Bà Nguyễn Thị Như Loan, cựu Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: Việt Đức.
Tại báo cáo tài chính bán niên 2024 đã được soát xét vừa công bố, CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) đã thuyết minh chi tiết về thu nhập của các lãnh đạo cấp cao trong Hội đồng quản trị (HĐQT), ban tổng giám đốc và ban kiểm soát.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Quốc Cường Gia Lai trả lương các lãnh đạo tổng cộng hơn 416 triệu đồng, cao hơn mức 227 triệu của cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT trong kỳ là bà Nguyễn Thị Như Loan, và Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc là ông Lại Thế Hà cùng nhận mức thu nhập 66 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng nửa đầu năm, mỗi lãnh đạo cấp cao nhận bình quân 11 triệu đồng.
Các thành viên còn lại trong HĐQT, ban tổng giám đốc hay ban kiểm soát nhận thu nhập thậm chí thấp hơn, chỉ 15-30 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm, tương đương mỗi tháng nhận khoảng 2,5-5 triệu đồng mỗi người.
Đáng chú ý, thành viên có mức thu nhập cao nhất ban lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai là ông Phạm Hoàng Phương, hiện giữ chức vụ Kế toán trưởng. Ông Phương nhận thu nhập 184 triệu đồng trong nửa đầu năm, tương ứng mỗi tháng nhận 31 triệu đồng.
Không chỉ nhận thu nhập thấp mà các lãnh đạo cấp cao của Quốc Cường Gia Lai còn đồng thời là "chủ nợ" của doanh nghiệp này. Tại thời điểm ngày 30/6, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận khoản vay cá nhân khoảng 32 tỷ đồng.
Trong đó có khoản nợ từ bà Nguyễn Thị Như Loan và con gái lần lượt là 2 tỷ đồng và 700 triệu đồng. Ông Lại Thế Hà và con gái cũng cho doanh nghiệp vay số tiền lần lượt gần 24 tỷ đồng và 5 tỷ đồng.
Liên quan đến tình hình nhân sự, hiện vị trí Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai đã được tiếp quản bởi ông Nguyễn Quốc Cường - con trai bà Như Loan, sau khi bà bị khởi tố, bắt tạm giam hồi tháng 7 vừa qua với cáo buộc liên quan việc chuyển nhượng dự án 39-39B Bến Vân Đồn.
Về tình hình kinh doanh, trong quý II/2024, công ty này ghi nhận doanh thu thuần hơn 26 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ. Phần lớn doanh thu đến từ mảng bán điện, còn mảng bất động sản chỉ đóng góp gần 8%.
Kết quả, Quốc Cường Gia Lai báo lỗ ròng hơn 17 tỷ đồng. Đây là mức lỗ quý cao nhất trong hơn một thập niên đã qua của "đại gia phố núi".
Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu của Quốc Cường Gia Lai giảm 69% chỉ còn 65 tỷ đồng; qua đó lỗ ròng 17 tỷ đồng.
Với tham vọng doanh thu thuần 1.300 tỷ đồng và lãi trước thuế 100 tỷ đồng trong năm nay, sau nửa năm kinh doanh, Quốc Cường Gia Lai mới thực hiện được 5% mục tiêu doanh thu và chưa ghi nhận bất kỳ đồng tiền lãi nào.
Đáng chú ý, tại thời điểm ngày 30/6, có tới 75% giá trị tài sản của Quốc Cường Gia Lai vẫn "nằm bất động" ở mục hàng tồn kho, chủ yếu là bất động sản dở dang với phần lớn tại dự án Phước Kiển.
Tác giả: Hồng Nhung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy