Dòng sự kiện:
Bê tông rơi trúng đầu khiến nam sinh viên Hutech tử vong: Trách nhiệm thuộc về ai?
19/10/2017 21:55:16
Vụ việc 1 nam sinh Trường đại học Công nghệ TP HCM (Hutech) tử vong do bị mảng bê tông rơi trúng đầu khiến dư luận xôn xao, đặt câu hỏi về trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan.

Liên quan đến vụ việc nam sinh Nguyễn Thanh Long (SN 1988, TP HCM), sinh viên trường ĐH Công nghệ TP HCM (Hutech) đang đứng chờ thang máy tại trường thì bị mảng bê tông từ trên cao rơi trúng đầu khiến nam sinh tử vong tại chỗ, đã có nhiều câu hỏi đặt ra, sự việc xảy ra thì đơn vị hay cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm?

Vụ việc là sự cố xảy ra ngoài ý muốn tại trường Hutech đã khiến nhiều sinh viên chứng khiến cảm thấy hoang mang, ám ảnh.

Hiện trường vụ việc. Nguồn: Facebook Cộng đồng sinh viên Hutech.

Theo Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco, về sự việc này, để đảm bảo sự công bằng cho nạn nhân xấu số, cơ quan chức trách cần thiết phải thực hiện việc điều tra để truy tìm lý do chính xác, từ đó sẽ xác định trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân nào đã để xảy ra sự việc thương tâm như vậy.

“Hoạt động xây dựng có sự tham gia của rất nhiều chủ thể, bao gồm chủ đầu tư, chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình... và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Sự cố công trình xây dựng có thể có nguyên nhân từ sai sót của bất kì chủ thể nào kể trên. Với các thông tin hiện tại thì chưa có đủ cơ sở để kết luận trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào. Theo tôi phỏng đoán thì nhà trường là đơn vị quản lý và sử dụng công trình và cần được xem xét trách nhiệm với vai trò như vậy”, Luật sư Phong cho biết.

Vị luật sư này cũng phân tích thêm, theo quy định của pháp luật hiện hành thì người quản lý, sử dụng công trình có các trách nhiệm như: Kiểm tra công trình thường xuyên, định kỳ và đột xuất; Theo dõi, xác nhận việc hoàn thành công tác bảo dưỡng công trình theo quy định tại quy trình bảo trì công trình xây dựng. Khi phát hiện công trình, hạng mục công trình, bộ phận công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng thì phải kiểm tra lại hiện trạng công trình; Tổ chức kiểm định chất lượng công trình (nếu cần thiết); Quyết định thực hiện các biện pháp khẩn cấp như hạn chế sử dụng công trình, ngừng sử dụng công trình, di chuyển người và tài sản để bảo đảm an toàn nếu công trình có nguy cơ sập đổ.

Công việc điều tra cần làm rõ và xác định là mảnh bê tông rơi xuống có nguồn gốc từ đâu, tại sao có thể dễ dàng bị rơi xuống phía dưới như vậy. Trước khi xảy ra tai nạn đáng tiếc như vậy, có ai đã phát hiện ra hay không. Giả định rằng, nếu trước khi xảy ra tai nạn, nếu đã có người phát hiện ra và báo lên người có thẩm quyền nhưng người có thẩm quyền vẫn lơ là dẫn tới sự cố thì có khả năng người có thẩm quyền đó phải chịu trách nhiệm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hoặc giả định là do chất lượng công trình xây dựng quá thấp và việc chất lượng thấp đó dẫn tới là mảnh bê rông bị rơi xuống phía dưới thì đơn vị xây dựng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân và chịu các chế tài khác theo quy định của pháp luật.

Xét về mặt chế tài, thì có 3 loại chế tài được đặt ra ở đây, thứ nhất là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thứ hai là trách nhiệm hành chính do vi phạm quy định của nhà nước về chất lượng công trình xây dựng và thứ ba là trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, để xác định một cách chính xác loại trách nhiệm nào được áp dụng và áp dụng ở mức độ như thế nào, ai bị áp dụng thì cần phải có kết quả điều tra một cách chính xác, Luật sư Phong nhấn mạnh.

Như Quỳnh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến