Dòng sự kiện:
Bí thư Bình Dương xin thôi làm đại biểu QH: Lý do sức khoẻ có chính đáng?
09/06/2021 08:04:43
Việc Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam làm đơn xin thôi làm đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe khiến dư luận băn khoăn.

Như tin đã đưa, ông Trần Văn Nam - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã nộp đơn xin rút khỏi danh sách đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Trần Văn Nam cho biết, vì lý do sức khỏe nên xin thôi không tham gia làm đại biểu Quốc hội khóa XV. Vì thế, ông “chủ động nộp đơn sớm” là để Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét trước khi công bố danh sách trúng cử chính thức vào ngày mai (10/6).

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương từng làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội 3 khóa (khóa XI, XII, XIV) và nếu lần này trúng cử, ông Nam có 4 nhiệm kỳ tham gia hoạt động của Quốc hội và chắc chắn giữ chức trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh. Việc ông Nam làm đơn xin rút khỏi danh sách vào thời điểm Hội đồng Bầu cử Quốc gia chuẩn bị công bố kết quả bầu cử, khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Đại biểu Quốc hội khóa XIV Lê Thanh Vân

Cần có sự giải trình thỏa đáng với cử tri

Nhìn nhận về sự việc này, ông Lê Thanh Vân - đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, thực ra câu chuyện này là bình thường, vì theo nguyên tắc, người nằm trong danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội và người trúng cử đại biểu Quốc hội đều có quyền xin rút khỏi danh sách người ứng cử hoặc xin không làm đại biểu Quốc hội với lý do chính đáng. Sức khỏe không bảo đảm được coi là một lý do để xem xét và thẩm quyền xem xét trong giai đoạn chưa công bố kết quả bầu cử thuộc về Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Tuy nhiên, quan sát câu chuyện theo hướng khách quan, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cũng cho rằng, đáng ra “anh ấy phải ý thức được tình trạng sức khỏe của mình trước khi làm đơn ứng cử đại biểu Quốc hội”.

Như vậy, nếu ông Nam mới phát hiện căn bệnh nan y hoặc một lý do đặc biệt khác có xác nhận của cơ quan chuyên môn là không đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ thì mới coi đó là lý do chính đáng. Còn nếu vì một lý do khác nhưng lấy cớ bằng lý do sức khỏe là không thuyết phục. Đương nhiên dư luận sẽ đặt câu hỏi về ý thức tự giác của ứng cử viên khi làm đơn ứng cử đại biểu Quốc hội.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, từ lúc làm đơn ứng cử tới nay là khoảng gần 3 tháng. Nếu lấy lý do sức khỏe, hẳn là ông ấy phải có một diễn biến cực kỳ xấu về sức khỏe, mới là căn cứ, lý do chính đáng để xin thôi không làm đại biểu Quốc hội.

Đồng thời đại biểu Lê Thanh Vân cũng đặt vấn đề đối với phía cơ quan chức năng có thẩm quyền, khi xem xét để giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, phải xem xét đến nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là yếu tố sức khỏe. “Cả hai phía đều cần có sự giải trình thỏa đáng với dư luận, cử tri để tránh có những nghi ngờ”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội khóa XIV Lưu Bình Nhưỡng (Ảnh: Lê Lam)

Không để cho cán bộ “dính án” lạm dụng lý do sức khỏe

Cùng quan điểm trên, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội khóa XIV, cho rằng, cơ quan chức năng có thẩm quyền phải làm rõ, bởi nếu không, ai cũng nói không đủ sức khỏe, lấy sức khỏe làm cái cớ. Nếu cảm thấy thực sự không đủ sức khỏe, thì ngay từ đầu khi được cơ cấu, đề cử, tại sao lại không ý kiến ngay.

“Có tình trạng là khi bị kỷ luật hay rơi vào vòng lao lý, nhiều cán bộ làm “động tác” cáo ốm xin thôi nhiệm vụ. Dư luận không rõ sẽ nghi ngờ, vì thế cần có sự giải trình rõ ràng với cử tri về tình hình sức khỏe của mình, đây cũng là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội”.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nêu vấn đề đồng thời cho rằng, nếu không làm cho rõ, thì đó sẽ là một thủ tục quen thuộc và ưa thích của một bộ phận cán bộ Nhà nước, khi dính vào một vụ việc nào đấy, lại lấy sức khỏe ra để che đậy, bao biện, dẫn đến việc lạm dụng lý do sức khỏe.

Và nếu thực sự vì lý do sức khỏe, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, cũng có trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền khi xem xét, đánh giá hồ sơ của ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Tại sao một người không có đủ sức khỏe lại cơ cấu họ vào những vị trí quan trọng. Dư luận đương nhiên sẽ nhìn ra câu chuyện này. Như thế, ông này cần có báo cáo và giải trình rõ ràng, trước hết với cử tri Bình Dương. Đó là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.

Ông Trần Văn Nam sinh năm1963, quê quán xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ông có trình độ chuyên môn là Cử nhân Luật, cao cấp Thanh vận (vận động thanh niên), Cử nhân Lý luận chính trị. Ông Trần Văn Nam từng trải qua nhiều vị trí quản lý, lãnh đạo tại địa phương, như: Bí thư Thị ủy thị xã Tân Uyên; Phó chủ tịch UBND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh; Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2015-2020) và tái cử nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông là đại biểu Quốc hội của Bình Dương khóa XI, XII và XIV (khóa XIV ông còn là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương).

Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), ông Nam ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1, thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên. Kỳ bầu cử này, Bình Dương có 19 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại 4 đơn vị bầu cử, bầu lấy 11 đại biểu.

Tác giả: Thanh Hà

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến