Sau hai tuần áp dụng Chỉ thị 16, từ 6/8, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố đến 6h ngày 23/8. VnExpress phỏng vấn ông Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, về vấn đề này.
- Cơ sở nào để Hà Nội quyết định tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16, thưa ông?
- Trong lần giãn cách đầu tiên, Ban thường vụ Thành uỷ đã cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định giãn cách 15 ngày kể từ 24/7. Những ngày sau đó, số ca mắc mới liên tục tăng, ngày cao nhất lên đến hơn 100 ca. Thực tế này cho thấy việc giãn cách là quyết định vừa đúng vừa trúng, giúp thành phố kịp thời kiểm soát được dịch. Quyết định cũng được người dân đồng tình và đa số chấp hành nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch.
Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Thành.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố và các địa phương trên cả nước đang diễn biến phức tạp, khó lường; số ca mắc trong cộng đồng vẫn cao và chưa rõ nguồn lây, nhiều ca không có biểu hiện dịch tễ.
Bên cạnh đó, một số chính quyền cơ sở còn lúng túng, chưa chủ động, chưa quyết liệt và thiếu sáng tạo, nhất là việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chưa thực chất, chưa hiệu quả. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn lơ là, chủ quan, chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội; vẫn còn tình trạng đông người đi lại trên đường, tại các chợ, siêu thị.
Để kiểm soát, ngăn chặn dịch, Thường trực Thành ủy đã nhất trí với đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND thành phố tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày theo nguyên tắc Chỉ thị 16. Đây là giải pháp tốt nhất tại thời điểm này.
- Ông đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay trên địa bàn như thế nào?
- Thành phố hiện có 10 chùm ca bệnh. Ngoài ra, qua chủ động rà soát, giám sát các trường hợp ho, sốt ngoài cộng đồng đã phát hiện trên 700 ca mắc tại 28 quận, huyện, thị xã.
Qua hơn 2 tuần giãn cách xã hội, bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực, kiểm soát được một số chùm ca bệnh phức tạp; chủ động sàng lọc cộng đồng các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở...và những người đi từ các tỉnh, thành có dịch trở về. Tuy nhiên, biến chủng Delta tốc độ lây lan rất nhanh và nguy hiểm, trong khi đó nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng chưa xác định được nguồn lây.
Đặc biệt, đã xuất hiện các trường hợp mắc trong bệnh viện, một số nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, chợ đầu mối... Nên có thể nói nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn thành phố là rất lớn, khó lường.
- Trước nguy cơ đó, biện pháp chống dịch quan trọng nhất ở Hà Nội hiện nay là gì?
- Trong giai đoạn hiện nay, biện pháp phòng chống dịch quan trọng của Hà Nội là chỉ đạo toàn thể hệ thống chính quyền và người dân đồng lòng thực hiện nghiêm việc giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 16. Thành phố phải tận dụng tối đa các ngày giãn cách để thần tốc truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; cách ly triệt để các trường hợp liên quan; dập tắt nhanh nhất ổ dịch mới, cố gắng không để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng.
Bên cạnh đó, thành phố khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19, bảo đảm minh bạch, đúng nguyên tắc, an toàn, hiệu quả. Nguồn cung cấp vaccine hiện nay từ Bộ y tế, nên được phân bổ đến đâu, thành phố sẽ thực hiện tiêm ngay đến đó.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra một điểm cách ly trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Tiến Thành
- Hà Nội đang chuẩn bị các kịch bản phòng chống dịch ra sao và kịch bản cao nhất là gì?
- Mặc dù dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang được kiểm soát, tuy nhiên như nhận định ở trên cho thấy rất khó lường. Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát các điều kiện, xây dựng phương án để đảm bảo sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch, cũng như đảm bảo đời sống nhân dân trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu và phức tạp hơn.
Cụ thể như nâng công suất xét nghiệm lên 200.000 mẫu mỗi ngày; nâng công suất cách ly tập trung lên 50.000 chỗ; nâng công suất giường bệnh điều trị lên 40.000 giường bệnh; thành lập các trung tâm hồi sức cấp cứu để có thể tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân nặng và nguy kịch....
Cùng với đó là phương án đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa của thành phố, không để khan hàng, thiếu hàng, hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng giá, đầu cơ găm hàng gây hoang mang trong dư luận.
- Trong trường hợp cần thiết, thành phố tính đến áp dụng biện pháp chống dịch mạnh hơn hay không?
- Thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16, đây là biện pháp giãn cách cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ hiện nay. Tuy nhiên việc áp dụng Chỉ thị 16 thành công hay không còn phụ thuộc vào sự tuân thủ của người dân và sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính quyền.
Thành phố đã yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch một cách thực chất, chắc chắn, hiệu quả theo đúng nguyên tắc: Người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình; kiên quyết yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó".
Các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn đối với khu vực đang phong toả, cách ly y tế. Việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu sẽ do chính quyền cơ sở thực hiện đến từng nhà người dân, đảm bảo nguyên tắc mọi người ở tại nhà của mình.
Chỉ khi Chỉ thị 16 được triển khai một cách nghiêm túc đồng thời với triển khai các biện pháp bao vây, khoanh vùng xử trí dịch bệnh kịp thời thì mới có thể tận dụng tối đa thời gian "vàng" giãn cách xã hội để đẩy lùi và ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
- Với tư cách là người đứng đầu Thành ủy, ông đưa ra khuyến cáo gì với người dân thủ đô trong cuộc chống dịch hiện nay?
- Chúng tôi yêu cầu người dân chấp hành nghiêm các quyết sách phòng, chống dịch của thành phố. Mọi người hãy thực hiện nguyên tắc của Chỉ thị 16.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 còn lâu dài, càng lúc càng khó khăn, các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở phải quán triệt quan điểm coi người dân là trung tâm. Bởi không có sự ủng hộ của nhân dân thì mọi chủ trương, chính sách, biện pháp đều không thể thành công.
Với những nòng cốt là lực lượng tuyến đầu, các lực lượng hỗ trợ và sự chung sức, đồng lòng, chấp hành nghiêm của nhân dân, Hà Nội chắc chắn sẽ đẩy lùi và chiến thắng đợt bùng phát dịch lần này.
Thành phố luôn đặt việc chăm lo sức khoẻ, đời sống của người dân là nhiệm vụ quan trọng nhất. Chúng tôi yêu cầu từng cấp, từng ngành phải quan tâm, chăm lo thật tốt đời sống nhân dân khi thực hiện giãn cách, không để người dân thiếu đói, người khó khăn mà không được giúp đỡ, người ốm, đau mà không được chữa trị kịp thời.
Ngoài những trường hợp được hỗ trợ theo nghị quyết của Chính phủ (gói 26.000 tỷ đồng), Hà Nội cũng giao các đơn vị rà soát và có chính sách hỗ trợ riêng của thành phố.
10 chùm ca bệnh ở Hà Nội hiện nay (1) Chùm ca bệnh liên quan đến số 90 Nguyễn Khuyến, Đống Đa (2) Chùm ca bệnh tại Tân Mai, Hoàng Mai; (3) Chùm ca bệnh tại Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ - 565 Nguyễn Trãi (liên quan Bắc Ninh); (4) Chùm ca bệnh tại Bùi Thị Xuân, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng; (5) Chùm ca bệnh tại B6 Trại Găng, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng; (6) Chùm ca bệnh liên quan đến nhà Thuốc Đức Tâm, Láng Hạ, Đống Đa; (7) Chùm ca bệnh liên quan đến người về từ TP HCM; (8) Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh (liên quan đến Bắc Giang); (9) Chùm ca bệnh tại Bệnh viện Phổi Hà Nội; (10) Chùm ca bệnh liên quan đến Công ty thực phẩm Thanh Nga địa chỉ tại 8/651 Minh Khai, Thanh Lương, Hai Bà Trưng. |
Tác giả: Võ Hải
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy