Bất ổn ở CTCP Du lịch Đồ Sơn đã được giải quyết ?
28/07/2015 11:12:19
3 năm không tổ chức được ĐHCĐ sau cổ phần hóa vào năm 2005 do mâu thuẫn nội bộ, nhiều kiện cáo liên quan đến đất đai… là những bất ổn từng xảy ra tại CTCP Du lịch Đồ Sơn. Cho đến thời điểm này, mọi việc đã tạm ổn và cổ đông Nhà nước đã quyết định thoái toàn bộ vốn tại DN.

CTCP Du lịch Đồ Sơn có vốn điều lệ xấp xỉ 8 tỷ đồng, trong đó, SCIC tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn Nhà nước từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch năm 2011, hiện sở hữu 55,63% vốn điều lệ của Công ty.

DN có vốn nhỏ, nhưng có quyền sử dụng đất với nhiều địa điểm kinh doanh đẹp tại Đồ Sơn (TP. Hải Phòng). Mâu thuẫn lợi ích chính là nguyên nhân dẫn tới những bất ổn kéo dài của Công ty.

Ảnh Internet.

Đại hội tổ chức đúng luật

ĐHCĐ thường niên 2015 của CTCP Du lịch Đồ Sơn diễn ra ngày 3/7 với tỷ lệ 96,62% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự tại thời điểm kiểm tra tư cách cổ đông. Một nhóm cổ đông của CTCP Du lịch Đồ Sơn đã phản ánh tới báo giới, Đại hội có nhiều nội dung thực hiện chưa đúng luật. Thứ nhất là chương trình bổ sung miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Trần Văn Thành, hiện là Tổng giám đốc Công ty.

Đại diện ủy quyền của nhóm cổ đông là luật sư Trần Đình Triển cho rằng, trong văn bản chỉ đạo của ông Hoàng Nguyên Học, Phó tổng giám đốc SCIC về chương trình Đại hội không có chỉ đạo về nhân sự, nhưng tại Đại hội, HĐQT Công ty đưa vấn đề nhân sự ra bầu bổ sung là trái với văn bản của Tổng công ty.

Nội dung gây tranh cãi thứ hai là người ủy quyền của SCIC tham dự Đại hội. Tại Đại hội, nhóm cổ đông đã đề nghị cổ đông Nhà nước cho các cổ đông xem giấy ủy quyền của SCIC.

Ông Hoàng Gia Nhuệ, Trưởng ban kiểm tra tư cách cổ đông thông báo giấy ủy quyền của SCIC cho 2 người tham gia Đại hội là bà Vũ Thái Huyền, Chủ tịch HĐQT Công ty và ông Nguyễn Minh Đức. Đại diện của nhóm cổ đông này cho rằng, người đại diện theo pháp luật của SCIC không phải là ông Hoàng Nguyên Học, vì vậy, việc ông Học ký giấy ủy quyền cho bà Huyền và ông Đức là sai với quy định của pháp luật. Như vậy, Đại hội không đủ điều kiện tiến hành và nếu HĐQT vẫn điều hành Đại hội thì trái với quy định của pháp luật.

Về thời gian tổ chức, cổ đông Ngô Quang Lâm cho rằng, Đại hội tổ chức ngày 3/7/2015 là sai so với quy định của Luật Doanh nghiệp.

Sau khi nhận được phản ánh của nhóm cổ đông, ĐTCK đã liên hệ làm việc với đại diện của SCIC và bà Vũ Thái Huyền, Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch Đồ Sơn. Tại buổi trao đổi ngày 24/7, SCIC cho biết, ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC, người đại diện theo pháp luật của Tổng công ty, đã có giấy ủy quyền cho ông Hoàng Nguyên Học, Phó tổng giám đốc giải quyết một số công việc theo nhiệm vụ đã được phân công trong thời gian đi công tác vắng. Bởi vậy, giấy ủy quyền của SCIC cho 2 người tham gia Đại hội là bà Vũ Thái Huyền và ông Nguyễn Minh Đức là hợp lệ.

Liên quan đến việc bổ sung nội dung miễn nhiệm ông Trần Văn Thành vào chương trình Đại hội, bà Vũ Thái Huyền, Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch Đồ Sơn giải thích, ngày 25/6, 7 ngày trước khi Đại hội diễn ra, nhóm cổ đông lớn sở hữu trên 10% cổ phần do ông Nguyễn Văn Thành làm đại diện đã có văn bản đề nghị bổ sung nội dung miễn nhiệm ông Trần Văn Thành vào chương trình Đại hội, xuất phát từ việc ông Trần Văn Thành có những vi phạm điều lệ, quy chế của Công ty theo kết luận của Ban Kiểm soát.

Sau khi nhận được đề nghị của nhóm cổ đông lớn, HĐQT Công ty đã gửi thông báo đến các cổ đông về nội dung dự kiến bổ sung. Tại ĐHCĐ, Chủ tọa đã báo cáo và lấy ý kiến biểu quyết của các cổ đông tham dự về đề nghị bổ sung nội dung này vào chương trình Đại hội của nhóm cổ đông trên và được 73,42% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự Đại hội đồng ý thông qua (theo biên bản ĐHCĐ 2015, số cổ đông tham dự tương ứng 96,62% số cổ phần có quyền biểu quyết). Như vậy, chương trình bổ sung miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Trần Văn Thành là đúng theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty.

Về việc thời gian tổ chức ĐHCĐ thường niên kéo dài tới tận 3/7, bà Vũ Thái Huyền giải thích, HĐQT Công ty ban đầu dự kiến tổ chức Đại hội vào tháng 4/2015. Tuy nhiên, đây là mùa cao điểm kinh doanh, trùng với thời điểm khai trương khu du lịch Đồ Sơn, nên Công ty sau đó đã báo cáo Sở Kế hoạch Đầu tư Hải Phòng xin lui lại.

Đến tháng 5, do trùng với thời gian tiến hành Đại hội Đảng bộ cơ sở nên Công ty tiếp tục báo cáo Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố lùi thời gian tổ chức. Ngày 16/6, HĐQT Công ty đã họp và thông qua việc tổ chức ĐHCĐ, để đảm bảo thời gian gửi tài liệu trước 15 ngày theo quy định của Điều lệ, Công ty đã phải lùi thời hạn tổ chức sang 3/7.

Cử người đại diện, đúng hay sai?

Mâu thuẫn giữa các cổ đông của CTCP Du lịch Đồ Sơn trở nên gay gắt kể từ sau ĐHCĐ thường niên 2014 của Công ty (diễn ra ngày 19/5/2014). Đại hội đã bầu các thành viên HĐQT, cử người đại diện phần vốn Nhà nước nhiệm kỳ 2014-2019… Ba ứng viên được SCIC đề cử tham gia vào HĐQT CTCP Du lịch Đồ Sơn gồm bà Vũ Thái Huyền, ông Trần Văn Thành và ông Hà Kim Long.

Theo phản ánh của nhóm cổ đông trên, cách thức bầu ông Long có vấn đề. Thời gian đề cử ông Hà Kim Long tại Đại hội khiến nhiều cổ đông bất ngờ khi Đại hội đã diễn ra được 2 tiếng. Hơn nữa, ông Long lại không đủ điều kiện tham gia HĐQT Công ty theo điều lệ Công ty và các quy định liên quan. Cụ thể, Điều lệ của Công ty có ghi: “Cổ đông sở hữu trên 5% cổ phần phổ thông mới có quyền tham gia thành viên HĐQT”.

Tính đến thời điểm 19/5/2014, theo phản ánh của nhóm cổ đông lớn nêu trên, ông Long không đứng trong một nhóm cổ đông nào, cũng không phải cổ đông của Công ty.

Ông Long không phải là cán bộ của SCIC cũng không phải cán bộ, công nhân viên của CTCP Du lịch Đồ Sơn. Vì thế, việc SCIC đề cử ông Hà Kim Long vào làm thành viên HĐQT Công ty Đồ Sơn nhiệm kỳ II (2014-2019) là vi phạm điều lệ Công ty và sai quy định của pháp luật.

Nhóm cổ đông cũng dẫn chứng các quy định hiện hành về việc người được cử đại diện phần vốn Nhà nước phải là cán bộ, công chức thuộc cơ quan hành chính Nhà nước (bộ, UBND cấp tỉnh) được cử hoặc chỉ định làm người đại diện kiêm nhiệm tại DN.

Trường hợp SCIC muốn cử người ngoài đơn vị làm đại diện thì Đảng ủy khối DN trung ương (Văn bản số 1992/CV/BTC-ĐUK ngày 29/11/2013) đã hướng dẫn: “Việc cử người hoặc ủy quyền người đại diện vốn tại các DN có vốn Nhà nước do SCIC quản lý cần được lấy ý kiến cấp ủy DN trước. Ngoài ra, người được ủy quyền vẫn phải tuân thủ quy định “người đại diện là cán bộ, công chức thuộc cơ quan hành chính Nhà nước”.

Nhóm cổ đông phản ánh, SCIC đã không lấy ý kiến cấp ủy của CTCP Du lịch Đồ Sơn về trường hợp ông Long. Trong khi đó, Đảng ủy CTCP Du lịch Đồ Sơn đã lựa chọn người đủ tiêu chuẩn và giới thiệu ông Hoàng Gia Nhuệ (Bí thư Đảng ủy, thành viên chuyên trách HĐQT), ông Trần Văn Thành (thành viên HĐQT, Tổng giám đốc) làm người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty Đồ Sơn. Tuy nhiên, SCIC không lựa chọn ông Nhuệ.

Về vấn đề trên, SCIC cho biết, tại ĐHCĐ 2014, SCIC đã đề cử 3 người tham gia HĐQT Công ty gồm bà Vũ Thái Huyền, ông Trần Văn Thành và ông Hà Kim Long. Cả 3 người do SCIC đề cử đều đủ tiêu chuẩn đề cử thành viên HĐQT theo quy định tại Điều 24.4, Điều lệ Công ty và Điều 110, Luật Doanh nghiệp (“có đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc đối tượng bị cấm quản lý, là cổ đông sở hữu 5% hoặc là người khác có kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh, hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty).

Trong đó, ông Long là người đã có kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh và theo danh sách cổ đông sở hữu và ủy quyền do Công ty chốt trước khi tổ chức ĐHCĐ ông Long đã nắm giữ 7,73 % quyền biểu quyết. Bởi vậy, ông Long đủ tiêu chuẩn trở thành thành viên HĐQT.

Hơn thế, theo Biên bản ĐHCĐ 2014, toàn bộ danh sách đề cử và ứng cử vào HĐQT gồm cả ông Hà Kim Long đã được 100% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự Đại hội nhất trí thông qua, không có ý kiến gì khác. Danh sách trúng cử thành viên HĐQT gồm 5 người cũng đã được 100% cổ phần có quyền biểu quyết nhất trí thông qua.

Về thời gian đề cử tại Đại hội của SCIC là tuân thủ đúng theo quy định tại Nghị định 102/2010/NĐ-CP của Chính phủ (các cổ đông được phép đề cử người tham gia HĐQT trước và trong thời gian diễn ra ĐHCĐ).

Còn việc tại sao SCIC lại cử ông Long là người đại diện, SCIC cho biết, SCIC đã có văn bản lấy ý kiến Đảng ủy CTCP Du lịch Đồ Sơn về việc cử 2 người là ông Trần Văn Thành, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Công ty và ông Nguyễn Văn Yên, thành viên HĐQT, Trưởng phòng Kế toán – Tài chính Công ty làm người đại diện.

Tuy nhiên, Đảng ủy CTCP Du lịch Đồ Sơn chỉ nhất trí việc cử ông Trần Văn Thành làm người đại diện và giới thiệu thêm ông Hoàng Gia Nhuệ, thành viên HĐQT, không nhất trí cử ông Nguyễn Văn Yên làm người đại diện.

Do ông Nhuệ không đảm bảo điều kiện về sức khỏe, ông Yên không được Đảng ủy nhất trí, căn cứ nhu cầu cử người đại diện tại Công ty, để giữ tỷ lệ đối nhân tại HĐQT Công ty như khuyến nghị của UBND TP. Hải Phòng, SCIC đã có quyết định cử 3 thành viên HĐQT còn lại là bà Vũ Thái Huyền, ông Trần Văn Thành và ông Hà Kim Long và Trưởng ban Kiểm soát Nguyễn Thị Thắm để ủy quyền làm người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty. Do ông Long không sinh hoạt tại Đảng bộ của Công ty nên SCIC không lấy ý kiến Đảng ủy CTCP Du lịch Đồ Sơn về trường hợp ông Long.

Sau khi một số cổ đông CTCP Du lịch Đồ Sơn gửi đơn không đồng tình với việc SCIC đề cử ông Hà Kim Long làm người đại diện phần vốn Nhà nước, ngày 10/6/2015, ông Hà Kim Long đã có đơn gửi SCIC xin thôi cương vị trên và đề cử người khác.

Ngày 24/6/2015, SCIC đã có quyết định thôi làm người đại diện phần vốn Nhà nước tại CTCP Du lịch Đồ Sơn đối với ông Trần Văn Thành, ông Hà Kim Long và bà Nguyễn Thị Thắm; cử bà Vũ Thái Huyền, Phó trưởng Ban Quản lý vốn đầu tư 1 (SCIC) và ông Nguyễn Minh Đức, Chuyên viên Ban Quản lý rủi ro (SCIC) làm người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty.

Cổ đông Nhà nước sẽ thoái toàn bộ vốn

Được biết, từ nhiều năm nay, chính quyền, Đảng bộ TP. Hải Phòng cũng như quận Đồ Sơn đã phối hợp chặt chẽ với SCIC và Đảng ủy CTCP Du lịch Đồ Sơn để giải quyết các mâu thuẫn tồn tại từ nhiều năm trước tại Công ty.

Để củng cố quản trị công ty, SCIC cũng đã chủ trì việc sửa đổi, hoàn thiện Điều lệ Công ty 3 lần và  2 lần hoàn thiện các, quy chế nội bộ Công ty.

Hiện CTCP Du lịch Đồ Sơn đang quản lý khu nhà nghỉ Bảo Đại, 2 khách sạn và 3 nhà hàng tại bãi 2 Đồ Sơn. Năm 2014, sau khi SCIC tham gia đối nhân tại HĐQT, Công ty đạt doanh thu 32,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5,1 tỷ đồng, cổ tức 21%. Lợi nhuận sau thuế năm 2014 đã tăng 25% so với năm trước.

Theo quy định, Nhà nước sẽ không nắm giữ vốn tại DN này, bởi vậy, ngày 22/7/2015, Tổng giám đốc SCIC đã có quyết định bán toàn bộ cổ phần của Tổng công ty tại DN.

Việc định giá DN và tổ chức thực hiện bán đấu giá do CTCK FPTS thực hiện. Giá khởi điểm, theo quyết định của SCIC là 70.400 đồng/CP (mệnh giá 10.000 đồng/CP). Với lợi thế có nhiều địa điểm kinh doanh khá đắc địa, giới quan sát nhận định, phiên đấu giá cổ phần của CTCP Du lịch Đồ Sơn sẽ thu hút không ít nhà đầu tư.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến