Dòng sự kiện:
Bẫy lừa đảo "giúp lấy lại tiền bị lừa đảo"
17/08/2023 09:06:06
Theo chuyên gia, khi người dân bị vướng vào những vụ việc lừa đảo cần phải lựa chọn những địa chỉ uy tín, những địa chỉ có thực để nhờ sự tư vấn về mặt pháp luật. Từ đó, mới có cơ hội đòi lại số tiền đã mất.

3 tháng đầu năm 2023, Dự án Chống lừa đảo trên không gian mạng đã phát hiện 3.271 trang web lừa đảo người dùng Việt Nam. Như vậy, cứ trung bình 1 ngày, xuất hiện 10 trang lừa đảo mới.

Trong năm 2022, trang Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, thuộc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đã ghi nhận gần 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến. Trên thực tế, con số nạn nhân có thể lớn hơn vì nhiều nạn nhân có tâm lý ngại trình báo.

Đó là một thực trạng rất nhức nhối. Thực tế, có không ít nạn nhân, sau khi bị lừa, lại tìm đến các trang web giúp “lấy lại tiền lừa đảo”.

"Bẫy" dịch vụ lấy lại tiền khi bị lừa đảo
Cụ thể, chỉ cần gõ cụm từ “lấy lại tiền lừa đảo” trên thanh tìm kiếm của facebook, xuất hiện vài nhóm công khai với tên gọi “Lấy lại tiền lừa đảo” với vài chục nghìn thành viên. Trang này công khai quảng cáo, giúp lấy lại tiền lừa đảo qua số tải khoản, qua các sàn như shoppe, lazada, senko, tiki, vay tiền, các vấn đề khác zalo,...

 

Những nhóm "Lấy lại tiền lừa đảo" tràn lan trên mạng xã hội.

Theo các chuyên gia, để thực hiện hành vi lừa đảo của mình, các đối tượng sẽ mạo danh là công an, luật sư, kiểm sát viên,... Sau đó, chúng sẽ sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý để thuyết phục và xây dựng lòng tin của nạn nhân.

Khi nạn nhân tin tưởng vào khả năng lấy lại được tiền, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu thanh toán dưới dạng phí xử lý, phí pháp lý, hoặc bất kỳ lý do hợp lý nào khác.

Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Trưởng khoa Luật, Học viện an ninh nhân dân phân tích, khi các đối tượng đưa ra lời hứa hẹn, câu dụ họ vào các hội nhóm để giúp họ đòi nợ thuê; hoặc tư vấn miễn phí cho họ trong vấn đề đòi lại số tiền bị lừa đảo trước đó và giúp họ tìm ra danh tính của các đối tượng. Như vậy, họ lại tiếp tục thực hiện theo các bước, các chiêu trò, các câu chuyện mà đối tượng này đề ra.

Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Thùy cũng khuyến cáo, những người đã là nạn nhân của các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần hết sức tỉnh táo.

Việc làm duy nhất để có thể giúp mình tìm ra được các đối tượng kia và đòi lại tài sản đã bị chiếm đoạt chỉ có thể dựa vào các cơ quan chức năng. Và đây là những con người, những địa chỉ cụ thể chứ không phải là những con người tự giới thiệu, hay những địa chỉ ảo trên mạng trên internet.

“Khi người dân bi vướng vào những vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần phải lựa chọn những địa chỉ uy tín, những địa chỉ có thực để nhờ sự tư vấn về mặt pháp luật, nhờ sự hướng dẫn các thủ tục tố tụng để giúp mình có những cơ hội đòi lại số tiền đã mất”- Thượng tá Nguyễn Thị Thanh Thùy nói.

Để phòng tránh các đối tượng lừa đảo, người dân cần tự nâng cao ý thức cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay tài khoản ngân hàng qua điện thoại, email hay tin nhắn, kể cả với người tự xưng là luật sư hay công an.

Khi phát hiện ra trường hợp lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Không thực hiện bất kỳ giao dịch nào mà không có đầy đủ thông tin

Về vấn đề này, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu khẳng định, không có chuyện có dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa. Hãy ngay lập tức báo sự việc cho cơ quan chức năng, như cảnh sát hoặc ngân hàng, để họ tiến hành điều tra và cung cấp sự hỗ trợ khi bạn bị lừa đảo mạng.

Hãy luôn cảnh giác vì tội phạm gần đây giả danh sự uy tín của công ty, doanh nghiệp, luật sư, kiểm sát viên hoặc chuyên gia an ninh mạng - Sau đó, chúng sẽ sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý để thuyết phục và xây dựng lòng tin của nạn nhân. Để dẫn dụ nạn nhân của các vụ lừa đảo mạng, về việc lấy lại tiền khi đã bị lừa với một khoảng phần trăm so với số tiền đã bị lừa đảo, ví dụ bị lừa 100 triệu thì cần phải gửi 20% của số tiền, tức là 20tr - nhiều người đã nhẹ dạ cả tin và bị lừa tiếp lần hai. Sau khi chuyển tiền xong là khoá chặn liên lạc với nạn nhân.

 

Ảnh minh họa.

Chuyên gia Hiếu lưu ý, người dân phải luôn luôn giữ cảnh giác và không đồng ý thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào mà không có đầy đủ thông tin và xác minh. Bảo vệ thông tin tài chính cá nhân của bạn và tìm hiểu thêm về các hình thức lừa đảo phổ biến để tránh trở thành nạn nhân. Ngoài ra, tham khảo trang web dauhieuluadao.com để có thể cập nhật kiến thức về 3 bước phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng. Luôn luôn chậm lại và kiểm chứng mọi thứ trên không gian mạng là một điều hết sức cần thiết.

Cơ quan chức năng cũng đang có 1 số kênh để cảnh báo như canhbao.ncsc.gov.vn và tinnhiemmang.vn để người dân có thể cập nhật kiến thức, và kiểm tra những đường link giả mạo, độc hại, lừa đảo.

Tác giả: Nguyễn Hiền

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến