Đôi nét về doanh nghiệp- doanh nhân
Ông cha ta đã dạy “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”- tạm dịch nghĩa: không làm nông nghiệp sẽ đói, sẽ loạn; làm nông nghiệp thì đủ ăn, không loạn, nhưng nếu không làm công nghiệp thì không thể giàu được; không làm thương mại, không ra thị trường, tức là không làm thương mại, dịch vụ thì không năng động, ứng phó kịp thời với các biến động của thị trường; không có tri thức thì dù ổn định, giàu có, năng động nhưng đất nước không hưng thịnh vững bền được…
Những người làm báo chí, những người làm doanh nghiệp- doanh nhân đều nằm trong 4 giai tầng, 4 ngành nghề này, nên có vai trò rất quan trọng đối với đất nước và đều cùng muốn đất nước ngày càng phát triển.
Doanh nghiệp- doanh nhân trước đổi mới có một số đặc trưng nổi bật. Về số lượng rất ít ỏi. Về bản chất, doanh nghiệp không ra doanh nghiệp, vì không có quyền tự chủ, mọi cái từ lao động, vốn liếng, vật tư sản xuất, sản phẩm tiêu thụ, giá thành, giá cả, lỗ lãi đều do Nhà nước quyết định. Doanh nhân không ra doanh nhân, thậm chí còn bị xã hội kỳ thị gọi là “con buôn”. Nguyên nhân quan trọng là do nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, không có hạch toán, không có thị trường; phân phối hiện vật thông qua tem phiếu, giá cả, tiền tệ… không phải là thước đo… cơ chế này vừa không phát huy được tính năng động sáng tạo, không thu hút được nguồn lực của xã hội, vừa tạo ra tâm lý ỷ lại.
Do vậy, một nghịch lý “riêng có” của kinh tế đã xuất hiện: không phải doanh nghiệp nuôi nhà nước, mà nhà nước đi vay để nuôi doanh nghiệp. Hậu quả là nền kinh tế- xã hội bị khủng hoảng nghiêm trọng, tiềm ẩn từ những năm cuối 70, bùng phát trong suốt những năm 80, kéo dài đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, với một số biểu hiện nổi bật. Tăng trưởng kinh tế chậm, có năm còn bị suy thoái, làm cho GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 1985 là 233,5 USD- nằm trong vài ba chục quốc gia và vùng lãnh thổ thấp nhất thế giới- đến năm 1988, năm đỉnh điểm của khủng hoảng, chỉ còn 86 USD, nằm trong mấy nước thấp nhất thế giới. Lạm phát phi mã, liên tục ở mức 2-3 chữ số. Cán cân thanh toán bị thiếu hụt nghiêm trọng. Doanh nghiệp cuối những năm 80 của thế kỷ trước bị phá sản hàng loạt, nhiều doanh nghiệp “chết không có chỗ chôn”. Tỷ lệ thất nghiệp lúc đó lên đến 13%...
Công cuộc đổi mới đã chuyển nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp với 2 loại hình chủ yếu là xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã, sang cơ chế thị trường. Mặc dù số doanh nghiệp nhà nước, các hợp tác xã giảm mạnh, nhưng tổng số doanh nghiệp của cả nước tăng với tốc độ cao.
Số doanh nghiệp theo đang ký kinh doanh đã lên đến khoảng 750 nghìn; thu hút 11,1 triệu lao động; với tổng lượng vốn lên đến 15,2 triệu tỷ đồng; với 6,1 triệu tỷ đồng giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn; doanh thu thuần năm 2012 (mới có số liệu đến hết năm 2012) đạt 11,2 triệu tỷ đồng; thu nhập bình quân tháng của người lao động trong các doanh nghiệp trên 5,3 triệu đồng (trong đó doanh nghiệp nhà nước trên 8 triệu đồng, doanh nghiệp ngoài nhà nước 4,4 triệu đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6 triệu đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 359 nghìn tỷ đồng…
Đội ngũ doanh nhân (tạm tính những người chủ cơ sở sản xuất kinh doanh) lên đến trên 1,3 triệu đồng; nếu kể cả các doanh nhân trong số các nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao, thì đội ngũ doanh nhân còn nhiều hơn nữa.
Không chỉ tăng lên về số lượng, mà quan trọng hơn là vai trò và chất lượng hoạt động của doanh nghiệp- doanh nhân đã được nâng cao rất nhiều. Doanh nghiệp đã trở thành trung tâm, là động lực của nền kinh tế. Vai trò của doanh nghiệp đã đổi ngược lại” doanh nghiệp nuôi nhà nước (chứ khong phải nhà nước đi vay để nuôi doanh nghiệp). Doanh nhân đã trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế trong nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, trong thời đại toàn cầu hóa, thế giới phẳng.
Sự phát triển của doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã góp phần giúp đất nước không bị cuốn hút vào vòng xoáy suy thoái (tăng trưởng âm hoặc đổ vỡ), mà còn thoát ra khỏi mấy cuộc khủng hoảng (khủng hoảng tài chính- tiền tệ khu vực 1997-1998, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới trăm năm mới có từ 2008). Doanh nghiệp- doanh nhân đã góp phần vào việc chuyển vị thế vĩ đại của đất nước là chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình; đang hướng tới năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Báo chí và doanh nghiệp- doanh nhân
Sự phát triển của doanh nghiệp- doanh nhân do nhiều yếu tố, trong đó có sự đóng góp của báo chí. Sự đóng góp của báo chí đối với sự phát triển của doanh nghiệp- doanh nhân được thể hiện trên nhiều mặt.
Doanh nghiệp- doanh nhân khi lựa chọn kênh đầu tư, loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thị trường, đối thủ cạnh tranh… đều rất cần có thông tin từ các nguồn, trong đó có nguồn từ báo chí. Như vậy, báo chí đã góp phần cung cấp thông tin cho doanh nghiệp- doanh nhân tham khảo để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường, cạnh tranh với hàng sản xuất trong nước,với hàng ngoại nhập, vươn ra biển lớn, cạnh tranh khi xuất khẩu ra nước ngoài. Các doanh nghiệp- doanh nhân đã góp phần đưa xuất khẩu một số mặt hàng có khối lượng lứon, có sức cạnh tranh khá, như dệt may, giày dép, cá ba sa, cà phê…
Báo chí cũng đã cảnh báo cho các doanh nghiệp- doanh nhân về những rủi ro trong cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập. Đã nhiều lần báo chí cảnh báo về những hạn chế của doanh nghiệp- doanh nhân Việt Nam. Quy mô bình quân 1 doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhỏ (32 lao động, 43,8 tỷ đồng vốn, 17,6 tỷ đồng tài sản cố định và đầu tư dài hạn, 32,2 tỷ đồng doanh thu, 1,03 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó nhiều loại hình doanh nghiệp còn nhỏ hơn. Vốn chủ sở hữu/tổng vốn hoạt động rất thấp (chỉ khoảng 31,5%, nhiều doanh nghiệp còn “tay không bắt giặc”), phải đi vay trong khi tăng trưởng tín dụng mấy năm nay thấp chỉ bằng 1/3 thời kỳ 2006-2010, làm cho nợ xấu lớn, tăng, kéo dài…
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn và trên doanh thu rất nhỏ- không những “khó thắng trên sân người”, mà có thể còn bị “thua trên sân nhà”. Báo chí cũng đã cảnh báo về hiện tượng “ăn chơi sớm” của một số đại gia giàu xổi, giàu dễ dàng bằng việc lách cơ chế hoặc may mắn, trong khi có rất nhiều rủi ro trong kinh tế thị trường rình rập, có thể “chết trên đống tài sản”, chuyển đổi vị thế giữa “chủ nợ” và “con nợ”…
Báo chí góp phần chuyển tải cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với các doanh nghiệp nhận rõ “hành lang pháp lý” cho việc vận hành.
Báo chí cũng đã đề xuất hiến kế với các cơ quan Đảng, Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô về nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp. Việc số lượng doanh nghiệp bị phá sản, ngừng hoạt động nhiều, gia tăng qua các năm và kéo dài là không bình thường, đã được báo chí cảnh báo.
Báo chí đã phối hợp với các cơ quan chức năng giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho doanh nghiệp- doanh nhân. Nhiều tờ báo lớn hàng năm hoặc 2-3 năm 1 lần đã tổ chức bình chọn, tôn vinh các doanh nghiệp đạt các danh hiệu cao quý (như Sao vàng đất việt, các doanh nghiệp có báo cáo tài chính tốt nhất trong năm…).
Báo chí cần phải tôn trọng những bí mật, nhất là những bí mật thương mại của doanh nghiệp, bí mật đời tư của các doanh nhân. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp- doanh nhân khó tránh khỏi những va chạm, sai sót và thường bị vướng vào nhiều tin đồn. Do vậy, những vấn đề chưa được kiểm định, báo chí cần có sự trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp- doanh nhân, tránh lạm dụng, lợi dụng để “hành” doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp- doanh nhân.
Nhìn tổng quát, doanh nghiệp- doanh nhân cần coi báo chí là phương tiện, người bạn đặc biệt, người bạn đồng hành của mình. Doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; nếu có người chuyên trách hoặc kiêm nhiệm phụ trách phát ngôn với báo chí hoặc phụ trách quan hệ với báo chí, để tạo thành cầu nối giữa doanh nghiệp với báo chí.
Doanh nghiệp- doanh nhân mong muốn báo chí thông cảm cho mình do điểm xuất phát của doanh nghiệp- doanh nhân Việt Nam còn thấp, còn rất mới, lại trong môi trường còn đang trong quá trình chuyển đổi, mở cửa hội nhập… nên rất cần báo chí có tiếng nói với xã hội, với Đảng và Nhà nước giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Rất mong Nhà nước tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa ngoài nhà nước, với doanh nghiệp nhà nước, kẻo “ra sân chơi” nhưng đã “chấm trước cho người thắng kẻ thu”. Báo chí cần góp phần tôn vinh sản xuất hàng hóa trong nước, coi “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lúc này là yêu nước, không nen quảng cáo nhiều về hàng độc, hàng đỉnh của thế giới có mặt sớm nhất ở Việt Nam…
Minh Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy