Dòng sự kiện:
Bị truy thu 575 tỷ đồng tiền thuế, Unilever vẫn 'chây ì'
18/11/2018 08:22:42
Kiểm toán Nhà nước xác định truy thu hơn 800 tỷ đồng của Unilever, tuy nhiên sau khi làm việc lại, thì con số kiến nghị truy thu giảm xuống 575 tỷ đồng. Nhưng, đến nay Unilever vẫn chưa nộp và tiếp tục khiếu nại.

Chiều ngày 15/11, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, cơ quan thanh tra và kiểm toán, cơ quan quản lý thuế, hải quan thực hiện rất nghiêm túc các kết luận của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước.

Theo Bộ trưởng Tài chính, quy định hiện nay cơ chế doanh nghiệp phải tự tính, tự khai, tự nộp, quản lý rủi ro về thuế.

Tương tự, Bộ trưởng Tài chính cho biết, khi cơ quan kiểm toán nhà nước kiểm toán, tại cơ quan thuế đối chiếu với các doanh nghiệp cũng phát sinh thêm số thu tăng thêm cho ngân sách.

“Cơ bản là đồng thuận, nhưng quá trình triển khai có những kết luận cơ quan thuế chấp hành nghiêm túc, báo cho người nộp thuế nộp thêm, nhưng người nộp thuế thấy chưa thoả đáng nên kiện lên cơ quan thuế là người ra quyết định, họ không đồng ý thì kiện lên cấp trên là Bộ Tài chính, "nếu không chấp hành nữa thì đưa ra toà".

"Nhưng chúng tôi đề nghị ở đây, ai kết luận thì người đó phải giải trình trước toà”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Tranh luận lại với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nói: Bộ trưởng có nói kiểm toán thực hiện đối chiếu sai nên các đối tượng nộp thuế kiện, liên luỵ đến cơ quan thuế.

Về vấn đề này, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh: “Tôi làm Tổng Kiểm toán gần 3 năm và chưa có trường hợp nào từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước để liên luỵ đến cơ quan thuế”.

Tiếp đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc cơ quan thuế để sót, lọt nguồn thu là hết sức lớn.

Tổng Kiểm toán lấy ví dụ trường hợp của Unilever vừa kiện lên Thủ tướng, Uỷ ban Tài chính Ngân sách giao trở lại, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra lại, xác định 584 tỷ đồng, “giờ họ đề nghị được nộp mà không chịu xử phạt”.

“Còn phạt hay không do cơ quan thuế quyết định chứ chúng tôi không được quyết định được”, Tổng Kiếm toán Nhà nước nói.

Trao đổi với báo chí ngày 16/11, ông Vũ Văn Cường, Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính), cho hay: Giai đoạn 2009 - 2013, pháp luật không ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với các hoạt động đầu tư mở rộng. Do vậy, giai đoạn này, Unilever Việt Nam đầu tư mở rộng nhưng không kê khai, tính, nộp thuế riêng đối với phần thu nhập phát sinh từ các hoạt động này là không đúng quy định.Ông Hồ Đức Phớc nói: "Đụng vào doanh nghiệp nào, doanh nghiệp đó cũnggiãy dụa. Chẳng hạn như Unilever, vừa rồi kiện lên Thủ tướng, lên Ủy ban Tài chính ngân sách. Sau đó, chúng tôi kiểm tra trở lại, thì xác định là 584 tỷ đồng. Giờ Unilever xin được nộp nhưng không xử phạt. Vấn đề xử phạt hay không thì do Tổng cục Thuế quyết định chứ chúng tôi không quyết định được".

Do đó, khi kiểm toán ngân sách TP Hồ Chí Minh năm 2015, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu hơn 800 tỷ đồng. Sau khi làm việc lại, thì con số kiến nghị truy thu giảm xuống còn 575 tỷ đồng (khác con số Tổng kiểm toán Nhà nước nói là 584 tỷ đồng - PV).

“Sau khi Kiểm toán Nhà nước xác định con số truy thu 575 tỷ đồng, Cục thuế TP. Hồ Chí Minh có yêu cầu Unilever nộp. Tổng cục Thuế cũng có công văn nhắc Cục thuế và Unilever thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Nhưng đến nay, Unilever vẫn chưa đồng ý và đang kiến nghị. Công văn mới nhất của Tổng cục Thuế vào ngày 6/11 cũng yêu cầu Cục thuế TP Hồ Chí minh phối hợp với Unilever làm việc với Kiểm toán Nhà nước.

“Hiện Unilever vẫn chưa nộp số tiền 575 tỷ đồng này”, ông Vũ Văn Cường cho biết.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến