Câu chuyện “thành công - thất bại” sau 2 năm thí điểm tự chủ bệnh viện đã rõ ràng. Thực tế, chỉ trong vòng một tuần, hai bệnh viện lớn tuyến trung ương là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đã xin dừng tự chủ. Theo đó, phơi bày thực tế tự chủ nhưng lại hạn chế rất nhiều vai trò của bệnh viện. Những lý do được đưa ra là do tình trạng khó khăn chung vì nhân viên y tế chuyển công tác, thiếu thuốc và thiết bị y tế, tự chủ trên danh nghĩa…
Các bệnh viện chỉ ra nguyên nhân thất bại là do cơ chế tự chủ bệnh viện chưa đầy đủ, giá dịch vụ y tế không được tính đúng tính đủ, vấn đề liên doanh liên kết máy móc, trang thiết bị chưa rõ ràng, thậm chí vướng các quy định của pháp luật, dẫn tới thiếu trầm trọng trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe của người dân… “Lằn ranh” giữa đúng và sai trong thực hiện tự chủ bệnh viện trên thực tế còn nhiều chỗ mong manh, tiềm ẩn những rủi ro nhất đối với những người triển khai, thực hiện.
7.000-9.000 lượt khám mỗi ngày nhưng BV Bạch Mai vẫn thu không đủ chi.
Tại cuộc tọa đàm “Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn” do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đặt câu hỏi: “Tại sao chưa thể tự chủ hoàn toàn?” Theo ông Lợi, để tự chủ toàn diện, phải bảo đảm các điều kiện về thể chế, tổ chức thực hiện và vấn đề cơ chế giá.
“Tại sao chúng ta lại chưa thể tự chủ hoàn toàn được? Vấn đề này tôi đã phát biểu trước Quốc hội. Nếu chúng ta không tính toán mà đã xây dựng và giao chuyển tự chủ cho các bệnh viện khi người ta chưa đủ điều kiện thì lợi bất cập hại, gậy ông đập lưng ông”, TS Bùi Sỹ Lợi nói.
Ông Lợi nêu 3 vấn đề cản trở thực hiện tự chủ toàn diện: Thứ nhất là thể chế chưa đáp ứng yêu cầu để người ta tự chủ toàn diện. Thứ hai là tổ chức thực hiện, có vấn đề. Vấn đề cuối cùng có tính chất rất quyết định là cơ chế giá: “Trong Nghị quyết 19 của Trung ương về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, có 4 loại hình tự chủ về tài chính. Loại hình đầu tiên là tự chủ toàn diện, toàn phần được vì tự chủ cả về đầu tư, xây dựng cơ bản. Nhưng rõ ràng bây giờ bệnh viện của chúng ta làm sao đủ năng lực về mặt tài chính để làm vấn đề này khi mà giá của chúng ta chưa tính đúng, tính đủ. Đó chính là "gậy ông đập lưng ông", đánh vào nhân dân”.
TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội ủng hộ việc lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K xin chuyển từ tự chủ nhóm 1 sang nhóm 2: “Tôi rất đồng tình là chúng ta nên tiếp tục đặt hai bệnh viện này tự chủ ở nhóm 2. Tuy nhiên, Nhà nước không thể đầu tư mãi được. Hai bệnh viện này đến lúc đủ điều kiện thì nên tự chủ toàn phần. Tôi cho rằng, hiện nay hai bệnh viện này là hai vệnh viện thuộc tuyến cuối cùng và có trách nhiệm chuyển giao khoa học kỹ thuật, có trách nhiệm nâng cao năng lực đội ngũ y bác sĩ. Và cao hơn hết là cần phải thực hiện tốt mục tiêu bảo đảm được an sinh xã hội”.
Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Anh Trí, ĐBQH, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, khuyến nghị chỉ nên tự chủ ở mức chi thường xuyên, chi một phần, không nên tự chủ toàn diện đối với các bệnh viện công lập. Ông Anh Trí khẳng định, hoàn toàn ủng hộ ý kiến của Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K: Nếu chưa đủ điều kiện tự chủ ở nhóm 1 theo Nghị quyết 33 thì chuyển qua tự chủ ở nhóm 2 của Nghị định 60.
“Tôi xin khẳng định, hiện tại các bệnh viện công đã làm được tự chủ nhưng khác biệt nhất là người ta mới làm tự chủ nhóm 2 hoặc nhóm 3, tức là tự chủ một phần. Tôi đề xuất, tất cả các bệnh viện nếu có làm tự chủ thì chỉ làm nhóm 2 và nhóm 3, không làm nhóm 1. Câu chuyện nhóm 1 đến đây phải chấm dứt vì làm sao các bệnh viện công đừng để bị tư nhân hóa trở thành bệnh viện chỉ làm dịch vụ kiếm tiền. Điều đó quy ra là không làm tự chủ theo Nghị quyết 33 nữa”, GS.TS Nguyễn Anh Trí phân tích cụ thể.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, ĐBQH, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương. (Ảnh: Quốc hội)
Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, nên để cho các bệnh viện tự tính toán và quyết định ở mức nào, mức 2 hay mức 3: “Bản thân tôi khi làm Viện trưởng tôi cũng trình Bộ Y tế xin mức như vậy, chứ không phải Bộ Y tế ấn ở trên về yêu cầu làm mức mấy. Tôi cho như vậy là hợp lý. Đang có xu hướng một số tỉnh báo cáo là dùng Nghị định 60 và ép làm nhóm 1. Tôi hỏi vì sao thì họ nói rất thật là bên bộ phận tài chính tính toán thế nào đấy và người ta yêu cầu phải làm nhóm 1. Sau đó tôi nghiên cứu Nghị định 60, thấy công thức đấy vừa quá đơn giản vừa quá mơ hồ. Mình lắp số vào theo cách của mình và từ đó ép các nơi làm để đỡ phải đầu tư. Điều này cũng rất nguy hiểm”.
GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, Nghị định 60 tuy mới ra đời nhưng có nhiều điểm cần sửa lại, đặc biệt, khi như Luật Khám chữa bệnh được thông qua thì cần phải cập nhật ngay và sửa lại Nghị định 60./.
Tác giả: Thiên Bình
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy