Dự án sau 8 năm cấp phép vẫn chỉ là bãi đất trống. Ảnh: VĂN TUÂN
D’. Metropole Hà Tĩnh
Những ngày qua, nhiều cơ quan truyền thông lớn đồng loạt đưa tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh chính thức khởi công dự án D’. Metropole Hà Tĩnh vào sáng 15/6 tới đây. Theo đó, dự án tọa lạc trên đường Nguyễn Huy Tự có tổng diện tích hơn 2,4 hecta với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, bao gồm shophouse, biệt thự, nhà liền kề cùng nhiều tiện tích đi kèm.
"Đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết, nhận thấy nhiều yếu tố thuận lợi, tiềm năng đầu tư, nhu cầu thị trường cũng như mong muốn đóng góp vào sự phát triển của Hà Tĩnh, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã quyết định đầu tư và xây dựng dự án D’. Metropole Hà Tĩnh. Đây là dự án đầu tiên đánh dấu sự phát triển và thay đổi trong chiến lược kinh doanh của Tập đoàn Tân Hoàng Minh ra các thành phố trên khắp cả nước", trích đoạn một bài viết đăng trên nhiều cơ quan truyền thông.
Sự kiện này không khỏi thu hút sự chú ý của công luận cũng như giới đầu tư Hà Tĩnh. Thương hiệu bất động sản hạng sang đến từ Hà Nội được kỳ vọng là bảo chứng cho sự thành công của tổ hợp 2,4ha nằm ngay cạnh trung tâm TP. Hà Tĩnh. Dù vậy, không ít ý kiến băn khoăn bởi dù được quảng bá rầm rộ, song từ trước đến nay dự án được giới thiệu của Tân Hoàng Minh lại không được người dân Hà Tĩnh biết tới, dẫn đến một câu hỏi lớn là, nguồn gốc dự án này ra sao?
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, dự án có nguồn gốc từ cuối thập niên trước. Ngày 25/12/2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 4213 về việc cho phép CTCP Xuân Thành Land khảo sát địa điểm, quy hoạch lập dự án đầu tư xây dựng phát triển đô thị tại khu đô thị Bắc, thuộc địa bàn phường Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh.
Tới ngày 26/9/2012, CTCP Xuân Thành Land được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án có tên đầy đủ là Khu nhà ở chức năng Xuân Thành Land - Nguyễn Huy Tự. Theo đó, quy mô dự án là 24.733,8m2, bao gồm hạng mục nhà ở thấp tầng 11.465,2m2, nhà ở cao tầng 2.897,8m2, còn lại là đất cây xanh và giao thông. Tổng vốn đầu tư của dự án là 364,346 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện bắt đầu từ Quý IV/2012 đến Quý II/2015.
Công nhân đang dọn mặt bằng, nhiều khả năng chuẩn bị cho lễ khởi công. Ảnh: VĂN TUÂN
Tuy nhiên dự án chậm tiến độ nghiêm trọng, đặt vấn đề lãng phí đất đai, gây bức xúc trong dư luận và cử tri địa phương. Ngày 25/4/2014, sau khi dự án chậm tiến độ 12 tháng, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 1684 do Phó Chủ tịch Lê Đình Sơn ký yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát tiến độ lần cuối, yêu cầu triển khai thực hiện dự án quyết liệt, trường hợp không đúng tiến độ cam kết, UBND tỉnh sẽ thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.
Dù vậy, dự án gần như không tiến triển. Ngày 5/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh ký công văn số 6573 phê bình chủ đầu tư (lúc này đổi tên thành CTCP ThaiLand) đã không nghiêm túc thực hiện dự án. Mặc dù vậy, theo đề nghị của Sở KHĐT, UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn đồng ý điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, theo đó gia hạn tiến độ đến cuối tháng 12/2017. UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư tập trung nguồn lực để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ điều chỉnh. Nếu không sẽ xem xét đình chỉ thi công, chấm dứt dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.
Dù được chính quyền địa phương tạo điều kiện, song khu đất vàng giữa lòng TP. Hà Tĩnh vẫn tiếp tục "im lìm". Tới đầu năm 2020, tưởng chừng dự án sẽ bị thu hồi sau 8 năm "đắp chiếu" để thực hiện đấu giá nhằm thu về khoản tiền tối đa cho ngân sách, đồng thời tìm kiếm nhà đầu tư có tiềm lực và nghiêm túc triển khai, nhưng diễn biến bất ngờ là việc UBND tỉnh Hà Tĩnh ngày 20/4/2020 có công văn số 2498 do Chủ tịch Trần Tiến Hưng ký, tiếp tục chấp thuận gia hạn dự án, một lần nữa, dựa trên đề xuất của Sở KHĐT.
Chỉ 3 ngày sau, Sở KHĐT Hà Tĩnh ngày 23/4/2020 nhanh chóng cấp Giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần 2, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án từ Quý II/2020 - Quý IV/2022.
Tân Hoàng Minh hay ThaiGroup?
Dự án vừa qua, như đã biết, được Tân Hoàng Minh giới thiệu khởi công vào ngày 15/6 tới đây. Vậy phải chăng tập đoàn của ông Đỗ Anh Dũng đã mua lại dự án này, hay mua lại cổ phần doanh nghiệp dự án?
Vế thứ nhất nhiều khả năng là không chính xác, bởi dự án chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật Kinh doanh Bất động sản, đồng thời thông báo khởi công dự án gửi tới UBND phường Nguyễn Du ngày 15/5 vẫn giới thiệu chủ đầu tư là CTCP ThaiLand.
Vậy thì Tân Hoàng Minh đã mua lại cổ phần dự án? Dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện tại Đăng ký doanh nghiệp thay đổi mới nhất ngày 30/7/2019, CTCP ThaiLand có vốn điều lệ 388,688 tỷ đồng, gồm 13 cổ đông góp vốn đều là các cá nhân, pháp nhân trong hệ sinh thái ThaiGroup của đại gia Nguyễn Đức Thuỵ. Trong đó, trực tiếp doanh nhân gốc Ninh Bình sở hữu 66,52%, ông Đào Minh Quang nắm 19,23%, CTCP Tập đoàn ThaiGroup 5%, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Xuân Thái 5%....
Có nghĩa rằng dự án đến nay vẫn thuộc sở hữu của Tập đoàn ThaiGroup. Vậy thì việc giới thiệu dự án do Tân Hoàng Minh đầu tư và xây dựng có thực sự chính xác? Với những phân tích trên đây, câu trả lời chắc hẳn không quá khó để nhận định.
Biết rằng vài năm trở lại xuất hiện không ít đồn đoán về một mối quan hệ đặc biệt nồng ấm giữa hai tập đoàn Tân Hoàng Minh và ThaiGroup, phần nào thể hiện qua những thương vụ làm ăn chung của hai ông lớn này. Trước dự án ở Hà Tĩnh, như Nhadautu.vn đã đề cập, CTCP Du lịch Kim Liên thuộc sở hữu chi phối của ThaiGroup hồi đầu năm đã đặt vấn đề hợp tác với Tân Hoàng Minh để triển khai khu phức hợp hạng sang trên đất vàng Khách sạn Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội. Bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu vừa qua của CTCP Thaiholdings (thành viên của ThaiGroup) cũng thể hiện Tân Hoàng Minh đang xúc tiến thuê văn phòng tại toà nhà Thai Holdings Tower 17 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Khi doanh nghiệp "mặc cả" với chính quyền
Dù có tiếng là tập đoàn tư nhân hàng đầu cả nước, song quá trình hoạt động của ThaiGroup tại Hà Tĩnh ít nhiều mang tới những góc nhìn thiếu tích cực đối với người dân và cả các cơ quan công quyền.
Bên cạnh loạt dự án đình trệ, chậm tiến độ, thì câu chuyện dưới đây về giá đất của dự án Nguyễn Huy Tự cũng là một ví dụ.
Ngày 10/12/2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 4272 do Phó Chủ tịch Lê Đình Sơn ký, thống nhất mức giá bình quân để thu tiền sử dụng đất là 3.941.000 đồng/m2. Quyết định nêu rõ mức giá này chỉ áp dụng trong năm 2012.
Ngày 15/3/2013, CTCP Xuân Thành Land có công văn số 28 gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, kiến nghị giảm giá giao đất, và áp dụng cơ chế nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng của dự án. Cả hai kiến nghị này đều bị UBND tỉnh Hà Tĩnh bác bỏ sau đó.
Việc xác định cụ thể giá đất được UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý chủ trương cho Sở Tài nguyên và Môi trường thuê đơn vị tư vấn theo công văn số 2207/UBND-NL2 ngày 19/5/2015.
Tới ngày 27/10/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 4112 về việc phê duyệt giá đất dự án. Theo đó giá đất bình quân để thu tiền sử dụng đất là 3.937.240 đồng/m2. Điều gây băn khoăn không chỉ là mức này còn thấp hơn mức giá được UBND tỉnh thống nhất vào cuối năm 2012, mà còn bởi là Quyết định 4112 căn cứ theo bảng giá đất năm 2015 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo giá đất năm 2015 quy định tại Quyết định số 94/2014 ngày 27/12/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, giá đất ở khu vực dự án là 8 triệu đồng/m2; đất thương mại, dịch vụ là 5,6 triệu đồng/m2.
Nếu dự án bị thu hồi và đấu giá theo Luật Đất đai, số tiền thu về cho ngân sách sẽ được nâng lên đáng kể, bởi theo bảng giá đất năm 2020, giá đất khu vực dự án đã được tăng lên 12 triệu đồng/m2 đối với đất ở và 8,4 triệu đồng/m2 đối với đất thương mại, dịch vụ. Lưu ý rằng giá trị thị trường trên thực tế còn có thể cao hơn nữa.
Dự án mang tên Khu nhà ở chức năng Xuân Thành Land - Nguyễn Huy Tự nằm trong chùm dự án do Tập đoàn Xuân Thành (nay là ThaiGroup) làm chủ đầu tư hoặc tổng thầu thi công ở Hà Tĩnh từ năm 2009, phần lớn đều rơi vào tình trạng "chết yểu". Trong một thương vụ ít biết, UBND tỉnh Hà Tĩnh cuối năm 2009 từng giao cho CTCP Xuân Thành Land lập quy hoạch dự án khu đô thị quy mô 5,28 tại ngã tư "vàng" Quốc lộ 1A - Hàm Nghi. Tuy nhiên việc triển khai quy hoạch chậm chạp và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thu hồi dự án, giao cho Tập đoàn Vingroup triển khai, nay chính là khu phức hợp Vincom - Vinpearl hiện đại nhất Hà Tĩnh. |
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy