Dòng sự kiện:
BIDV giải trình gì về lợi nhuận tăng quá cao?
06/02/2024 08:03:57
Lợi nhuận sau thuế của BIDV trong quý 4-2023 cao hơn quý 4-2022 đến gần 49%, với con số đạt được là gần 6.210 tỉ đồng

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV- mã chứng khoán BID) vừa báo cáo giải trình trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) về biến động lợi nhuận sau thuế giữa quý 4/2023 và quý 4/2022 tại báo cáo tài chính của ngân hàng này.

Theo đó, quý 4/2022, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của BIDV là 4.156 tỉ đồng. Đến quý 4/2023, con số này đạt hơn 6.210 tỉ đồng, tăng đến gần 49% so với cùng kỳ. 

Giải trình lý do, Phó Tổng Giám đốc BIDV Nguyễn Thiên Hoàng cho biết BIDV tiếp tục chuyển dịch cơ cấu hoạt động theo hướng bền vững, kiểm soát chất lượng tín dụng, chi tiêu và thu nhập từ một số hoạt động tăng tốt như thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu BID đã tăng khá tốt trong thời gian gần đây, thanh khoản tăng mạnh so với 3 tháng trước. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch 5-2, cổ phiếu BID tăng mạnh 1.750 đồng, lên 48.650 đồng/cổ phiếu - so với đầu tháng 1-2024 tăng hơn 15%, còn so với tháng 10-2023 thì tăng gần 40%.

Tại đại hội cổ đông bất thường vừa diễn ra, BIDV cho biết đến hết ngày 31-12-2023, các chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng này đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và đại hội đồng cổ đông giao. Cụ thể, tổng tài sản BIDV đạt 2,3 triệu tỉ đồng; tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Huy động vốn đạt 1,89 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 16,5%. Dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 16,66%, đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,1%.

Với việc miễn giảm lãi suất, phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân với số tiền lên tới 5.900 tỉ đồng, BIDV cũng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 26.765 tỉ, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.650 tỉ đồng.

Giao dịch tại BIDV

Ngoài ra, BIDV đã nộp Ngân sách Nhà nước trên 6.200 tỉ đồng.

Về mục tiêu năm 2024, BIDV phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm với các chỉ tiêu chính: Dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%; huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, hiệu quả; kiểm soát tỉ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức ≤1,4%...

 Tác giả: Sơn Nhung

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến