Dòng sự kiện:
Bí ẩn về kho báu ba tạ vàng của Đề Thám
02/06/2015 09:02:42
Những tin đồn về một kho báu ba tạ vàng của Đề Thám đã tồn tại từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Tin liên quan

Những lời đồn ấy tập trung chủ yếu vào gia đình ông Dương Minh Châu (ngụ làng Thị, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Vì theo “gia phả truyền miệng”, ông vốn là con cháu của một tướng lĩnh thân cận của “hùm thiêng Yên Thế” – người nắm giữ bí mật về kho báu ba tạ vàng của Đề Thám.

“Gia phả truyền miệng” của gia đình cận vệ

Cho đến nay, số phận của người anh hùng Hoàng Hoa Thám (còn gọi Đề Thám) vẫn là một bí ẩn lớn của lịch sử. Cũng chính vì thế, xuất hiện nhiều lời đồn, nghi vấn xung quanh cuộc đời của vị anh hùng nghĩa quân Yên Thế này. Một trong số đó, là lời đồn được cho là xuất phát từ gia đình của một người cận vệ Hoàng Hoa Thám, về một kho báu chứa hàng tạ vàng của ông.

Theo đó, khu vực Yên Thế, Tân Yên xưa kia, vốn là chốn “đội trời đạp đất” của anh hùng thời loạn Hoàng Hoa Thám. Ông chuyên cướp của cải từ cường hào ác bá, những kẻ tham nhũng quốc khố để chia cho dân nghèo ở vùng này. Sau vụ được cho là “giả chết” ở chợ Nhã Nam. Nhiều người cho rằng, ông mang giấu số vàng dùng để nuôi nghĩa quân đâu đó trên vùng đất Yên Thế và Tân Yên.

Trò chuyện với PV báo Công lý và Xã hội, ông Châu khẳng định rằng, số vàng đó lên đến 3 tạ và nhiều ngọc ngà, châu báu khác. Một trong số những người tham gia chôn kho báu đó là Dương Phùng Xuân, bí danh là Tổng Hậu, ông tổ 5 đời của ông Châu. Chính ông Tổng Hậu là người truyền bí mật về kho báu lại cho con cháu.

ong-duong-minh-chau

Ông Dương Minh Châu

“Từ lúc tôi còn bé, tôi được bố và ông nội kể cho nghe về kho báu này. Câu chuyện về kho báu như một loại gia phả truyền miệng từ đời cụ Tổng Hậu, một tướng lĩnh thân cận của cụ Hoàng Hoa Thám.

Theo “gia phả” kể lại thì kho báu nằm trên đất nhà tôi. Trước đây, từng có hàng trăm người đổ xô về đây để tìm kho báu. Nhiều người hỏi mua đất nhà tôi với gia rất cao với mong muốn có thể dễ dàng đào thấy kho vàng”, ông Châu nói.

Cũng theo lời ông Châu, đến năm 1964, trong một vụ hỏa hoạn, nhà cửa bị thiêu rụi, hơn 9 gánh sách chữ Nho của bố ông Châu để lại bị biến thành tro bụi. Trong số sách bị cháy ấy có cả tờ bản đồ kho báu.

Từ đó, bản đồ kho báu bị thất truyền vĩnh viễn, chỉ còn duy nhất câu bí truyền về địa điểm của kho báu: “Thượng Ao Giành, hạ Đống Mai”. Cả 2 địa danh này đều có thực và nằm trên vườn đồi nhà ông Châu nhưng do nó quá rộng nên không ai có thể đoán biết được vị trí chính xác của kho báu.

Ông Châu khẳng định, bố mình từng “chạm mặt” lối vào kho báu này rồi nhưng khi ấy ông cụ như bị thôi miên tới khi tỉnh dậy thì không còn nhớ gì cả. Thậm chí, trước khi mất, bố ông Châu còn trăng trối: “Kho báu ấy đủ nuôi dân tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay –PV) ăn 3 năm không hết. Nhất quyết phải tìm cho được kho báu ấy”, ông Châu kể.

Nhiều lần truy tìm kho báu

Từ năm 1990, ông Châu cùng với cộng sự của mình là ông Đỗ Phương (ngụ quận Lê Chân, TP.Hải Phòng; một người rất am hiểu về địa chất) đào tung quả đồi nhà ông Châu trong suốt 10 năm. Ông Châu bảo rằng, khi đào sâu xuống lòng đất chừng 5m, thì tìm được một cái chum ở một khu vực trông giống như nơi hậu thờ của một ngôi mộ.

Đi đến gần cửa dẫn vào khu vực chôn cất kho báu thì có một loại đá rất kỳ lạ chắn lối. Mỗi khi có vật cứng chạm vào thì nó phát nổ và bắn vào người gây bỏng nặng. Qua khỏi “ám khí” tiến sâu vào trong lòng hầm nơi chôn giấu kho báu thì thấy có 3 con rùa nằm về ba hướng khác nhau, nhưng khi ghép lại thì hoàn toàn khớp với nhau.

Ngoài ra, còn có 9 đồng tiền khắc chữ “chiêu tài tiến bảo”, tất cả những đồng tiền này được xếp chạy dọc theo một đường thẳng dẫn đến Ao Giành. “Chúng tôi phát hiện ra được khá nhiều đồng tiền cổ và một cái tiểu sành. Trên mặt cái tiểu có chữ “đại thần quang”, trên chiếc tiểu khắc hình “rồng chầu mặt nguyệt”.

Mở ra thì thấy bên trong có một cái đầu lâu, chục cái xương, một cái bát, một cục đất tròn màu đỏ trông như một viên đá ong. Những thứ khác thì tôi biết nhưng riêng viên đá đỏ thì tôi chỉ nghĩ nó là một viên đá ong bình thường nên tôi vứt đi. Sau đấy, tôi mới biết đấy là hổ phách. Tiếc quá! Tôi có đi tìm nhưng không thể nhớ rõ là mình đã vứt ở chỗ nào”, ông Châu kể.

Như tin tức đã đưa 10 năm ròng rã với giấc mơ về kho báu, ông Châu và ông Phương không những không tìm được kho báu khổng lồ mà ngược lại còn tiêu tốn số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Cuộc săn tìm kho báu của Hoàng Hoa Thám thất bại đã trở thành một chuyện chưa bao giờ có thể quên với người dân nơi đây. Những tưởng rằng, sau sự thất bại ấy, thì người dân nơi đây sẽ “sợ” hẳn chuyện đi tìm kho báu.

Nhưng không, ông Châu vẫn tiếp tục viết đơn lên chính quyền xin phép tiếp tục truy tìm kho báu. Chính quyền đã ngăn cấm công việc tìm kiếm kho báu để tránh gây xôn xao dư luận và đánh động vào lòng tham của những kẻ hám vàng mà gây rối loạn trật tự trị an. Không phải riêng gì ông Châu, mà nhiều người dân làng Thị vẫn tin rằng trong đất làng mình có kho báu của tiền nhân thật.

mot-so-tien-xu-duoc-ong-chau-tim-thay

Một số tiền xu được ông Châu tìm thấy

Vài năm gần đây, nhiều hôm ông Châu thức dậy ra vườn, phát hiện xung quanh bụi mai lạ có những dấu vết của việc đào bới, tìm kiếm vàng ở đây. Ông đã bỏ tiền thuê máy xúc lấp bằng toàn bộ khu vực Ao Giành và Đống Mai, để những kẻ trộm vàng không thể tìm thấy địa điểm, như trong câu chuyện đã được truyền miệng nữa.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường (chuyên gia khảo cổ học), những chum lọ mà ông Châu tìm thấy là loại gốm Thổ Hà thế kỷ XVIII, đời Hậu Lê. Còn đồng tiền là “tiền bùa” mà các Phật tử hay đeo chứ không phải là tiền tiêu dùng bình thường. Từ câu nói bí truyền “thượng Ao Giành, hạ Đống Mai”, rất có thể vườn nhà ông Châu là nơi tọa lạc của ngôi chùa này. Do quá trình truyền miệng đã bị “tam sao thất bản” và biến thành câu “gia phả truyền miệng” về kho.

(Theo kienthuc.net)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến