Tin liên quan
Hà Nội chi gần 1.000 tỷ đồng cấp bù thủy lợi phí thực chất là để nuôi bộ máy quản lý vận hành các công trình thủy lợi vừa cồng kềnh vừa kém hiệu quả
Giá nước “cấp - phát”
Trong khi chưa xây dựng đươc giá nước thị trường, để kiểm soát việc tiêu xài ngân sách, Chính phủ bắt buộc giá, đơn giá đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch của các địa phương phải được xác định trên cơ sở mức miễn thuỷ lợi phí do Chính phủ quy định cho từng khu vực.
Đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, trong đó có Hà Nội, Chính phủ quy định biểu mức miễn thủy lợi phí đối với đất trồng lúa cụ thể là 1,646 triệu/ha (đối với tưới tiêu bằng động lực), 1,152 triệu đồng/ha (đối với tưới tiêu trọng lực) và 1,399 triệu đồng/ha (đối với tưới tiêu kết hợp cả 2).
Nếu theo quy định nói trên, hàng năm căn cứ vào dự toán thu chi ngân sách cho hoạt động miễn thủy lợi phí, UBND TP.Hà Nội phải phê duyệt đơn giá làm cơ sở đặt hàng với các công ty thủy nông trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tất nhiên, đơn giá này chỉ được phép dao động trong biên độ mức miễn thủy lợi phí mà Chính phủ đã quy định cho khu vực Đồng bằng sông Hồng như nói ở trên.
Thế nhưng theo tìm hiểu của PV, hiện 5 công ty quản lý khai thác công trình thuỷ lợi gồm: Cty Thủy nông sông Nhuệ, Cty Thủy nông sông Đáy, Cty Thủy nông Hà Nội, Cty Thủy lợi Mê Linh, Cty Thủy nông sông Tích đang được UBND TP. Hà Nội ưu ái phê duyệt cho một đơn giá đặt hàng tưới tiêu cho hàng trăm ngàn hécta đất nông nghiệp phải nói là cao ngất ngưởng so với quy định.
Theo tài liệu thu thập của phóng viên cho thấy, năm 2015 với diện tích tưới tiêu được xác định là 738 ngàn ha (làm tròn số/pv) số tiền ngân sách chi cho dịch vụ này là 884 tỷ đồng. Về bản chất, số tiền này thực ra là khoản ngân sách nhà nước bỏ ra để hỗ trợ miễn thủy lợi phí cho người dân.
Và số tiền này thay vì đầu tư hạ tầng thủy lợi cho người dân như nhiều địa phương đã làm, UBND TP.Hà Nội dùng để cấp bù gián tiếp qua 5 doanh nghiệp này bằng hình thức đặt hàng tưới tiêu. Đáng chú ý, đơn giá được Hà Nội xây dựng và phê duyệt là rất cao, có những diện tích tưới tiêu được xây dựng lên tới 2,1 triệu đồng/ha, cao hơn so với mức mà Chính phủ quy định tới tận 500 ngàn/ha.
Không biết Hà Nội dựa vào định mức hay tiêu chí nào nhưng trong tổng số tiền miễn thủy lợi phí, kinh phí chi cho doanh nghiệp thực hiện công tác tưới chiếm tới khoảng 70%. Trong khi đơn giá cho một ha tưới được Hà Nội xây dựng với con số đáng ngạc nhiên: thấp nhất cũng đã 2,5 triệu đồng/ha và cao nhất lên tới 3,3 triệu đồng/ha.
Do tiêu chí xây dựng ra đơn giá khá mù mờ nên số tiền miễn thủy lợi phí gần 1000 tỷ đồng cũng được phân bổ không đồng đều. Ví dụ Cty Thủy nông Hà Nội dù diện tích tưới mà doanh nghiệp này đảm đương chỉ 38 ngàn ha nhưng đơn giá lại được phê duyệt lên tới 3,3 triệu đồng/ha, trong khi Cty Thủy nông sông Nhuệ đảm đương diện tích tưới gấp gần 3 lần là 109 ngàn ha nhưng đơn giá được duyệt tụt xuống còn 2,5 triệu đồng/ha.
“Tiêu tiền chùa”?
Được biết, 5 doanh nghiệp thủy nông nói trên là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn và được UBND TP. Hà Nội đầu tư và giao cho quản lý 568 trạm bơm; 1.959 tuyến kênh với chiều dài 3.442 km, 5 đập dâng cùng 29 hồ chứa nước phục vụ tưới cho 322 ngàn ha canh tác, tiêu cho khoảng 477 ngàn ha lưu vực.
Dù được phép kinh doanh nhiều ngành nghề như cấp nước sạch cho nông thôn, cấp và tiêu thoát nước cho đô thị, công nghiệp, dịch vụ… nhưng nhiều năm qua, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh chính của doanh nghiệp này hầu như chỉ chăm chăm vào thực hiện các đơn đặt hàng tưới tiêu hàng năm của UBND TP.Hà Nội.
Mỗi năm số tiền ngân sách thành phố trích ra trên dưới 1.000 tỷ đồng để chi cho cấp bù thủy lợi phí. Nhưng “bầu sữa” này hầu như chỉ được rót cho 5 doanh nghiệp “con cưng” qua hình thức đặt hàng, các thành phần kinh tế khác không có “cửa” tham gia.
Tìm hiểu của PLVN cho thấy, để thực hiện việc cấp phát cho các địa chỉ đã chỉ định, UBND TP.Hà Nội lập ra Ban Quản lý dịch vụ thủy lợi. Hoạt động của ban này tương tự như các Ban quản lý dự án trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản với quyền hành như: trực tiếp ký hợp đồng đặt hàng, thực thi quyền kiểm tra, giám sát nghiệm thu thanh lý hợp đồng đối với 5 công ty thủy nông do chính thành phố quản lý.
Trao đổi với PLVN, ông Đoàn Ngọc Vinh, Trưởng ban Quản lý dịch vụ thủy lợi Hà Nội cho biết: Ban được giao nhiệm vụ là trực tiếp kiểm tra, giám sát việc thực hiện và tuân thủ hợp đồng đặt hàng và nghiệm thu thanh toán cho các công ty. Và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động được giao.
Thế nhưng, khi được hỏi liệu Ban có đủ sức để giám sát toàn bộ việc tưới tiêu cho hàng trăm ngàn hécta mà các đơn vị nhận đặt hàng đã thực hiện? Có thể kiểm tra số lượng công việc mà các công ty thủy nông họ kê ra để nhận thanh quyết toán hàng năm?
Ông Vinh thừa nhận: “Trên thực tế do số lượng cán bộ quá mỏng, công việc thì nặng nề, địa bàn thì rộng nên việc giám sát các công ty thủy nông thực hiện là điều không dễ, thậm chí nhiều lúc chỉ có thể kiểm tra, giám sát trên hồ sơ vì không đủ người để làm. Trừ đi một số cán bộ bảo vệ thì nhân sự của Ban đang hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn hiện nay chỉ có vỏn vẹn 14 người. Với chức năng, nhiệm vụ quan trọng, nặng nề mà thành phố giao cho chúng tôi đang đề xuất để xin thêm người”- ông Vinh nói.
Bình luận về cách mà Hà Nội đang xây đơn giá và cấp phát gần ngàn tỷ đồng cấp bù thủy lợi phí hàng năm cho các doanh nghiệp cấp dưới, một chuyên gia trong ngành thủy lợi đề nghị giấu tên cho rằng: “Hà Nội đang chơi theo cách riêng của họ, có thể như thế sẽ dễ bề tiêu tiền nhà nước hơn”.
Thực tế ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác đã cho thấy, chỉ khi mạnh dạn “mở cửa” cho cạnh tranh, phá thế độc quyền của doanh nghiệp nhà nước thì khi đó mới có sự cải thiện vượt trội về chất lượng và giá cả dịch vụ.
Cơ chế “đóng” mà Hà Nội đang thực hiện là lý do giải thích vì sao cho đến giờ dù đã phân cấp quản lý các hệ thống thủy lợi khá rõ ràng nhưng vẫn chưa có thành phần kinh tế nào khác được phép tham gia vào việc cung ứng dịch vụ tưới tiêu ngoài 5 đơn vị được Hà Nội chỉ định là cấp dưới trực thuộc mình.
Theo Phapluatvn.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy