Ngày 4/10, nguồn tin PV cho biết thông qua kiểm toán ngân sách địa phương năm 2019 của tỉnh Bình Phước, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chuyển hồ sơ đến Công an tỉnh Bình Phước để điều tra dấu hiệu mua bán hóa đơn GTGT của Công ty TNHH MTV cao su Bảo Long (Công ty Bảo Long) và Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thành Phước (Công ty Thành Phước), cùng có trụ sở tại H.Chơn Thành, Bình Phước.
Trụ sở Công ty Bảo Long tại huyện Chơn Thành (Bình Phước) (Ảnh: Hoàng Giáp)
Theo KTNN, Công ty Bảo Long thành lập ngày 10/3/2014, thay đổi lần thứ nhất ngày 23/6/2016 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, có ngành nghề kinh doanh là mua bán cao su, mủ cao su. Dù vốn điều lệ và vay nợ thấp, doanh thu năm 2017 chỉ 182 tỷ đồng, nhưng năm 2018 đã tăng lên 1.668 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng; năm 2019 doanh thu 2.447 tỷ đồng và báo lỗ 156 triệu đồng. Khi mua bán hàng hóa, Công ty Bảo Long thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng, nhưng đa số rút ngay bằng tiền mặt trong ngày.
Tương tự, Công ty Thành Phước có vốn điều lệ khoảng 10 tỷ đồng, nhưng doanh thu tăng mạnh trong hai năm 2018 - 2019 với những khoản lỗ - lãi rất bất thường. Tính riêng quý 4/2018, doanh thu của công ty là 359 tỷ đồng, nhưng khoản lỗ cả năm hơn 2,7 tỷ đồng. Năm 2019, Công ty Thành Phước có tổng doanh thu là 2.015 tỷ đồng và báo lãi… 219 triệu đồng.
Hợp đồng mua bán cao su “ma”?
Trong hai năm 2018 - 2019, Công ty Bảo Long đã mua bán khoảng 70.000 tấn mủ cao su, nhưng không có kho hàng, phương tiện vận chuyển; hàng hóa chủ yếu được ký gửi và thuê kho, nhưng chi phí ký gửi, thuê kho hằng tháng chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Năm 2019, Công ty Bảo Long thuê 2 xe để vận chuyển, nhưng lượng xăng dầu phát sinh lớn hơn nhiều mức tiêu thụ hợp lý cho 2 xe; tồn kho cuối năm thấp không phù hợp với quy mô kinh doanh; không phát sinh chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh mua bán cao su, như chi phí thuê container, phí bao bì, đóng gói; chi phí thuê cần cẩu, xe nâng hàng để bốc xếp hàng hóa khi nhận hàng hoặc xuất bán...
“Đây là những dấu hiệu cho thấy ngoài một số hợp đồng mua bán cao su có thật, phần lớn hoạt động mua bán cao su có khả năng là không có thật, tức có dấu hiệu của hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp”, báo cáo của KTNN nêu rõ.
Cũng theo KTNN, năm 2019, Công ty Bảo Long ký hợp đồng mua mủ cao su của Công ty Thành Minh Khang với tổng giá trị khoảng 800 tỷ đồng, tương ứng khoảng 25.000 tấn mủ cao su và ký hợp đồng bán lại cho Công ty TNHH Vạn Lợi với địa chỉ giao hàng tại cảng Cát Lái (TP.HCM). Tuy nhiên, hợp đồng giữa Công ty Bảo Long và Công ty Thành Minh Khang quy định địa chỉ giao hàng tại kho của Công ty Bảo Long tại Phú Giáo (Bình Dương), trong khi theo sổ sách thì Công ty Bảo Long không có kho hàng tại Phú Giáo (Bình Dương). Hơn nữa, theo hợp đồng mua bán giữa 2 bên, chi phí bốc xếp hàng mỗi bên chịu một đầu, nhưng theo sổ sách thì Công ty Bảo Long lại không phát sinh chi phí bốc xếp đối với lượng hàng hóa này, là dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng việc mua bán cao su theo các hợp đồng trên là không có thật và Công ty Bảo Long sử dụng các hóa đơn mua hàng của Công ty Thành Minh Khang để khấu trừ thuế.
Chưa hết, năm 2019, Công ty Bảo Long kê khai xuất bán khoảng 70.000 tấn mủ cao su với doanh số 2.153 tỷ đồng cho Công ty TNHH Vạn Lợi, nhưng không xuất hóa đơn cho từng chuyến xe mà xuất hóa đơn chung theo giá trị của từng hợp đồng mua bán với giá trị rất lớn; các xe khi xuất hàng cũng không có phiếu cân, hoặc phiếu xuất kho để xác định trọng lượng hàng hóa của từng chuyến và trách nhiệm của lái xe về khối lượng hàng hóa vận chuyển… “Đây là bằng chứng cho thấy việc mua bán cao su có nhiều khả năng là không có thật, là dấu hiệu vi phạm quy định tại điều 203 bộ luật Hình sự năm 2015 về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”, KTNN nêu rõ.
Ngoài ra, tra cứu hệ thống quản lý thuế của ngành thuế cho thấy Công ty Bảo Long đã kê khai hóa đơn đầu vào của 4 công ty đã tạm dừng kinh doanh; 3 công ty không kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký và 1 công ty đã bị thu hồi giấy phép hoạt động… “Có khả năng Công ty Bảo Long đã sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai, khấu trừ thuế GTGT và hợp thức hóa chi phí đầu vào, làm giảm thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước, là dấu hiệu vi phạm quy định tại điều 200 bộ luật Hình sự năm 2015: “Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn”, theo KTNN.
Bất thường giá thuê vận chuyển
KTNN cũng nêu ra nhiều bằng chứng về dấu hiệu mua bán hóa đơn trái phép của Công ty Thành Phước cho Công an tỉnh Bình Phước. Trong đó, doanh thu công ty này trong hai năm 2018 - 2019 là hàng ngàn tỉ đồng, nhưng Công ty Thành Phước không sở hữu phương tiện vận chuyển; chỉ có kho hàng khoảng 1.000 m2, chủ yếu để chứa hàng bị trả lại do không đạt chất lượng.
Công ty Thành Phước khi xuất bán mủ cao su không xuất hóa đơn cho từng chuyến xe, mà xuất hóa đơn chung theo giá trị của từng hợp đồng mua bán; các xe khi xuất hàng cũng không có phiếu cân, phiếu xuất kho, không có biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng; trọng lượng hàng hóa trên các hóa đơn luôn là số chẵn theo đơn vị chục, trăm tấn là không phù hợp với thông lệ vận chuyển, kinh doanh mặt hàng mủ cao su.
Ngoài ra, Công ty Thành Phước ký hợp đồng với 2 đơn vị vận chuyển, nhưng đơn giá vận chuyển cố định là 300.000 đồng/tấn và không gắn với cự ly vận chuyển là không phù hợp với hoạt động vận chuyển hàng hóa. Theo KTNN, đây là các bằng chứng cho thấy việc mua bán cao su có nhiều khả năng là không có thật, là dấu hiệu vi phạm quy định quy định tại điều 203 bộ luật Hình sự năm 2015 về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
Chiều 4/10, từ thông tin của KTNN, PV Thanh Niên đã trực tiếp tìm về địa chỉ mà Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Thành Phước đăng ký trụ sở tại xã Minh Hưng (H.Chơn Thành) để tìm hiểu. Tuy nhiên, nhiều người dân tại đây cho biết chưa từng biết công ty này tại địa phương. Ông Đặng Văn Kim, Chủ tịch UBND xã Minh Hưng, cũng khẳng định trên địa bàn không có công ty này. Hoàng Giáp |
Tác giả: Thái Sơn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy