Dòng sự kiện:
Bệnh nhân tử vong sau khi nâng ngực tại BVTM Emcas: Do sốc ma tuý?
21/10/2019 07:11:06
Nữ bệnh nhân tử vong sau khi nâng ngực tại bệnh viện thẩm mỹ Emcas ngày 17/10 có thể là do sốc ma tuý, sử dụng trước khi phẫu thuật?
Đó là thông tin được người đại diện tiếp báo chí của bệnh viện thẩm mỹ Emcas đưa ra cho PV ngày 19/10.
Như đã thông tin ở bài trước, ngày 17/10, chị V.N.A.T (SN 1986) đã đến bệnh viện thẩm mỹ Emcas (14/27 Hoàng Duy Khương , phường 12, quận 10) để thực hiện phẫu thuật nâng ngực.
Theo thông tin được phía Emcas đưa ra, bệnh nhân được phẫu thuật nâng ngực lúc 14h30 và ca phẫu thuật hoàn tất lúc 15h20. Sau đó, bệnh nhân được đưa ra khỏi phòng mổ và tỉnh táo về phòng hồi sức lúc 15h30.
Sau 3 giờ, chị A.T được chuyển trại về phòng nghỉ dưỡng dành cho bệnh nhân với tình trạnh bình thường: tiếp xúc tốt, đã được dặn nhịn ăn, bệnh nhân đi lại bình thường, tự đi vệ sinh và không có chích thuốc gì thêm.
Tuy nhiên, sau 5 giờ, chị A.T có biểu hiện bất thường: sùi bọt mép, lơ mơ. Sau khi được tiến hành các biện pháp cấp cứu, hồi sức tích cực tại bệnh viện, chị A.T được chuyển viện sang bệnh viện Nhân dân 115, nhưng đến 22h45 cùng ngày đã tử vong.
Theo bệnh viện thẩm mỹ Emcas, bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân là Bác sĩ Đinh Viết Hưng (có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ). Giữa BVTM Emcas và Bác sĩ Đinh Viết Hưng có ký kết Hợp đồng hợp tác chuyên môn từ năm 2016.
Ngày 19/10, một số phóng viên của các báo đã đến trụ sở bệnh viện Emcas để tìm hiểu thêm thông tin vụ việc.
Tại đây, các phóng viên được ông Hùng, người tự nhận được bệnh viện Emcas giao quyền để thông tin về vụ việc tới cho báo chí (ông Hùng cũng là người tiếp báo chí trong ngày 18/10) mời vào phòng làm việc.
Trong buổi làm việc, khi PV đưa ra giả thuyết, bệnh nhân A.T có phải chết do sốc phản vệ hay không, thì ông Hùng lập tức phủ nhận.
Theo ông Hùng, đây “không phải sốc phản vệ, chỉ có sốc thuốc chứ không có sốc phản vệ”.

Bệnh viện thẩm mỹ Emcas, nơi xảy ra vụ việc

Khi PV thắc mắc, cụ thể việc sốc thuốc ở đây là gì, thì ông Hùng cho biết, ở đây bệnh nhân có thể chết do sốc ma tuý.
“Có cái nghi ngờ như thế, đang chờ kết quả của bên pháp y. Khả năng là có sử dụng ma túy. Cái này chưa công bố gì hết, anh chỉ nói thế thôi”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đáng chú ý, ngay sau khi đề cập tới việc bệnh nhân có thể tử vong do sốc ma tuý, ông Hùng bỏ đi ra ngoài khoảng gần 10 phút. Sau khi quay lại, ông Hùng đã phủ nhận hoàn toàn những điều mình vừa nói trước đó, và cho rằng chuyện sốc ma tuý chỉ là suy đoán cá nhân của ông, chưa có căn cứ(?).
Rõ ràng, dù đã phủ nhận những điều mình vừa nói, nhưng thông tin mà ông Hùng đưa ra thực sự gây sốc với nhiều người.
Bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, phẫu thuật nâng ngực được xem là một cuộc đại phẫu. Do đó, việc kiểm tra, thăm khám, xét nghiệm để xác định rõ tình trạng sức khỏe ngay thời điểm hiện tại của bệnh nhân là điều vô cùng quan trọng. Bởi phẫu thuật nâng ngực chống chỉ định đối với các trường hợp phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong chu kỳ kinh nguyệt, người mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch, tiểu đường, máu khó đông, kích ứng thuốc mê hoặc người đang điều trị tâm lý,... vì có thể xảy ra các biến chứng, rủi ro ảnh hưởng đến tính mạng trong quá trình phẫu thuật. Nên việc xét nghiệm máu trước khi mổ là yêu cầu bắt buộc, để bác sĩ nắm rõ tổng thể sức khoẻ của bệnh nhân và chuẩn bị tốt nhất cho cuộc phẫu thuật nâng ngực.
Quan trọng nhất, việc xét nghiệm máu hoàn toàn có thể xác định được việc bệnh nhân có sử dụng ma tuý hay các chất kích thích, chất gây nghiện trước đó hay không.
Vậy, trong trường hợp này, nếu thông tin ông Hùng đưa ra là sự thật, thì có hay không sự tắc trách, vô trách nhiệm của bệnh viện thẩm mỹ Emcas trước khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng? Trước khi phẫu thuật, bệnh viện thẩm mỹ Emcas đã tiến hành việc kiểm tra thăm khám, xét nghiệm để xác định rõ tình trạng sức khỏe của nhân bệnh trước khi nâng ngực hay chưa?
Trong trường hợp có làm các thủ tục thăm khám, xét nghiệm đầy đủ, bệnh viện này có xác định được việc bệnh nhân có sử dụng chất ma tuý hay không? Nếu có, thì việc vẫn tiến hành phẫu thuật, liệu có đúng với các quy định của Bộ Y tế?
Từ đây, câu hỏi được đặt ra, là bệnh nhân tử vong sau khi phẫu thuật, chỉ là sự cố y khoa, hay là hệ quả của sự tắc trách, vô trách nhiệm của bệnh viện này?
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên, có bệnh nhân tử vong khi làm đẹp tại bệnh viện thẩm mỹ Emcas. Ngày 17/9/2017, chị T.T.Đ (35 tuổi) đến phẫu thuật gọt cằm tại bệnh viện này. Sau phẫu thuật, chị Đ bị chảy máu ồ ạt ở vùng cổ họng và rơi vào tình trạng suy hô hấp. Chị Đ sau đó được chuyển tới bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu. Tuy nhiên, sau nhiều tháng điều trị, chị Đ đã không qua khỏi và tử vong.
Được biết, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã thành lập Hội đồng chuyên môn để tìm nguyên nhân của sự cố y khoa xảy ra tại BVTM Emcas và Sở Y tế sẽ tiếp tục thông tin vụ việc sau khi có kết luận của Hội đồng.
Trong thời gian chờ Hội đồng chuyên môn tổ chức họp và có kết luận cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn người bệnh, Sở Y tế TP yêu cầu bệnh viện Emcas tạm ngưng thực hiện các kỹ thuật có liên quan đến việc sử dụng phương pháp vô cảm liên quan đến gây mê từ ngày 18/10.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Bảo Bảo

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến