Dòng sự kiện:
Biến động nội bộ, Fideco vẫn báo lãi quý I/2022 gấp 3 lần cùng kỳ
11/04/2022 20:28:51
Mặc dù doanh thu từ hoạt động kinh doanh đi lùi nhưng khoản thu từ hoạt động tài chính tăng đột biến đã giúp Fideco báo lãi quý 1 tăng vọt.

Công ty Cổ phần Phát triển Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM (Fideco, MCK: FDC) mới đây đã công bố BCTC quý 1/2022.

Theo BCTC quý 1/2022, doanh thu thuần của Fideco đạt gần 4 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do doanh thu từ cho thuê văn phòng giảm và Công ty cũng không có bất kỳ doanh thu nào từ dịch vụ nhập khẩu ủy thác.

Mặc dù vậy, nhờ giá vốn giảm đến 21%, lợi nhuận gộp của Công ty gần như đi ngang ở mức xấp xỉ 3 tỷ đồng. Khác với doanh thu thuần, doanh thu tài chính của doanh nghiệp lại tăng gấp gần 3 lần cùng kỳ nhờ lãi tiền gửi và cho vay tăng mạnh, đạt xấp xỉ 4 tỷ đồng.

Về chi phí, Fideco không ghi nhận bất kỳ chi phí lãi vay và chi phí bán hàng nào. Việc không phát sinh chi phí bán hàng là do Công ty không phải chi phí hoa hồng môi giới cho hoạt động thuê văn phòng. Mặt khác, chi phí quản lý cũng ghi nhận giảm 5%, còn hơn 2 tỷ đồng.

Nhờ các khoản chi phí được tiết giảm đáng kể, Fideco báo lãi sau thuế 3,7 tỷ đồng trong quý đầu năm 2022, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của FDC ghi nhận 804 tỷ đồng, không thay đổi đáng kể so với đầu năm. Tuy nhiên, đáng chú ý là việc phát sinh khoản ứng trước 280 tỷ đồng của Fideco cho đối tác là CTCP Hưng Vượng Bến Lức để hợp tác đầu tư dự án trên địa bàn huyện Bến Lức, Long An.

Nợ phải trả của doanh nghiệp giảm nhẹ 3%, về mức 157 tỷ đồng. Công ty tiếp tục không ghi nhận số dư nợ vay tại thời điểm cuối năm.

Bước sang năm 2022, công ty đặt kế hoạch doanh thu 27 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 4 tỷ đồng, lần lượt giảm 90% và 55% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy sau 1 quý, doanh nghiệp mới thực hiện được 14,4% doanh thu thuần nhưng đã hoàn thành được tới 92% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Mới đây, HĐQT Fideco đã thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn.

Theo đó, công ty dự kiến chào bán 77,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.500 đồng/cổ phiếu để huy động 811,09 tỷ đồng. Tỉ lệ phát hành dự kiến 1:2 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 2 cổ phiếu mới với giá 10.500 đồng). Thời gian triển khai dự kiến trong quý II/2022 và/hoặc quý III/2022.

Fideco dự kiến sử dụng 689,3 tỷ đồng đầu tư vào Dự án Sơn Mỹ theo nhiều hình thức khác nhau phù hợp với quy định của pháp luật, bao gồm đầu tư, duy trì tỉ lệ sở hữu tối thiểu 51%; và 121,8 tỷ đồng dự kiến đầu tư mua tối thiểu 8,1 triệu cổ phiếu của Cảnh Viên với giá tối đa 15.000 đồng/cổ phiếu nhằm sở hữu tối thiểu 51% cổ phần của Cảnh Viên và gián tiếp sở hữu dự án Sơn Mỹ.

Trong một diễn biến khác, thời gian qua Fideco đã phải trải qua rất nhiều biến động về nội bộ khi doanh nghiệp thay đến 3 Chủ tịch trong chưa đầy 2 tháng.

Hiện nay, người đang ngồi ghế Chủ tịch của Fideco là ông Vũ Thiện Chương, được bổ nhiệm chính thức kể từ ngày 26/3. Tân Chủ tịch Fideco sinh năm 1981 và hiện đang là Giám đốc Chi nhánh Hikari Việt Nam tại TP.HCM.

Ngoài ra, hàng loạt nhân sự cấp cao của Fideo đã có động thái nộp đơn từ nhiệm ngay trước thềm đại hội thường niên được tổ chức.

Cụ thể, các cá nhân xin từ nhiệm gồm ông Trần Bảo Toàn (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Khánh Linh (Phó Chủ tịch HĐQT) và ông Trần Cao Long (Thành viên Ban Kiểm soát).

Để thay thế các vị trí bị bỏ trống, cổ đông Fideco đã thông qua việc bầu bổ sung ông Vũ Thiện Chương và ông Tạ Chí Cường (hiện là Tổng Giám đốc) vào HĐQT của công ty. Theo đó, số lượng Thành viên HĐQT của Fideco đã giảm từ 5 Thành viên xuống còn 3 Thành viên.

Trên thị trường, chốt phiên ngày 8/4 cổ phiếu FDC đang dừng ở mức 35.300 đồng/cổ phiếu (giảm 0,56%).

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến