Tại Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) sáng 11/1, đang vào mùa Tết nhưng vắng khách. Ở hầm gửi xe, nhân viên túc trực trước hai cửa ra vào nhưng bên trong chỉ lác đác hơn chục xe máy, hầu hết của người làm việc tại đây. Phía trên, sảnh chờ cũng chỉ có bảo vệ, lao công, người hỗ trợ thông tin... Khu vực bán vé với 4 quầy treo màn hình sáng đèn nhưng không có khách mua. Ôtô khách xếp hàng ngoài sân đỗ vắng người, xe buýt ra vào thưa thớt khách.
Các quầy bán vé tại Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) vắng khách, chỉ có bảo vệ qua lại, sáng 11/1. Ảnh: Gia Minh.
Tài xế Văn Thịnh, chạy tuyến Bến xe Miền Đông - Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) cho biết hai tháng qua, xe qua bến mới chỉ làm thủ tục, còn khách đều mua vé tại bến cũ ở quận Bình Thạnh, cách đó khoảng 15 km. Nguyên nhân là người dân chưa quen địa điểm mới.
Lượng khách đến đây làm thủ tục hơn hai tháng qua trung bình chỉ vài chục người mỗi ngày, với khoảng 11 đến 18 ôtô xuất bến. Ông Trần Thanh Việt, Phó phòng Kế hoạch vận tải Bến xe Miền Đông cho biết tháng 12/2020, tại bến mới có 325 chuyến chở hơn 2.400 khách đi từ Quảng Trị trở ra Bắc. Tất cả khách đều lên xe từ bến cũ rồi mới qua bến mới hoàn tất thủ tục xuất phát. 10 ngày đầu năm nay, hơn 700 khách trên 131 chuyến xe cũng đi tương tự.
Bến xe này hiện có 22 tuyến xe hoạt động với cự ly từ 1.100 km, từ Quảng Trị trở ra Bắc. Kế hoạch khi đưa bến xe vào khai thác từ ngày 10/10/2020, ba tháng đầu các tuyến xe này được đón khách ở bến cũ, sau đó phải qua địa điểm mới hoạt động. Tuy nhiên hiện qua thời gian nhưng các xe vẫn đón khách tại bến cũ.
Nhiều khách cho rằng, bến xe mới nằm xa trung tâm, khó đi nên họ vẫn đến địa điểm cũ. "Từ Tân Bình qua bến xe cũ chỉ khoảng 7 km nhưng nếu tới bến mới phải đi thêm hơn 12 km, đường sá cũng chưa thuận lợi", chị Phương nói và cho biết sắp tới về Thanh Hóa đón Tết, nếu xe đón khách ở Bến xe Miền Đông mới, chị sẽ chọn xe ở Bến xe An Sương gần đó hoặc ôtô hợp đồng để về quê.
Một số doanh nghiệp vận tải như Mai Linh, Hợp tác xã Vận tải dịch vụ - Du lịch Sài Gòn... đã kiến nghị tạm thời vẫn được đón trả khách tại bến xe cũ. Phía Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco - chủ đầu tư) cũng đồng thuận và đề nghị gia hạn thời gian cho các xe chuyển qua đón trả khách cố định ở bến xe mới đến sau Tết Nguyên đán.
Các dãy ghế ở khu vực bán vé của bến xe mới vắng vẻ. Ảnh: Gia Minh.
Đại diện Sở Giao thông Vận cho biết đang đánh giá kỹ để tổ chức phù hợp, song dự kiến đồng ý theo hướng các đơn vị liên quan kiến nghị. Điều này nhằm thuận lợi và hình thành thói quen đi lại của người dân cũng như doanh nghiệp. Dự kiến, thời gian được gia hạn đến tháng 3 năm nay. Sở Giao thông Vận tải khuyến khích nhà xe nên sử dụng bến mới để làm điểm đón trả khách.
Hiện, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng điều phối ba tuyến buýt kết nối bến xe gồm: số 55 (Công viên phần mềm Quang Trung - Khu công nghệ cao quận 9); số 76 (Long Phước - Suối Tiên - Đền Vua Hùng) và số 93 (Bến Thành - Đại học Nông Lâm). Tuyến xe buýt đi ngang bến xe gồm 150, 60-1, 60-2, 60-3, 60-4.
Để thuận tiện hơn cho xe ra vào, đoạn đường thuộc dự án cầu vượt, hầm chui trước bến xe được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đẩy nhanh, dự kiến xong trước Tết Tân Sửu. Nhiều hạng mục khác cũng được tập trung làm, khi hoàn thành giúp giảm giao cắt giữa các hướng đi trước bến xe.
Trước tình trạng "xe dù, bến cóc" ảnh hưởng hoạt động của xe trong bến, hiện TP HCM cấm ôtô từ 16 chỗ trở lên dừng đỗ trên nhiều đường trung tâm như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm... Từ hôm 9/1, xe khách trên 25 chỗ cũng bị cấm chạy vào làn hỗn hợp trên quốc lộ 1, đoạn từ Xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) đến vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) các khung giờ cao điểm. Việc này nhằm giảm kẹt xe và hạn chế xe bắt khách dọc đường.
Để đảm bảo phục vụ khách đợt cao điểm Tết, Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị các bến lên phương án tăng cường xe khách, buýt giải tỏa ùn ứ. Xung quanh các bến xe, cảnh sát giao thông sẽ túc trực điều tiết, phân làn... để tránh ùn tắc.
Ôtô khách, buýt đậu ngoài sân đỗ Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: Gia Minh.
Bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng, đưa vào khai thác sau gần 4 năm thi công. Công trình xây dựng trên diện tích 16 ha thuộc TP Thủ Đức và một phần TP Dĩ An, Bình Dương. Ngoài chức năng chính vận tải, bến xe kết hợp nhiều dịch vụ khác như kinh doanh bãi đậu, sửa xe; trạm tiếp nhiên liệu; giao dịch hàng hóa, thương mại...
Đây là bến xe lớn nhất nước, phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm. Mỗi ngày bến có thể đáp ứng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến. Ngày cao điểm lễ, Tết, bến xe phục vụ 52.000 khách với hơn 1.800 lượt xe.
Sau khi dời các tuyến qua bến xe mới giai đoạn một, bến cũ còn hơn 130 tuyến hoạt động chặng ngắn như về khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên... Giai đoạn hai, sau khi địa điểm mới ổn định và xây dựng đồng bộ hạ tầng, các tuyến khác sẽ tiếp tục chuyển đến hoạt động. Bến xe cũ hiện vẫn quy hoạch chính là đầu mối trung chuyển khách nội đô kết hợp với thương mại, dịch vụ, bãi đậu xe...
Tác giả: Gia Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy