Dòng sự kiện:
Bất ổn tài chính có làm chệch hướng các kế hoạch lãi suất của ECB?
16/03/2023 16:51:07
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ họp bàn về lãi suất trong ngày 16/3 trong bối cảnh bất ổn trên thị trường tài chính có thể khiến ECB phải thay đổi kế hoạch tăng lãi suất dù lạm phát vẫn cao.


Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất từ tháng Bảy năm ngoái với tốc độ kỷ lục, ECB được dự đoán sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong ngày 16/3. Nhưng sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) tại Mỹ đã làm dấy lên lo ngại về tình hình căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng và khiến cổ phiếu nhóm này lao dốc, trong đó, “ông lớn” Credit Suisse đang là tâm điểm của sự bất ổn tại châu Âu.

Giờ đây, ECB phải hài hòa nhiệm vụ chống lạm phát với sự cần thiết phải duy trì sự ổn định tài chính trong bối cảnh bất ổn như hiện nay. Các thị trường hiện đã cắt giảm những dự đoán về mức tăng lãi suất của ECB trong ngày 16/3 và những lần tăng sau này. Giới đầu tư hiện dự đoán xác suất ECB tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm chỉ còn 30%.

Cựu Phó Chủ tịch ECB Vitor Constancio cho rằng các ngân hàng trung ương không nên bỏ qua những tín hiệu từ thị trường, nhất là khi rất có thể sẽ xảy ra suy thoái kinh tế. Ông cho rằng ECB chỉ nên tăng lãi suất nhiều nhất là 0,25 điểm phần trăm. Mức lãi suất mục tiêu cuối cùng của ECB hiện được dự đoán giảm từ 4,1% trong tuần trước xuống khoảng 3,25%.

Kể cả khi ECB vẫn nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm như dự đoán trước đó, ngân hàng này chắc chắn sẽ không phát đi tín hiệu gì về động thái tiếp theo như thường lệ mà sẽ để ngỏ khi nói đến cuộc họp tháng Năm. Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ nỗ lực trấn an giới đầu tư về thể trạng của các ngân hàng trong khối, khẳng định các ngân hàng đang có tình hình vốn vững, sinh lời tốt và có khả năng thanh khoản cao hơn so với các thời kỳ bất ổn trước đây.

Tuy nhiên, bà Lagarde có thể sẽ phát đi tín hiệu rằng ECB sẵn sàng vào cuộc nếu hiệu ứng dây chuyền bắt đầu ảnh hưởng đến các ngân hàng trong khu vực và vì thế khiến cho chính sách tiền tệ của ECB không được triển khai một cách hiệu quả.

Ngân hàng BNP Paribas cho rằng ECB sẽ giữ nguyên tắc: hướng lập trường chính sách tiền tệ đến việc đạt được mục tiêu lạm phát, và sử dụng các công cụ khác để giải quyết sự ổn định tài chính. Theo ngân hàng này, lãi suất có thể là công cụ sai lầm để giải quyết vấn đề về thanh khoản./.

Tác giả: Khánh Ly/ Theo Reuters

Theo: Bnews
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Dịch vụ tài chính Khoa Lê chuyên mở sổ tiết kiệm lùi ngày uy tín nhất hiện nay
Đang phổ biến