Những người vay vốn mua nhà với lãi suất thấp trong 2 năm qua đang bất an khi lãi suất tăng cao. Ảnh: Đức Thanh
Toát mồ hôi vì lãi vay mua nhà đột ngột tăng cao
Ông H.N (Hà Nội) cho hay, đầu năm 2021, thấy lãi suất cho vay mua nhà hấp dẫn, lại được chủ đầu tư hỗ trợ trả lãi 12 tháng, gia đình ông quyết định ký hợp đồng vay vốn mua nhà. Thời điểm đó, phía ngân hàng cho hay, lãi suất năm đầu tiên là 5,9%/năm, sau đó sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường.
“Khi ký hợp đồng, nhân viên tín dụng tư tư vấn rằng, sau 12 tháng, lãi suất cho vay thả nổi bằng lãi suất cho vay ưu đãi cộng thêm 3-4%/năm, tức tổng lãi suất cho vay chỉ 9-10%/năm. Thế nhưng, thực tế, sau 12 tháng, chúng tôi đang phải trả lãi 11%/năm. Với mặt bằng lãi suất liên tục tăng cao như hiện nay, tôi rất lo lãi suất cho vay mua nhà chưa dừng lại. Vợ chồng tôi bàn tính, nếu đến cuối năm, lãi suất tăng tiếp sẽ phải bán nhà để trả nợ, song với thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay, bán nhà cũng không dễ”, ông H.N cho biết.
Trong khi các khách hàng vay vốn 2 năm trước đang chóng mặt với biểu lãi suất cho vay mới, thì nhiều khách hàng muốn vay mua nhà thời điểm hiện tại cũng sốc vì lãi vay thay đổi chóng mặt. So với tháng trước, lãi suất cho vay mua nhà của nhiều ngân hàng đã tăng 0,2-0,6%/năm, còn so với đầu năm, lãi vay mua nhà tăng 1 - 2%/năm.
Tín dụng cá nhân - đặc biệt cho vay cá nhân mua nhà - là động lực tăng trưởng tín dụng của rất nhiều ngân hàng trong 2 năm Covid-19 qua. Nói cách khác, trong giai đoạn hàng loạt doanh nghiệp đóng băng hoạt động, mảng cho vay mua nhà đã “cứu” lợi nhuận nhiều nhà băng. Lãi suất cho vay mua nhà rẻ chưa từng có trong năm 2020-2021 khiến nhiều người dân ký hợp đồng vay vốn mua nhà. Khi đó, thậm chí, một số ngân hàng còn cho vay mua nhà với lãi suất dưới 4%/năm (lãi vay ưu đãi 3-6 tháng đầu tiên).
Tuy nhiên, khi mồi nhử “lãi suất ưu đãi” đã được sử dụng hết, nhiều khách hàng mới choáng váng vì lãi suất thực trả cao hơn nhiều. Tất nhiên, lãi suất vay mua nhà tăng cao như hiện tại không chỉ do “mồi nhử” lãi suất, mà còn do mặt bằng lãi suất huy động cao lên.
Lãnh đạo một ngân hàng TMCP lý giải, đầu năm 2022, có rất nhiều yếu tố tác động lên mặt bằng lãi suất trong nước, như xu hướng tăng lãi suất để thắt chặt tiền tệ diễn ra trên toàn cầu, lạm phát phi mã, chính sách cấp room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khiến ngân hàng phải tăng giá để bù lượng… Hiện nay, không chỉ trên thị trường dân cư, mà trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng đã bắt đầu tăng, nên việc ngân hàng tăng lãi suất cho vay mua nhà là đương nhiên.
Cảnh báo nợ xấu tăng
Hai năm qua, với lãi suất rẻ và sự phát triển mạnh mẽ của các chủ đầu tư bất động sản, người mua nhà đã được hưởng chính sách ân hạn 2 năm mà không phải trả lãi và gốc. Tuy vậy, từ năm 2023, những người mua này sẽ bắt đầu phải trả lãi và gốc.
Theo các chuyên gia phân tích của SSI Research, nếu lạm phát tăng nhanh đi cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống, thì thu nhập khả dụng sẽ giảm. Điều này có thể khiến người mua nhà khó khăn hơn khi thu xếp các khoản thanh toán hàng tháng. Do đó, tỷ lệ nợ quá hạn từ các khoản vay mua nhà là một điểm cần được theo dõi chặt chẽ trong năm 2023.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, tình hình sẽ căng thẳng hơn nếu thị trường bất động sản ảm đạm, giá nhà đất giảm. Khi đó, ngân hàng đánh giá lại giá trị tài sản thế chấp và người vay phải bổ sung tài sản thế chấp.
Ngoài lãi suất cho vay tăng, trái phiếu doanh nghiệp cũng là một ẩn số với nợ xấu. Nếu thế kẹt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp không được tháo gỡ, thì nguy cơ vỡ nợ trái phiếu bất động sản có thể xảy ra khi hàng trăm ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm nay và năm sau. Doanh nghiệp thiếu vốn đồng nghĩa với hàng loạt dự án có nguy cơ “vỡ tiến độ”. Khi đó, người mua nhà - ngân hàng - doanh nghiệp có thể lại rơi vào vòng xoáy kiện tụng và nợ xấu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, hợp đồng vay mua nhà thường kéo dài hàng chục năm, nên rủi ro lãi suất là rất lớn. Bên cạnh đó, các ngân hàng thường đưa ra lãi suất vô cùng ưu đãi trong thời gian đầu (3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm), sau đó là thả nổi. Do đó, người mua nhà cần tỉnh táo và tính toán kỹ nếu không sẽ “sập bẫy” lãi suất thấp, dễ rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 31/5/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái, tăng mạnh so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Đáng lưu ý, trong số 2,33 triệu tỷ đồng dư nợ, tín dụng lĩnh vực bất động sản tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng (1,55 triệu tỷ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỷ trọng 66,3%). |
Tác giả: Hà Tâm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy