Cách đây vài ngày, các bác sĩ ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP.HCM) đã lặng người khi chứng kiến cha của một đồng nghiệp là F0 có bệnh nền ung thư gan không qua khỏi, còn mẹ vẫn đang nằm điều trị tích cực. Dù người đồng nghiệp ấy cũng trực tiếp tham gia chống dịch tại bệnh viện nhưng vẫn không cứu được cha của mình.
Ở nơi tuyến cuối điều trị cho bệnh nhân Covid-19, có rất nhiều nhân viên y tế đã phải tiếp nhận bệnh nhân là người thân của mình.
Bật khóc khi mẹ là bệnh nhân
Đến nay đã 2 tuần, bác sĩ Đinh Hương Quỳnh vẫn chưa hết lo lắng cho sức khỏe của mẹ mình. Mẹ của chị mắc Covid-19, có bệnh nền tăng huyết áp, sau đó triệu chứng ngày càng nặng, ho nhiều, khó thở, suy yếu nên được đưa vào Bệnh viện Hồi sức Covid-19 để điều trị.
BS.CKI. Đinh Hương Quỳnh (công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định) có mặt tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ngay từ khi mới thành lập, được phân công là Trưởng kíp trực Khoa ICU 1. Công việc của chị là điều phối bệnh nhân cấp cứu, đồng thời bao quát một khoa ICU (Hồi sức tích cực).
Bác sĩ Đinh Hương Quỳnh tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Xuân Sơn.
Nữ bác sĩ chia sẻ, đa số những bệnh nhân vào Khoa ICU 1 đều trong tình trạng nặng, nguy kịch hoặc có bệnh nền phức tạp. Nhiều bệnh nhân trong số đó phải thở máy, một số ca thở HFNC, số ít thở oxy qua mặt nạ.
Vốn là bác sĩ Khoa ICU, đã quen với cường độ làm việc căng thẳng, nhưng khi chuyển sang điều trị cho bệnh nhân Covid-19, chị vẫn cảm thấy dịch bệnh quá tàn khốc.
“Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng tất cả bệnh nhân có thể hồi phục nếu được điều trị kịp thời. Nhưng rồi, ca bệnh đầu tiên tử vong, sau đó, số bệnh nhân không qua khỏi cũng tăng dần lên. Có những ca nặng đến nỗi mà chúng tôi đã làm hết khả năng mà vẫn không cứu được”, bác sĩ Quỳnh tâm sự.
Khi nhận được tin mẹ bị nhiễm Covid-19, nữ bác sĩ bị sốc, lo lắng đến bật khóc, bởi mẹ của chị có bệnh nền tăng huyết áp. Bệnh của mẹ chị trở nặng, phải chuyển qua Bệnh viện Hồi sức Covid-19 để điều trị.
“Tôi từng chứng kiến những bệnh nhân ra đi không có người thân bên cạnh. Khi mẹ tôi mắc bệnh, tôi hiểu được cảm xúc của những người thân khi ấy, là sự bất lực không nói nên lời”, nữ bác sĩ bùi ngùi.
Bác sĩ Quỳnh và mẹ khi chưa xảy ra dịch Covid-19
Sau 2 tuần điều trị, nhờ sự chăm sóc, động viên của các y, bác sĩ, và sự tiếp sức của chị, mẹ chị đang dần bình phục. Hiện tại, bà đã hết triệu chứng, ăn uống khá hơn.
Vợ và con trở thành F0, mẹ vợ nhập viện vì mắc Covid-19 nặng
BS.CKI. Nguyễn Thế Tiến (Khoa Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Nhân dân Gia Định) là Trưởng kíp trực ở Khoa 9A, Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Nơi đây điều trị cho khoảng 70 bệnh nhân được chuyển lên từ Khoa ICU. Mỗi kíp trực có 4-5 bác sĩ, phụ trách thăm khám, bao quát cho khoảng 70 bệnh nhân ở các phòng khác nhau.
Khi nghe vợ thông báo cả gia đình có 3 người mắc Covid-19, trong đó, mẹ vợ bị triệu chứng nặng, bác sĩ Tiến rất căng thẳng. Đặc biệt những ngày đầu, mỗi lần nghe vợ khóc qua điện thoại vì lo lắng, anh càng thêm rối bời. Tham gia đội ngũ chống dịch ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19, anh không thể về nhà để thăm vợ con, dù vẫn ở chung một thành phố.
Gia đình nhỏ của bác sĩ Tiến. Ảnh: NVCC.
Ban đầu, cả gia đình 5 người thì có 3 người là F0, mẹ vợ của anh chuyển nặng nên được đưa vào Bệnh viện Hồi sức Covid-19 để điều trị. Vợ và con trai có triệu chứng nhẹ nên theo dõi ở nhà. Đến nay, vợ con anh làm xét nghiệm SARS-CoV-2 đã âm tính trở lại, tuy nhiên bố vợ lại bị lây nhiễm.
“Hai ông bà đã 63-64 tuổi rồi, ông còn có bệnh nền là đái tháo đường nên cả nhà đều lo lắng. May mắn, ông cũng gặp triệu chứng nhẹ nên gia đình để ở nhà, uống thuốc theo phác đồ của Bộ Y tế. Chỉ có mẹ vợ tôi ở bệnh viện phải thở oxy vài ngày đầu”, bác sĩ Tiến cho biết.
Gia đình anh cũng từng rơi vào khủng hoảng, bởi vợ anh tuy là điều dưỡng, nhưng ở nhà vừa phải chăm sóc con nhỏ, vừa lo sợ sẽ lây bệnh cho cha và em trai nên có phần bấn loạn. Nhờ những lời động viên, khuyên nhủ của anh cùng người thân, mọi chuyện mới dần ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Thế Tiến công tác tại Khoa 9A. Ảnh: Xuân Sơn
Hiện tại, sức khỏe của mẹ vợ anh đã hồi phục tốt, những ngày này bà liên tục hỏi bác sĩ khi nào được về, vì lo lắng cho người thân ở nhà. Theo dự kiến, nếu lần xét nghiệm tới đủ tiêu chuẩn xuất viện, bà sẽ được về nhà cách ly.
Tác giả: Khánh Hòa
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy