Dòng sự kiện:
Bầu Hiển vẫn chưa tháo chạy được khỏi bệnh viện Giao thông Vận tải
02/06/2019 09:09:46
Bệnh viện GTVT, nơi Tập đoàn T&T đang nắm 51,43% chìm ngập trong thua lỗ với con số hơn 33 tỷ đồng. Dù Bầu Hiển tỏ ý muốn được thoái vốn toàn bộ tại bệnh viện này đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa tìm được đối tác.

Cụ thể, Tập đoàn T&T kiến nghị Nhà nước thu mua lại toàn bộ hơn 5 triệu cổ phần bán cho cổ động chiến lược với giá 11.000 đồng/cp. Tổng giá trị là 55,44 tỷ đồng theo Hợp đồng mua bán cổ phần ký kết ngày 6/10/2015.

Đồng thời, Nhà nước mua lại toàn bộ 3,6 triệu cổ phần chào bán lần đầu của bệnh viện Giao thông Vận tải (GTVT) trên Sở chứng khoán mà Tập đoàn T&T đã mua trúng đấu giá với giá mua là 26.000 đồng/cp, tổng số tiền mua trúng đấu giá đã thanh toán là 93,6 tỷ đồng.

Tổng số cổ phần kiến nghị Nhà nước mua lại là 8,640 triệu cổ phần, với tổng số tiền nhà đầu tư đã thanh toán là 149,040 tỷ đồng.

T&T cũng kiến nghị Nhà nước thanh toán số tiền lãi phát sinh từ khoản tiền nêu trên tính từ ngày Tập đoàn này đã thanh toán cho bên bán cho tới ngày Tập đoàn T&T được thanh toán hoàn trả lại như đề xuất.

Đại diện T&T khẳng định, Tập đoàn T&T không tham gia vào HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành của CTCP bệnh viện GTVT ngay khi được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kiến nghị rút toàn bộ vốn đã đầu tư và nhận được số tiền thanh toán hoàn trả.

Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của nhóm cổ đông chiến lược là Tập đoàn T&T sau khi bệnh viện GTVT tăng vốn điều lệ sẽ giảm xuống 28,88%. Với tỷ lệ sở hữu này, nhà đầu tư chiến lược không có quyền phủ quyết và tiếng nói không có nhiều trọng lượng trong điều hành.

Được biết, Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương là bệnh viện công lập đầu tiên được thí điểm cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tuy nhiên, sau cổ phần hóa kết quả kinh doanh của bệnh viện có vẻ kém khả quan khiên liên tiếp báo lỗ. Theo BCTC kiểm toán năm 2018, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 183 tỷ đồng, không biến động nhiều so với năm 2017.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp trong kỳ phát sinh cao hơn so với mức doanh thu thuần mà bệnh viện GTVT 188 tỷ đồng. Điều này đã khiến cho bệnh viện GTVT lỗ 4,3 tỷ đồng về bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Tính đến cuối năm 2018, bệnh viện GTVT tiếp tục ghi nhận khoản lỗ trên 33 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế của bệnh viện lên tới 91 tỷ đồng, trong khi đó vốn góp chủ sở hữu của bệnh viện là 168 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của bệnh viện GTVT là 346 tỷ đồng, giảm 12% so với cuối năm 2017; nợ phải trả giảm mạnh từ 271 tỷ xuống chỉ còn 33 tỷ đồng do cùng kỳ năm 2017, GTVT phát sinh khoản trả Nhà nước  lên tới 224 tỷ đồng.

Mặt khác, mới đây, Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT và nhà đầu tư chiến lược khẩn trương thực hiện ngay điều chỉnh tăng vốn điều lệ tương ứng với phần tăng vốn nhà nước được xác định sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện theo đúng trình tự, thủ tục quy định hiện hành và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Yêu cầu của Bộ GTVT là nhằm triển khai Công văn số 157/TB-VPCP ngày 3/5/2018 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc thực hiện phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương. Tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT thực hiện giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước tại Công ty sau khi điều chỉnh tăng vốn điều lệ tương ứng với phần tăng vốn nhà nước được xác định sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện.

Theo tính toán của Bộ GTVT, sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà và hạch toán các chi phí cổ phần hóa, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT sẽ tăng vọt từ 168 tỷ đồng lên 391,4 tỷ đồng, trong đó, phần vốn của Nhà nước là khoảng 278,4 tỷ đồng, chiếm 71,12% vốn điều lệ.

Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương đã nêu rõ: “Vốn điều lệ sẽ được điều chỉnh tăng phần vốn nhà nước tương ứng giá trị quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, đồng thời, sẽ tiếp tục bán phần vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT là 30%”. Tuy nhiên, do không thực hiện thoái vốn đúng lộ trình cam kết, nên tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhóm cổ đông còn lại (bao gồm cả cổ đông chiến lược là T&T) sau khi tiến hành tăng vốn điều lệ sẽ giảm xuống chỉ còn chưa đầy 30%.

Ông Trần Đỗ Thành, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT, đại diện cho T&T đánh giá, sự thay đổi này là khác biệt với chủ trương công bố ban đầu và sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác quản trị, điều hành, cũng như chiến lược phát triển Bệnh viện GTVT. Đây là lý do chính khiến T&T phải “dứt tình”, không còn tha thiết với Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT, dù đã đặt rất nhiều kỳ vọng.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, tại cuộc họp xử lý các vướng mắc tại Bệnh viện GTVT vào tháng 3/2019, lãnh đạo Bộ GTVT đã yêu cầu nhóm cổ đông Công ty cổ phần T&T đang nắm giữ cổ phần chi phối tại Bệnh viện và nắm giữ 3/5 vị trí thành viên Hội đồng Quản trị (bao gồm cả Chủ tịch HĐQT) thực hiện ngay các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Bệnh viện, đảm bảo việc quản trị, điều hành hoạt động của Bệnh viện liên tục, thông suốt, tuân thủ các quy định của pháp luật về y tế, doanh nghiệp, chứng khoán.

Tuy nhiên, do không đạt được kỳ vọng như ban đầu, T&T tiếp tục bảo lưu quan điểm rút vốn đầu tư và xin thôi không nhận thù lao đối với Chủ tịch HĐQT và 2 thành viên HĐQT kể từ ngày 1/4. Điều này tiếp tục đẩy Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT lún sâu vào cuộc khủng hoảng về nhân sự, tổ chức.

Được biết, nhóm người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT đang thúc Bộ GTVT sớm xem xét, xử lý đề nghị của T&T và các cổ đông khác liên quan đến việc rút vốn. Việc hoàn trả tiền mua cổ phần sẽ được thực hiện sau khi hoàn thành việc tăng vốn điều lệ, ghi nhận đầy đủ số cổ phần tăng thêm của cổ đông Nhà nước đúng với giá trị đầu tư của Nhà nước hiện nay tại Bệnh viện.

Cuộc “ly hôn” này không chỉ khiến người ra đi, mà ngay Bệnh viện GTVT cũng gặp rất nhiều khó khăn khi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cụ thể, trong trường hợp Nhà nước chấp thuận mua lại lô cổ phần T&T, phần vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT sẽ lên tới gần 95%. Số cổ phần còn lại chủ yếu được nắm giữ bởi cán bộ, công nhân viên và công đoàn Bệnh viện GTVT.

Mặc dù cổ đông Nhà nước nắm quyền chi phối tuyệt đối, nhưng do vẫn còn hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Bệnh viện GTVT vẫn sẽ không thể tiếp cận được gói hỗ trợ 25 tỷ đồng/năm từng nhận được từ ngân sách nhà nước trong vai trò là cơ sở y tế công lập.

Khánh Linh (T/h)

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến