Dòng sự kiện:
Biden sẽ không vội vã giải quyết chiến tranh thương mại với Trung Quốc
23/01/2021 08:24:14
Joe Biden thừa hưởng từ người tiền nhiệm mối quan hệ rối ren với Trung Quốc, từ cuộc chiến thương mại đến lệnh trừng phạt các hãng công nghệ lớn.

Vài tuần gần đây, quan hệ Mỹ - Trung càng trở nên căng thẳng, khi Washington áp thêm lệnh hạn chế lên việc kinh doanh và đầu tư vào Trung Quốc. Tân tổng thống Mỹ sẽ có cách tiếp cận dễ đoán hơn và mang tính ngoại giao hơn cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chính quyền mới không thể nới lỏng sức ép với Bắc Kinh quá nhiều trong vấn đề thương mại và công nghệ.

"Mỹ rất khó đảo ngược xu hướng cứng rắn gần đây trong các chính sách với Trung Quốc, đặc biệt khi quan điểm tiêu cực về Bắc Kinh đang ngày càng tăng", Sylvia Sheng – chiến lược gia toàn cầu tại JP Morgan Asset Management cho biết trong một báo cáo tuần này.

Những người được Biden đề cử vào nội các của ông cũng củng cố quan điểm này. Bà Janet Yellen – sự lựa chọn của Biden cho vị trí Bộ trưởng Tài chính hôm thứ Ba cam kết sẽ giải quyết "những động thái phi pháp, bất công và mang tính lạm dụng" của Trung Quốc.

Joe Biden khi là Phó tổng thống Mỹ, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2013. Ảnh: Reuters


Joe Biden khi là Phó tổng thống Mỹ, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2013. Ảnh: Reuters

Cách tiếp cận đa phương về thương mại

Chính quyền Trump đầu năm ngoái đã ký hiệp định thương mại giai đoạn một với Trung Quốc, sau gần 2 năm phát động chiến tranh thương mại bằng cách áp thuế nhập khẩu mạnh tay với hàng Trung Quốc. Theo thỏa thuận, hai nước đồng ý giảm một số loại thuế và Mỹ dừng áp thuế bổ sung với 160 tỷ USD hàng Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc phải mua 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Dù vậy, tiến độ của thỏa thuận này chưa được như dự định. Tính đến tháng 11/2020, Trung Quốc mới đang trên đà hoàn thành nửa số sản phẩm cần mua, theo phân tích của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.

Còn rất nhiều vấn đề khác chưa được giải quyết. Ông Trump chưa xử lý được phàn nàn lớn nhất của Washington với Bắc Kinh, gồm thiên vị công ty quốc doanh và cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ Mỹ. Giới chức Trung Quốc đến nay vẫn phủ nhận các cáo buộc này.

"Ai đó có thể sẽ muốn quay về những ngày tốt đẹp trước kia và nối lại quan hệ thương mại", Roger Kay - nhà phân tích công nghệ tại Endpoint Technologies cho biết trong một báo cáo tuần này. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Trung Quốc là "một chiều", ông nói. Kay cho rằng Bắc Kinh thường yêu cầu các công ty Mỹ hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc và giao ra lượng cổ phần lớn.

Dù việc gỡ bỏ thuế nhập khẩu với Trung Quốc không thể là ưu tiên lớn với chính quyền Biden, một số chuyên gia, và cả bà Yellen, cho biết chính quyền mới sẽ hợp tác tốt hơn với các đồng minh lớn để chính sách thương mại dễ đoán hơn. Ví dụ, Biden sẽ khó có khả năng tấn công các đồng minh lâu năm tại châu Âu như Trump.

"Biden luôn nói ông ấy muốn tiếp cận Trung Quốc thông qua một liên minh. Và điều này cần thời gian để gây dựng", William Reinsch - một chuyên gia thương mại tại CSIS cho biết, "Mối quan hệ với Trung Quốc quá quan trọng để phớt lờ, nhưng tôi không thấy ông ấy vội vã chút nào".

Giải quyết căng thẳng công nghệ

Biden cũng sẽ phải điều hướng lại căng thẳng trong cả công nghệ và kinh doanh. Việc này rất khó lắng xuống, do cả hai đảng đều thống nhất quan điểm là Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Sau khi tấn công hãng thiết bị viễn thông Huawei và mạng xã hội video TikTok, Trump tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc trong những tuần cuối nhiệm kỳ. Chính quyền của ông áp hàng loạt lệnh trừng phạt mạnh tay lên các công ty Trung Quốc, khiến Biden khó tái thiết quan hệ một cách dễ dàng nếu ông muốn.

Hãng chip SMIC, hãng smartphone Xiaomi và hàng loạt công ty Trung Quốc khác bị đưa vào danh sách cấm nhận đầu tư của Mỹ. Sàn chứng khoán New York gần đây ra lệnh ngừng giao dịch với cổ phiếu 3 hãng viễn thông lớn của Trung Quốc và vài công ty khác để tuân thủ lệnh cấm đầu tư.

Một số hành động gần đây của Trump, bao gồm lệnh cấm người Mỹ giao dịch với các ứng dụng Trung Quốc, vẫn chưa được thực hiện hoàn chỉnh trong nhiệm kỳ của ông. Các chính sách khác, như cấm TikTok và WeChat, thì vẫn đang mắc kẹt ở tòa án. Hiện chưa rõ liệu Biden có nỗ lực thúc đẩy các biện pháp này hay không.

Tuy nhiên, "kể cả nếu Mỹ quay về thời kỳ dùng chính sách ngoại giao và ngôn ngữ có kiểm soát hơn, chúng ta có thể vẫn sẽ thấy các công ty công nghệ Trung Quốc bị xa lánh dưới thời Biden", Alex Capri - nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation nhận xét. Ông chỉ ra dịch vụ đám mây của Alibaba có thể gặp phải sự phản đối trên toàn cầu như công nghệ 5G của Huawei.

Một số chuyên gia lạc quan hơn về cách tiếp cận của Biden. "Chúng tôi cho rằng ông ấy sẽ tập trung vào các vấn đề trong nước", các nhà phân tích tại Jefferies cho biết trong một báo cáo hồi giữa tuần, "Dù nội các của ông ấy nói về Trung Quốc khá cứng rắn, chúng tôi cho rằng chiến lược của ông ấy sẽ thống nhất và ít tác động đến các thị trường tài chính hơn".

Tuy nhiên, những người khác thì khẳng định viễn cảnh quan hệ Mỹ - Trung Quốc xấu đi vẫn tồn tại. Hãng tư vấn Eurasia Group cho biết căng thẳng Mỹ - Trung là một trong những rủi ro lớn nhất của năm 2021. Ông cho rằng Biden có khả năng lên danh sách các đồng minh gồm EU, Nhật Bản và Ấn Độ để cùng chống lại Trung Quốc.

"Chính quyền mới sẽ có thành tựu, vì mối ngờ vực với Trung Quốc đang ngày càng lan rộng rồi", Ian Bremmer, Cliff Kupchan - các lãnh đạo của Eurasia Group nhận định trong một báo cáo tháng này.

Tác giả: Hà Thu (theo CNN)

Theo: Vnexpress
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến