Dòng sự kiện:
Bia Hà Nội: Báo lãi giật lùi vẫn về đích trước hạn
31/10/2023 13:30:37
9 tháng năm 2023, Habeco báo lãi giảm 38% so với cùng kỳ nhưng vẫn vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra nhờ kế hoạch sản xuất kinh doanh khiêm tốn.

Doanh thu, lợi nhuận đồng loạt giảm

Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco; HoSE: BHN) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Theo đó, Habeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.259 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Dù giá vốn hàng bán giảm nhưng lợi nhuận gộp của Habeco vẫn thấp hơn 17% cùng kỳ, đạt 589 tỷ đồng.

Trong quý, doanh thu hoạt động tài chính của Habeco ghi nhận cải thiện đáng kể, tăng tới 75% lên 58 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính được giảm tới 60%, xuống chỉ còn 944 triệu đồng.

Quý III/2023, Habeco đồng loạt tiết giảm chi phí nhân viên, nguyên vật liệu, bốc xếp vận chuyển… nhưng vẫn chi mạnh tay cho tiền quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ. Theo đó, Habeco đã dành ra 192 tỷ đồng cho số tiền này, tăng 20% so với cùng kỳ.

Sau khi trừ các chi phí, Habeco báo lãi đi lùi 54%, xuống chỉ còn 106,7 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Habeco đạt 5.510 tỷ đồng, giảm nhẹ 7%. Kết quả, ông chủ thương hiệu bia miền Bắc báo lãi 291 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ.

Năm 2023, Habeco đặt mục tiêu doanh thu đạt 7.367 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 222 tỷ đồng. Với mục tiêu đề ra khá khiêm tốn, chỉ trong 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành gần 75% kế hoạch doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Những điểm sáng hiếm hoi

Trong bức tranh sản xuất kinh doanh ảm đạm của Habeco, doanh thu tài chính lại là điểm sáng hiếm hoi khi ghi nhận tăng mạnh từ 87,4 tỷ đồng lên 161,8 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023, tương đương tăng 85%. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ khoản lãi tiền gửi tiền cho vay “phi mã".

Đối chiếu sang bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 30/9/2023, công ty có 3.495 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là các khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng đến 12 tháng, tăng 17% so với số đầu năm.

Đồng thời, công ty ghi nhận 110,8 tỷ đồng là khoản phải thu lãi tiền gửi có kỳ hạn và cho vay, tăng 78% so với đầu kỳ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy doanh thu tài chính của Habeco lên cao trong 9 tháng đầu năm.

Diễn biến thị giá cổ phiếu BHN (Ảnh: TradingView).

Chi tiết hơn về tình hình tài chính của công ty, tính đến cuối tháng 9, Habeco ghi nhận tổng tài sản đạt 7.559 tỷ đồng, tăng 4%. Chỉ số hàng tồn kho đạt 722 tỷ đồng. Tại ngày 30/9/2023, công ty đã trích lập hơn 19 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho.

Dư nợ đến cuối quý III/2023 của công ty đạt 2.017 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu kỳ. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của công ty được cải thiện đáng kể; giảm 72% xuống còn 27 tỷ đồng. Tại ngày 30/9/2023, công ty chỉ còn 2 khoản vay ngắn hạn tại Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (25 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (2 tỷ đồng).

Tác giả: Nguyễn Phương Anh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến