Dòng sự kiện:
Bí mật phía sau 2.000 cảnh làng quê đẹp mê hồn trong 'Thương nhớ ở ai'
13/01/2018 07:50:37
“Thương nhớ ở ai” được xem là phim truyền hình ăn khách thứ 3 trong năm 2017. Có được sự thành công đó là nhờ đóng góp không nhỏ của 2000 cảnh quay đậm sắc làng quê được xử lý theo công nghệ mới nhất.

2.000 cảnh, 40 con người và 3 năm thực hiện

“Thương nhớ ở ai” là bộ phim truyền hình dài 34 tập do NSND Lưu Trọng Ninh làm đạo diễn. Bộ phim khắc họa số phận bi kịch của những người phụ nữ nông thôn thời hậu chiến. Làng Đông - bối cảnh trong phim là một làng quê Bắc Bộ điển hình. Trải qua hai cuộc kháng chiến, ngôi làng vắng bóng đàn ông, chỉ còn những người đàn bà góa, ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng.

Họ không chỉ chịu nỗi đau mất mát người thân mà còn bị giam cầm, trói buộc bởi những định kiến, hủ tục… hà khắc. Phải đè nén, chôn giấu những khát khao hạnh phúc cá nhân. Ngay khi vừa công chiếu, bộ phim đã nhanh chóng đạt được mức rating kỷ lục, trở thành bộ phim “hot” nhất 2017, chỉ đứng sau “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng”.

Cảnh làng quê đẹp mê hồn trong phim "Thương nhớ ở ai".

Điều tạo nên sự thành công cho bộ phim không chỉ ở kịch bản và bối cảnh mà còn là 2.000 cảnh kỹ xảo được 40 con người thực hiện trong 3 năm ròng rã. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết, sau khi cùng ê-kíp đã đi khảo sát tại vô số các làng quê khắp Việt Nam để chọn bối cảnh cho phim, ông đã tìm ra 18 ngôi làng đáp ứng được tiêu chí bộ phim. Nhưng để có được những hình ảnh mà theo ông là “dâng lên khán giả hình ảnh một làng quê đẹp nhất từ xưa đến nay” thì công lớn thuộc về đội ngũ xử lý kỹ xảo.

Thực tế, vai trò hậu kỳ trong phim, nhất là đối với phim cổ trang như “Thương nhớ ở ai” rất quan trọng. Nếu không có kỹ xảo thì các bối cảnh sẽ phải dàn dựng. Việc dựng lại các bối cảnh đó đòi hỏi thời gian và kinh phí vô cùng lớn.

Ngay cả trường hợp có bối cảnh rồi nhưng phần lớn bối cảnh không toàn vẹn do yếu tố đô thị hoá, hiện đại hoá thì vẫn phải xử lý kỹ xảo. Nếu không có kỹ xảo thì bộ phận bối cảnh sẽ phải che chắn, quay phim phải quay tránh, quay né… Điều này làm phát sinh nhiều kinh phí, việc quay tránh, quay né cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nghệ thuật của phim. Đấy là còn chưa nói đến các phim viễn tưởng, phim chiến tranh bom đạn, phim thảm hoạ... thì kỹ xảo đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Kỹ xảo được coi là giải pháp tối ưu để tăng tính chân thực, nghệ thuật cho phim và cũng là phương án giảm giá thành sản xuất cho bộ phim.

“Thương nhớ ở ai” là phim truyền hình đầu tiên của VFC nói riêng và của Việt Nam nói chung có sử dụng hàm lượng kỹ xảo nhiều nhất. Đại diện nhóm 3D Art thực hiện kỹ xảo hình ảnh “Thương nhớ ở ai” cho biết, trước đây 3D Art được biết nhiều hơn bởi cái tên 3D Hà Nội. Nhóm đã dùng công nghệ kỹ xảo 3D phục dựng phố cổ Hà Nội được giải “Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội”...

Để có được những bối cảnh này, đội ngũ thực hiện kỹ xảo với 40 con người đã phải làm việc rõng rã trong 3 năm trời

“Trước khi làm “Thương nhớ ở ai” 3D Art đã có duyên làm việc với đạo diễn Lưu Trọng Ninh với vai trò concept bối cảnh, nhân vật và trang phục cho phim “Chiếu dời đô” sau này là phim “Khát vọng Thăng Long”. Trong quá trình đó, đạo diễn Ninh cũng biết anh em 3D Art rất quyết tâm theo đuổi mục tiêu trở thành một đơn vị làm kỹ xảo điện ảnh chuyên nghiệp và đặc biệt là kỹ xảo cho phim lịch sử.

Khi bắt đầu kế hoạch sản xuất phim “Thương nhớ ở ai”, đạo diễn Ninh có đặt vấn đề với 3D Art về việc làm kỹ xảo cho phim. Ông cũng xem qua các sản phẩm anh em đã làm như các clip 3D phục dựng phố cổ Hà Nội, xem phần kỹ xảo thực hiện cho phim “Con mắt bão” của đạo diễn Văn Lượng và một số TVC có sử dụng kỹ xảo khác nên ông cũng khá yên tâm. 3D Art coi đây là cơ hội “vàng” để hiện thực hoá ước mơ khởi nghiệp về kỹ xảo điện ảnh nên chúng tôi đã nhận lời và quyết tâm bằng mọi giá phải thực hiện tốt dự án này”, đại diện ê-kíp thực hiện phần kỹ xảo hình ảnh phim “Thương nhớ ở ai” chia sẻ.

Hoãn chuyện con cái vì mải làm phim

Vì khối lượng cảnh phải xử lý kỹ xảo của phim “Thương nhớ ở ai” tới 2000 cảnh nên việc thực hiện phải chia làm 3 giai đoạn: chuẩn bị, tiền kỳ và hậu kỳ. Riêng giai đoạn hậu kỳ là giai đoạn xử lý các cảnh cần làm kỹ xảo: thay phông nền, thay mái nhà, xoá cột điện, dây điện... kết hợp cùng các hiệu ứng đặc biệt như cháy nổ... bằng các phần mềm kỹ xảo. Ban đầu khi tính toán lý thuyết ê-kíp phải thực hiện hơn 300 cảnh nhưng thực tế con số đó tăng lên rất nhiều.

“Do bối cảnh trải dài từ Hà Tĩnh trở ra với 18 ngôi làng khác nhau, mỗi ngôi làng chỉ lấy một, hai góc đẹp nhất. Công việc của chúng tôi là phải làm cho tất cả 18 ngôi làng đó nhập lại làm một. Chẳng hạn, khi mở cửa nhà nhân vật A ở Đường Lâm thì góc nhìn qua cửa phải thay bằng bối cảnh ở Hà Tĩnh chẳng hạn... Các bối cảnh trong phim tuy đẹp nhưng không thể tránh khỏi một số yếu tố của hiện đại như: nhà lầu phía xa, cột điện, dây điện, chảo thu sóng... tất cả những yếu tố đó đều phải thay hoặc xoá đi.

Đạo diễn Ninh là người rất cầu toàn và để cho phim có được hiệu quả tốt nhất nên trong quá trình quay ông rất hay sáng tạo thêm nhiều cảnh mới nên chúng tôi cũng phải tuỳ biến cho phù hợp để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của đạo diễn. Vì thế, thay vì 300 cảnh dự kiến, thực tế số cảnh chúng tôi thực hiện lên đến hơn 2.000 cảnh trong gần 3 năm”, đại diện ê-kíp chia sẻ thêm.

Bộ phim "Thương nhớ ở ai" là phim truyền hình cổ trang đầu tiên của Việt Nam sử dụng nhiều kỹ xảo hình ảnh nhất.

Theo đại diện nhóm 3D Art, khi bắt tay vào thực hiện kỹ xảo hình ảnh cho “Thương nhớ ở ai”, ê-kíp đã được đạo diễn Lưu Trọng Ninh - Bùi Thọ Thịnh và DOP Hoàng Tích Thiện tạo mọi điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, do yêu cầu về mặt kỹ thuật trong sản xuất phim kỹ xảo là một khía cạnh rất mới nên đôi lúc mọi người vẫn chưa quen. Nhưng các nhân sự đã rất nhiệt tình để chia sẻ những vấn đề đó vì chất lượng của phim.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất là hôm đi quay bối cảnh ở chùa Thầy. Đội VFX phải thay toàn bộ cảnh đằng sau thuỷ đình bằng cảnh núi đá vôi. Bài toán là phải căng một tấm phông xanh dài 50m ngang qua hồ. Trời rét 9 độ nhưng thuyền không có, mượn xung quanh cũng chỉ có một cái thuyền đạp vịt nên anh em phải dùng thuyền vịt và ra sức đạp ra giữa hồ để căng phông. Căng xong do phông làm bằng chất liệu hút sáng nên rất sốp và dễ rách, cứ một cơn gió mạnh thổi là cả 50m phông bị kéo xuống mặt hồ, lúc đó đội VFX lại phải đạp vịt ra căng lại.

Bối cảnh quay tại cầu đá ở Nam Định cũng khiến ê-kíp không thể nào quên được. Đạo diễn thống nhất quay bên kia sông, anh em đã phải “set up” cả đêm. Khi quay trực tiếp thì đạo diễn muốn thêm cảnh để lột tả rõ hơn ý đồ nên bối cảnh lại phải chuyển sang bên này sông, anh em lại phải làm lại từ đầu...

Có một kỷ niệm mà cho đến giờ tôi vẫn còn cảm thấy vô cùng áy náy đó là trong đội VFX có một em vừa mới lấy vợ tại thời điểm bắt đầu làm hậu kỳ cho phim. Một năm sau, tôi hỏi tình hình con cái thế nào, cậu ý trả lời rất thật “Các anh không thấy cả năm vừa rồi em toàn ở trên công ty cả ngày lẫn đêm à?". Nói chung, chúng tôi trân trọng công sức lao động và tâm huyết của anh em ê-kíp vô cùng”.

Theo Dân trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến