Chật vật học công nghệ
Tuy quy định trên không phải là bắt buộc nhưng nhiều phường ở Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện khiến không ít người cao tuổi gặp khó, lâm cảnh "dở khóc dở cười".
Ông Nguyễn Văn M. (72 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) nói: "Tầm này tuổi rồi còn phải học về công nghệ hiện đại. Mà tuổi cao, trí nhớ kém nên học trước lại quên sau. Không phải lúc nào cũng có con, cháu ở nhà để hỏi và nhờ giúp đỡ. Đôi khi hỏi nhiều quá chúng nó lại càu nhàu là nói bao nhiêu lần rồi sao không nhớ”.
Ông M. cho biết, thời gian gần đây, ông nhận được thông báo sẽ được trả lương hưu qua tài khoản ngân hàng. Lúc đầu, ông rất mừng vì phương thức này sẽ nhanh gọn, tiện lợi, ông không phải mất thời gian ra phường chờ lĩnh lương nữa. Tuy nhiên, ngay sau khi đăng ký thực hiện, ông bắt đầu bối rối vì hàng loạt vướng mắc.
Đầu tiên là phải mở tài khoản ngân hàng. Sau năm lần bảy lượt hỏi các thủ tục rồi ra ngân hàng trực tiếp làm và nghe hướng dẫn, ông cũng có tài khoản để nhận lương hưu. "Không phải muốn lập tài khoản ở ngân hàng nào cũng được mà phải có quy định cụ thể xem bảo hiểm nơi mình sinh sống họ sẽ trả qua ngân hàng nào. Tôi do không biết nên đã mất công làm thẻ ở tận 2 ngân hàng khác nhau", ông M. nói.
"Nhưng có là một chuyện, còn sử dụng được hay không lại là chuyện khác. Người cao tuổi như tôi hầu hết đều đã mắt mờ, chân tay chậm chạp, lại không am hiểu công nghệ nên không thể thao tác trên các thiết bị điện tử phức tạp như điện thoại thông minh, cây ATM. Chính vì thế, mỗi khi mua bán hay cần chi tiêu gì, tôi chỉ dùng tiền mặt. Nhưng việc đi rút tiền với tôi cũng không đơn giản. Do không biết nơi nào có ATM, mỗi lần đi tôi lại phải nhờ con chở đi, chưa kể nhiều thao tác phức tạp do mỗi máy mỗi khác nên dù được hướng dẫn nhiều lần nhưng tôi vẫn bị thao tác lỗi”, ông M. tâm sự
Ông kể, có lần đi rút được tiền thì ông bị máy "nuốt" mất thẻ ATM do chậm trễ nhận lại, ông phải kỳ công đến ngân hàng để lấy thẻ. Có lần thì ông lo lắng đang có nhu cầu rất gấp cần đến tiền nhưng mất công đi xe ôm ra đến nơi thì lại phải quay về vì cây ATM hết tiền.
"Với người già như tôi thì chỉ có tiền lương hưu, không có khoản thu nào khác. Vì thế tất cả tiền đều trong tài khoản, nếu không rút ra được ngay lúc cần thì thật sự bất tiện và khó xoay xở", ông M. nói.
Việc trả lương hưu theo phương thức chuyển khoản bên cạnh những tiện lợi, cũng có nhiều bất cập khiến người cao tuổi lo lắng. (Ảnh minh họa: VnEconomy)
Cũng chật vật như ông T., bà Đỗ Thu Lan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) phải ghi cả số tài khoản, mật khẩu tài khoản ra ngoài để mỗi lần đi rút tiền không gặp trục trặc. Thế nhưng cũng có lần bà Lan do chậm chạp nên bấm nhầm mật khẩu, thao tác lại nhiều lần bà đã bị khóa thẻ. "Lúc đó tôi rất hoang mang, không biết phải xử lý thế nào, lại phải gọi điện cho ngân hàng nhờ trợ giúp. Chưa kể từ lúc có thẻ, tôi lại nơm nớp lo bị lộ mật khẩu hay thông tin cá nhân", bà Lan nói.
Việc không thể tự mình thực hiện các giao dịch ngân hàng khiến bà Lan nhiều lần cảm thấy bị phụ thuộc vào người khác. Mỗi ngày bà Lan phải học hỏi một ít để quen dần với công nghệ mới. Với giới trẻ thì đây là chuyện rất đơn giản, nhưng với người cao tuổi như bà Lan thì thực sự phức tạp, muốn thay đổi phải mất rất nhiều thời gian.
Nhờ người lĩnh hộ, nguy cơ mất trắng tiền lương
Nhiều người cao tuổi cho biết họ chọn cách ủy quyền cho người thân như con hoặc cháu thay mình nhận lương hưu qua tài khoản vì không thể tự mình thực hiện. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc này cũng suôn sẻ. Ông Nguyễn Văn T. (quận Gia Lâm) cho biết, khoản lương hưu mỗi tháng của ông được hơn 10 triệu đồng. Vì ở cùng vợ chồng cô con gái nên ông đã ủy quyền cho con gái lĩnh lương thay. Sau khi hoàn thành thủ tục, ông đã đăng ký tài khoản ngân hàng của con mình để nhận tiền lương.
Nhưng cũng chính vì thế nên ông không quản lý được tiền lương của mình, tháng nào con gái thông báo đã nhận tiền thì biết như vậy, tháng nào con gái quên không thông báo hoặc quên đưa thì ông cũng không dám hỏi. "Ở cùng với con, mọi thứ do con lo hết nên tôi cũng giữ ý không tiện hỏi nhiều, sợ con nghĩ là mình tiếc tiền. Dù gì thì số tiền ấy tôi cũng đưa cho con mà thôi", ông T. chia sẻ.
Tuy nhiên, ông T. không khỏi băn khoăn: Nếu bố mẹ và con cái hòa thuận thì không sao, nhưng nhà nào không may mối quan hệ gia đình không được tốt, bố mẹ lại trót ủy quyền cho đứa con vô trách nhiệm hoặc chơi bời, nghiện ngập lấy lương hưu hộ thì chỉ có mất trắng.
"Tôi có đồng nghiệp giờ đang lâm cảnh này. Tháng vừa rồi, ông ấy chờ mãi không thấy có lương hưu, gặng hỏi thì con trai nói có việc nên tiêu hết rồi, khi nào có sẽ trả lại. Cả tháng trông chờ vào lương nên ông rất buồn vì giờ muốn tiêu gì cũng phải nhờ đến con cháu. Tôi đang khuyên ông ấy làm thủ tục hủy ủy quyền, phải là mình trực tiếp lĩnh thì mới bảo quản được tài sản của mình", ông T. kể.
Thừa nhận nguy cơ này, luật sư Trần Tuấn Anh - đoàn luật sư Thành phố Hà Nội, Giám đốc công ty Luật Minh Bạch - cho rằng việc trả lương hưu qua tài khoản ngân hàng tuy có sự tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến người hưởng lương hưu nguy cơ mất tiền, bị chiếm đoạt tài sản.
“Người nhận lương hưu phần lớn là người cao tuổi, nhận thức về pháp luật, công nghệ thường không tốt. Do đó, việc nhận lương qua số tài khoản đôi khi sẽ trở thành phiền phức, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý”, luật sư Tuấn Anh nhận định.
Theo ông Tuấn Anh, thực tế mặt bằng chung xã hội và cơ sở vật chất tại Việt Nam vẫn chưa đồng đều, chưa đáp ứng được trình độ dân trí chung. Nếu tiến tới số hóa nhưng lại đưa trình độ của khu vực thành thị về nông thôn, vùng sâu vùng xa thì lại khiến họ gặp thêm nhiều phiền phức. Đơn cử như việc đi rút tiền qua ATM ở vùng ngoại thành, nông thôn hay vùng sâu, vùng xa là bất khả thi.
Nói về những rủi ro mất tiền khi nhận lương hưu qua số tài khoản, luật sư Tuấn Anh cho rằng, hiện nay tội phạm công nghệ hoạt động rất phức tạp và tinh vi, thời gian vừa qua kể cả những người trẻ, thậm chí các giáo sư, tiến sĩ cũng bị lừa mất tiền qua số tài khoản. Do đó, việc nhận lương hưu qua số tài khoản sẽ tiềm ẩn rủi ro bị lừa mất tiền.
Bên cạnh đó, luật sư cho rằng, không ít người cao tuổi không đảm bảo sức khỏe phải nhờ con cháu đứng tên nhận tiền lương hưu hộ và điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ bị chiếm đoạt số tiền này.
“Ví dụ, khi số tiền lương hưu lớn và diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến những người được ủy quyền nhận lương hộ nảy lòng tham và mặc nhiên chiếm đoạt số tiền này sau khi được ủy quyền nhận lương hộ. Trên thực tế tôi từng biết có những người đã qua đời nhưng con cháu không làm thủ tục báo tử để hòng hưởng tiếp những lợi ích trên”, ông Tuấn Anh nói.
Theo ông Tuấn Anh, khi việc này xảy ra, những người tự ý chiếm đoạt tiền lương hưu sẽ có nguy cơ bị xử lý hình sự.
“Dù đã ủy quyền cho người khác nhận lương hộ, nhưng tôi xin nhấn mạnh, số tiền lương hưu này vẫn là thuộc sở hữu của người ủy quyền. Nếu người được ủy quyền tự ý chiếm đoạt, sử dụng là vi phạm pháp luật. Lúc đó cơ quan điều tra sẽ xác định hành vi theo trường hợp cụ thể để kết luận hành vi vi phạm là chiếm đoạt tài sản hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để xử lý theo quy định của pháp luật. Đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người chiếm đoạt tiền lương hưu sẽ bị xử lý theo quy định tại Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Với những hành vi này, không cần đúng người bị chiếm đoạt tiền lương hưu đứng ra tố cáo, bất kỳ ai phát hiện hành vi này đều có thể tố cáo. Khi nhận được nguồn tin tố giác, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc”, luật sư Tuấn Anh phân tích.
Nhiều người cao tuổi gặp khó khi nhận lương qua tài khoản. (Ảnh minh họa)
Ông Tuấn Anh cho rằng, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người hưởng lương hưu, cần xét trên tình hình thực tiễn, có thể sử dụng song song cả hai hình thức trả lương qua số tài khoản ngân hàng và trả lương trực tiếp. Với những người có điều kiện sử dụng công nghệ có nhu cầu được trả lương qua số tài khoản ngân hàng có thể đăng ký sử dụng dịch vụ này, với những người khác hoàn toàn có thể nhận lương qua hình thức trực tiếp.
Làm rõ về điều này, một chuyên gia bảo hiểm xã hội cho biết, tại khoản 3 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng như Điều 93 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (hiệu lực từ 1/7/2025) có quy định 3 hình thức nhận lương hưu đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm: Thông qua tài khoản ngân hàng của người thụ hưởng; Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền; Thông qua người sử dụng lao động.
“Như vậy, việc thực hiện trả lương hưu qua tài khoản ngân hàng là không bắt buộc đối với người nhận lương hưu, mà từ 1/9/2024 sẽ triển khai thêm hình thức chi trả lương qua tài khoản ngân hàng đối với tất cả các tỉnh, thành mới chỉ đang thực hiện chi trả lương trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội, qua người sử dụng lao động”, chuyên gia lý giải.
Trên thực tế, từ 1/7, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã thực hiện chuyển tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng tại BHXH 43 tỉnh, thành phố. Từ 1/9, BHXH sẽ thực hiện tại 20 tỉnh còn lại. |
Tác giả: Thành Lâm - Công Hiếu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy