Dòng sự kiện:
BIDV dồn lực trích lập dự phòng, đón nhận nguồn vốn quan trọng từ KEB Hana
24/11/2019 16:33:44
BIDV đã sử dụng hơn 70% thu nhập hoạt động trước dự phòng nợ xấu để trích lập dự phòng nợ xấu, đón nhận thêm nguồn vốn dài hạn quan trọng từ Ngân hàng KEB Hana (Hàn Quốc) thông qua thương vụ M&A lịch sử.

Theo báo cáo mới đây của Bộ phận Phân tích CTCP Chứng khoán SSI, điểm nổi bật trong hoạt động kinh doanh của BIDV trong quý III vừa qua là tái cấu trúc vốn, khingân hàng đặt mục tiêu giảm dần tiền gửi và trái phiếu dài hạn để giảm chi phí vốn, trước khi sắp được tăng vốn từ thương vụ M&A với Ngân hàng Keb Hana.

Cụ thể, BIDV đã mua tất cả tái phiếu vốn cấp 2 kỳ hạn 10 năm phát hành năm 2014 với tổng trị giá 7.300 tỷ đồng. Theo điều khoản phát hành trái phiếu, lãi suất trái phiếu sẽ được điều chỉnh tăng đáng kể nếu BIDV không mua lại sau 5 năm đầu tiên kể từ khi phát hành. Để thay thế các trái phiếu đó, ngân hàng phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 1.100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm, tất cả đều là trái phiếu cấp 2 có lãi suất thấp hơn.

Ngân hàng cũng điều chỉnh lãi suất tiền gửi để thu hút nguồn vốn ngắn hạn và giảm nguồn vốn dài hạn. Tính tới tháng 9/2019, tổng tiền gửi của khách hàng, chứng chỉ tiền gửi (CD), và trái phiếu có kỳ hạn hơn 1 năm giảm 5.000 tỷ đồng, trong khi tổng huy động với kỳ hạn 3-12 tháng tăng mạnh nhất (tăng 18,1% so với đầu năm).

Cùng với cấu trúc vốn được thay đổi, BIDV cũng điều chỉnh cơ cấu tài sản theo hướng tăng tỷ trọng cho vay ngắn hạn để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Tỷ trọng dư nợ cho vay ngắn hạn  tăng từ mức 61,8% cuối năm 2018 lên 62,9% vào cuối tháng 9 vừa qua. Với nguồn vốn dự trữ hạn chế, BIDV tăng đầu tư vào trái phiếu do ngân hàng khác phát hành, thường được áp dụng hệ số rủi ro bằng 0 (do đa số được đảm bảo bằng trái phiếu Chính phủ), đồng thời có ợi suất cao hơn so với cho vay ngắn hạn liên ngân hàng. Chiến lược này cho phép ngân hàng mở rộng tài sản sinh lãi với chi phí vốn đầu tư thấp.

Tuy nhiên, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) phản ánh chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi lại giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong 13 quý vừa qua. Lũy kế 9 tháng đầu năm, hệ số NIM trong giảm còn 2,46% từ mức 2,69% cùng kỳ. Theo SSI Research, chi phí huy động trong khi lợi suất tài sản sinh lời không cải thiện nhiều là nguyên nhân khiến hệ số NIM giảm mạnh. Ngoài ra, giai đoạn nửa đầu năm 2019 để tài trợ cho hoạt động cho vay do thiếu nguồn vốn dài hạn, ngân hàng đã phải tăng tăng huy động tiền gửi dài hạn và phát hành chứng chỉ tiền gửi.

Nhìn lại kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, dù hệ số NIM giảm, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng vẫn tăng nhờ thu nhập ngoài lãi tăng trưởng nhanh. BIDV cũng cải thiện hiệu quả hoạt động (tỷ lệ chi phí hoạt động /thu nhập (CIR) giảm còn 30,3%. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý III tăng 32,6% so với cùng kỳ mới là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế quý III chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm, chi phí dự phòng tăng 14,9%, lợi nhuận trước thuế đạt 7.030 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ.

Theo tính toán của SSI Research, BIDV đã sử dụng hơn 70% thu nhập hoạt động trước dự phòng nợ xấu để trích lập dự phòng nợ xấu. Đồng thời, ngoài dự phòng nợ xấu từ các khoản vay, SSI Research ước tính ngân hàng đã xóa hơn 3.300 tỷ đồng trái phiếu VAMC, tương đương hơn 51% dư nợ trái phiếu VAMC ròng đầu năm 2018.

"Ngân hàng lên kế hoạch xử lý tất cả trái phiếu VAMC trong năm 2019, do đó, khoảng 3.100 tỷ đồng dư nợ trái phiếu VAMC ròng còn lại sẽ tiếp tục được xử lý trong quý IV/2019", báo cáo của SSI Research dự tính.


Việc quyết liệt trích lập dự phòng cũng giúp chất lượng tài sản tiếp tục được cải thiện. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng lên 2,09% từ mức 1,9% cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu bao gồm dư nợ trái phiếu VAMC ước tính giảm xuống còn 2,46% từ mức 2,75% trong năm 2017 và 2,56% trong năm 2018.

Dư nợ trái phiếu VAMC tại một số ngân hàng đến cuối tháng 6/2019

Đầu tháng 11/2019 vừa qua, BIDV đã hoàn tất xong đợt phát hành riêng lẻ tăng vốn. Thương vụ giữa ngân hàng và KEB Hana đưa Keb Hana trở thành cổ đông chiến lược của BIDV, với 15% cổ phần. Đồng thời, BIDV nhận thêm nguồn vốn dài hạn quan trọng và nâng vốn điều lệ lên cao nhất trong hệ thống.

Theo: Báo Đầu Tư
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến