Một độc giả VOV có câu hỏi gửi đến VOV.VN: "Tôi có vay của Ngân hàng X 3,7 tỷ đồng, thế chấp bằng 1 mảnh đất và 1 căn nhà 4 tầng (tầng 1 cho thuê kinh doanh). Nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, tôi không thể tiếp tục trả lãi và đáo hạn vay được. Đến nay, tôi đã hết khả năng thanh toán và bị chuyển sang nợ nhóm 2. Thời gian vừa qua, phía Ngân hàng X liên tục gọi điện yêu cầu tôi trả nợ, gửi các văn bản thông báo nợ quá hạn tới gia đình và chính quyền địa phương nơi gia đình tôi sinh sống, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người thuê, và văn bản yêu cầu bàn giao tài sản thế chấp. Xin hỏi, nếu tôi không bàn giao tài sản thì ngân hàng có quyền cưỡng chế thu giữ tài sản của tôi không? Tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Ngân hàng không được dùng hành vi theo kiểu "xã hội" để cưỡng chế con nợ. Chỉ có cơ quan Nhà nước mới được cưỡng chế sau khi có phán quyết của tòa án. Ảnh minh họa.
Về trường hợp này, luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Hồng Hiển & Cộng sự tư vấn giải quyết như sau:
Trong trường hợp vay thế chấp bằng tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên thì bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán khoản vay với ngân hàng. Nếu không thanh toán đúng, đầy đủ theo như thỏa thuận thì tài sản thế chấp sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 299 Bộ luật dân sự 2015.
Ngân hàng hiện nay đã nhiều lần gửi thông báo đến cho bạn, yêu cầu giao tài sản đảm bảo để xử lý. Tuy nhiên, Ngân hàng không có quyền cưỡng chế thu hồi tài sản đảm bảo, trong trường hợp bạn không giao tài sản thì phía Ngân hàng có quyền khởi kiện bạn ra Tòa và yêu cầu giải quyết theo quy định tại Điều 301 Bộ luật dân sự 2015.
“Điều 301. Giao tài sản bảo đảm để xử lý
Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.
Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.”
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi trong trường hợp xác định được Ngân hàng gửi thông báo, mời chính quyền địa phương tới nhà gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh thì bạn có thể thu thập những tài liệu, chứng cứ và khởi kiện ra Tòa án để đòi bồi thường nếu có đầy đủ cơ sở, căn cứ.
Trường hợp khoản nợ của bạn được xác định là nợ xấu hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15 tháng 8 năm 2017 theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng, thì Ngân hàng X có quyền thu giữ tài sản đã thế chấp nêu trên theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết này quy định: “Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này”.
Tuy nhiên, việc thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định theo khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14:
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 của Bộ luật Dân sự;
b) Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật;
c) Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;
d) Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền; không đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật;
đ) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều này.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật dân sự bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì ngân hàng có quyền xem xét, kiểm tra thực tế tài sản bảo đảm để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản bảo đảm, để xử lý hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định tại khoản 6 Điều 52 Nghị định này.
Tác giả: CTV Vững Nguyễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy