỉ có 16/24 ngân hàng cải thiện được tỷ trọng này trong năm vừa qua và tỷ lệ phổ biến chủ yếu từ 4-8%. Một số ngân hàng nổi bật hơn về việc hoạt động dịch vụ đóng góp lớn cho tổng nhu nhập là Techcombank (tỷ trọng đóng góp 19%), Sacombank (23%), SHB (23%),.... Trong khi đó, tỷ lệ này lại đặc biệt thấp ở các ngân hàng nhỏ, như tại NCB là 2%, BacABank 3,7%, Saigonbank 5%,…Ngoài ra, 2 công ty như VPBank và HDBank có chiến lược trọng tâm vào cho vay tiêu dùng cũng có tỷ trọng đóng góp của dịch vụ khá thấp, chỉ ở mức xấp xỉ 5%.
Hoạt động dịch vụ tăng trưởng nhanh nhưng tỷ trọng đóng góp vẫn thấp một phần vì quãng thời gian dài trước đây các ngân hàng phụ thuộc quá lớn vào hoạt động tín dụng. Để cải thiện tỷ trọng này nhanh chóng thì lãi từ tín dụng tăng một, hoạt động dịch vụ phải tăng rất nhiều lần. Trong khi đó, để đạt được nguồn thu tốt từ dịch vụ, các ngân hàng đang đua nhau đổ không ít tiền để đầu tư công nghệ, cải thiện chất lượng. Bởi họ nhìn thấy đây là hoạt động đem lại nguồn thu bền vững và an toàn bậc nhất cho nhà băng, trong bối cảnh tín dụng đang ngày càng bị siết chặt.
Theo Trí thức trẻ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy