Dòng sự kiện:
BHXH Việt Nam nguy cơ mất trắng khoản đầu tư tại Công ty cho thuê tài chính ACLII?
04/11/2018 14:07:40
Gần đây, vấn đề cân đối thu chi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) của bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam lại tiếp tục “nóng” lên khi BHXH Việt Nam phải sử dụng quỹ dự phòng để chi trả BHYT.

Thêm vào đó là việc đơn vị này có nguy cơ mất trắng khoản đầu tư tiền nhàn rỗi gần 770 tỷ đồng (chưa kể lãi suất tiền gửi) tại Công ty cho thuê tài chính ACLII khi Ngân hàng Nhà nước chính thức ra quyết định thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của công ty này.

Do áp lực chi, nên phải sử dụng quỹ dự phòng

Trong nhiều năm qua, mức đóng BHYT vẫn duy trì ở tỷ lệ 4,5% tiền lương và dự kiến sẽ không thay đổi cho đến năm 2020. Trong khi đó, các chi phí không ngừng tăng như: mức hưởng, phạm vi quyền lợi BHYT, thông tuyến khám chữa bệnh (KCB) BHYT và điều chỉnh bổ sung tiền lương vào giá dịch vụ y tế... Điều này gây một áp lực lớn đến vấn đề cân đối thu chi quỹ BHYT.

Trong khi đó, theo ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, nguồn kết dư của Quỹ BHYT đến nay không còn. Do đó, để cân đối thu chi, BHXH phải sử dụng tới 39.000 tỷ đồng từ quỹ dự phòng, vốn được tồn tích từ nhiều năm. Đồng thời, để giảm áp lực cân đối thu chi hiện nay, BHXH đang xem xét đến việc làm sao để sử dụng hợp lý hơn việc chi tiêu từ Quỹ BHYT.

Tính riêng trong năm 2017, nhiều địa phương bội chi lên tới 18.000 tỷ đồng và dự kiến năm nay, con số này sẽ còn tăng hơn rất nhiều. Thực tế, một tháng số tiền thu về 1 triệu đồng (khoảng 40 USD/người), nhưng số tiền chi ra là hơn 1 triệu đồng/người/tháng.

Về giải pháp đấu thầu tập trung để giảm giá thuốc, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc đang trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu của các nhà thầu tham gia đấu thầu 7 gói thầu mua thuốc tập trung. Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia do BHXH Việt Nam thực hiện trong năm nay mở rộng hơn so với năm 2017. Mục tiêu đặt ra là kéo giá thuốc trúng thầu giảm hơn so với năm 2017.

Đồng tiền nhàn rỗi từ quỹ BHYT được sử dụng thế nào?

Theo quy định của Luật BHXH, BHXH Việt Nam có thể sử dụng toàn bộ số tiền tạm thời nhàn rỗi từ quỹ BHYT để đầu tư. Hình thức đầu tư và cơ cấu đầu tư cụ thể hàng năm do Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam quyết định trên cơ sở đề nghị của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, bảo đảm theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật BHYT.

Tỷ trọng số dư vốn đầu tư mua trái phiếu chính phủ đạt bình quân 82%; gửi tiền, mua trái phiếu tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt bình quân là 18%. Việc gửi tiền phải được thực hiện tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Về kết quả thực hiện, theo số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam trong kỳ họp lần này của Quốc hội, số tiền lãi đầu tư từ quỹ BHYT giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 8.388 tỷ đồng (trong đó, năm 2016 là 3.033 tỷ đồng, năm 2017 là 2.555 tỷ đồng, năm 2018 là 2.800 tỷ đồng).

Tỷ lệ tiền lãi thu được giai đoạn 2016 - 2018 bình quân 6,9% tính trên số dư nợ đầu tư, trong đó, lãi đầu tư bình quân năm 2016 là 7,23%, năm 2017 là 7,25% (chỉ số trượt giá năm 2016 là 2,66%; năm 2017 là 3,53%). Như vậy, lợi suất đầu tư từ quỹ BHYT cao hơn so với chỉ số trượt giá, đảm bảo nguyên tắc bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Toàn bộ số tiền lãi thu được hàng năm được hạch toán vào quỹ dự phòng BHYT để điều tiết chung.

Tuy nhiên, báo cáo này lại không đề cập tới khoản nợ khó đòi từ hoạt động đầu tư tại Công ty cho thuê tài chính ACLII (do Agribank đầu tư 100% vốn), nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vừa ra quyết định về việc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của ACLII và có hiệu lực từ giữa tháng 10/2018. Trước đó, vào đầu tháng 8/2018, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã ra quyết định phá sản đối với công ty này. Một trong những vấn đề đáng lưu tâm và được dư luận quan tâm nhất hiện nay là liệu BHXH Việt Nam có thu hồi được khoản tiền gửi khoảng 769 tỷ đồng từ Công ty này không, hay là mất trắng?

Theo Công ty cho thuê tài chính ALCII, số tiền mà công ty này nợ BHXH Việt Nam là 769 tỷ đồng. Tuy nhiên, BHXH Việt Nam lại cho rằng, đây chỉ là số tiền gửi, chưa bao gồm lãi phát sinh. Nếu tính cả gốc và lãi, khoản nợ này lên tới 850 tỷ đồng.

Trả lời báo chí tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ tháng 10/2018, ông Đào Việt Ánh khẳng định: “chắc chắn số tiền thu về lớn hơn số tiền gửi. Khoản tiền gửi này đã được Agribank bảo lãnh”.

Mặc dù vậy, trong bất cứ trường hợp nào xảy ra, Lãnh đạo của BHXH Việt Nam cam kết, quyền lợi khám chữa bệnh của người tham gia BHYT vẫn không có gì thay đổi.

Theo báo Đấu thầu

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến