Dòng sự kiện:
Bí ẩn các cổ đông chiến lược của AMV
06/04/2019 09:41:43
2/5 cổ đông chiến lược của Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (mã AMV) là bố đẻ và bố vợ ông Lê Văn Hướng - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã JVC).

Bí ẩn các cổ đông chiến lược của AMV

Trong nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường 2017 (tháng 2/2017) của AMV, ngay khi thông qua cho bà Đặng Nhị Nương làm Chủ tịch HĐQT, một trong kế hoạch khác nhận được sự ủng hộ 100% là phát hành cổ phần cho các cổ đông chiến lược với mức giá 10.000 đồng/cổ phần. Toàn bộ số tiền thu được, dự kiến mua cổ phần Công ty CP Đầu tư bệnh viện Việt Mỹ (tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng).

Thời điểm đó, mức giá phát hành này được coi là khá cao so với thị giá AMV trên sàn, dao động quanh ngưỡng 7.000 - 9.000 đồng/cổ phiếu. 

Điều thú vị là ngay trong Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường này, AMV đã tìm ra 5 cái tên làm cổ đông chiến lược, đó là các cá nhân Lê Anh Hồi, Nguyễn Hữu Điển, Bùi Văn Hải, Trần Văn Tuấn và Nguyễn Thị Nhung.

Thú vị hơn, với việc mỗi cổ đông mua 5 triệu cổ phần (cộng với số cổ phiếu họ sở hữu trước đó), 5 cá nhân này đã sở hữu 92,98% vốn AMV (vào thời điểm tháng 6/2017). Thông thường với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, các lãnh đạo Chủ tịch HĐQT (và người nhà) thường duy trì tỷ lệ sở hữu lớn nhằm đảm báo quyền biểu quyết tại doanh nghiệp, có thể thấy điển hình nhất là Hòa Phát, Masan, GTN….

Với AMV, việc phát hành lượng lớn cổ phiếu và qua đó mỗi cổ đông chiếm đến hơn 18% vốn doanh nghiệp là tỷ lệ quá rủi ro. Bởi lẽ, chỉ cần 2 cá nhân liên kết với nhau cũng đủ sức phủ quyết mọi vấn đề của doanh nghiệp (do vượt 35% vốn theo quy định).

Tuy vậy, thực tế cho thấy cả 5 cổ đông chiến lược đều ủng hộ kế hoạch ban lãnh đạo đề ra. Theo đó, ĐHĐCĐ thường niên 2018 ghi nhận có 22 cổ đông tham dự, chiếm 96,78% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (trong đó 92,98% là số cổ phần của các cổ đông chiến lược nắm giữ).

Và, tất cả các tờ trình tại ĐH đều được thông qua.

Điều này không hẳn chỉ dừng lại ở lý do đơn thuần là sự ủng hộ giữa các nhà đầu tư chiến lược và ban lãnh đạo doanh nghiệp!

Tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy, cổ đông chiến lược Lê Anh Hồi là cha ruột ông Lê Văn Hướng - Nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã JVC). Thú vị hơn, cổ đông chiến lược thứ hai - ông Nguyễn Hữu Điển chính là cha vợ ông Lê Văn Hướng.

Cổ đông chiến lược thứ ba như tìm hiểu là ông Bùi Văn Hải, dù không liên quan với vị nguyên Chủ tịch HĐQT JVC - ông Lê Văn Hướng, nhưng thực chất ông lại là một trong các cổ đông chiến lược của Công ty CP SARA Việt Nam (mã SRA) – đơn vị do ông Hướng tư vấn chiến lược.

Còn với bà Nguyễn Thị Nhung, dù không rõ lai lịch, nhưng như Nhadautu.vn đề cập trước đó bà đã bị xử phạt nửa tỷ đồng vì lập 18 tài khoản giao dịch chứng khoán nhằm tạo cung cầu mua bán cổ phiếu AMV. 

Ngoài ra, nguồn tiền huy động từ các cổ đông chiến lược này được AMV dùng để mua 25 triệu cổ phần Công ty CP Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ từ Công ty CP Kanpeki Nhật Bản, tương đương tỷ lệ sở hữu 83,33% vốn điều lệ. Đáng chú ý, người đại diện theo pháp luật hiện tại của Kanpeki là ông Nguyễn Hữu Hiếu - ông từng được bổ nhiệm làm người đại diện theo pháp luật & Giám đốc JVC thay ông Hướng vào tháng 6/2015. Thông tin tìm hiểu cho thấy ông Hiếu là con ông Nguyễn Hữu Điển (một trong năm cổ đông chiến lược nói trên) và là em vợ ông Hướng.

Nói một cách vắn tắt, ban đầu dàn lãnh đạo AMV được “thay máu” thành người liên quan tới ông Lê Văn Hướng, cùng với đó AMV đã phát hành cổ phần (và thu tiền) từ các cổ đông chiến lược (cũng là người liên quan tới ông Hướng), sau đó AMV chi tổng cộng 250 tỷ đồng mua cổ phần Công ty CP Đầu tư Bệnh viện Việt Mỹ từ tay Kanpeki Nhật Bản – một pháp nhân khác liên quan tới ông Hướng.

Dùng 250 tỷ đồng huy động từ “người có liên quan” để mua chính công ty “người có liên quan”, báo cáo tài chính của AMV đã được “làm đẹp” với chỉ số tài sản tăng trưởng, cụ thể tổng tài sản AMV sau khi M&A Bệnh viện Việt Mỹ (hết năm 2017) đã đạt gần 415,3 tỷ đồng, tăng gấp 20 lần so với số đầu kỳ, cũng như khi chưa thực hiện M&A.

Cùng với đó, doanh nghiệp đã “bơm” lên thị trường chứng khoán thêm 25 triệu cổ phiếu. Toàn bộ “lượng hàng” này theo đó đã được thị trường hấp thụ tốt khi thanh khoản giao dịch của AMV từ năm 2017 trở đi được tăng lên đáng kể.

Mức giá cổ phiếu AMV tính đến phiên 4/4/2019 đạt 30.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn rất nhiều so với mức giá phát hành ban đầu là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Bà Đặng Nhị Nương là ai?

Bà là mẹ đẻ bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh – Cựu Thành viên HĐQT – Phó Giám đốc Công ty CP Thiết bị Y tế Việt Nhật; ngoài ra bà Đặng Nhị Nương là em gái bà Đặng Thập Nương – mẹ vợ Cựu Chủ tịch HĐQT JVC, ông Lê Văn Hướng.

 

Nhắc lại sự việc liên quan đến ông Lê Văn Hướng

Vào năm 2015, ông Lê Văn Hướng bị bắt vì tội danh lừa đảo khách hàng  Trước khi thông tin này chính thức được công bố, cổ phiếu JVC đã giảm sàn 15 phiên liên tiếp.

Đáng chú ý, BCTC kiểm toán sau đó đã gây chấn động với cổ đông JVC. Cụ thể, Công ty đã sử dụng khoản vốn 750 tỷ đồng từ việc chào bán cổ phiếu ra công chúng để chi trả một số khoản không nằm trong kế hoạch đã được ĐHCĐ thông qua, bao gồm thanh toán thuế Giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản chậm nộp thuế với tổng giá trị gần 104 tỷ đồng và góp vốn vào công ty liên kết trị giá 500 triệu đồng mà không hề có công bố nào.

Tính đến ngày 1/4/2015, BCTC JVC ghi nhận khoản tiền mặt lên đến gần 500 tỷ đồng và tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng trị giá hơn 285 tỷ đồng, tổng cộng chiếm 1/3 tài sản ngắn hạn nhưng trong BCTC sau đó, các khoản này đã biến mất, đến 31/4/2016 còn vỏn vẹn gần 9 tỷ đồng tiền và tương đương tiền.

Trong khi đó, khoản lớn nhất lên đến 403 tỷ chính là tiền ứng trước, tiền bảo lãnh và thanh toán hộ cho Công ty CP Thiết bị Y tế Triết Tôn Tiên (315 tỷ đồng) và Công ty TNHH Thương mại Hướng Đông (88 tỷ đồng). Đây đều là những công ty liên quan đến các thành viên của Ban giám đốc cũ hoặc thành viên mật thiết trong gia đình ông Lê Văn Hướng.

Đáng chú ý, 2 khoản bảo lãnh này đều chưa được ĐHĐCĐ phê duyệt và đã phải trích lập dự phòng 100%.

Sau đó, JVC công bố khoản lỗ gần nghìn tỷ đồng và đến 31/03/2017, lỗ lũy kế chưa phân phối là 1.019 tỷ đồng. Giá cổ phiếu JVC cũng rơi xuống mức giá 3.000 đồng.

Những hệ lụy này vẫn ảnh hưởng với JVC cho tới thời điểm hiện tại!

 

Theo Nhà đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến