Các đợt tăng giá trên toàn Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đạt mức cao nhất trong 13 năm, nhưng giả cả sẽ bắt đầu hạ nhiệt trong nửa cuối năm nay.
Sự gia tăng mạnh mẽ và nhanh chóng của lạm phát đang “chiếm spotlight” trên toàn thế giới, và có những lo ngại rằng con số tháng 1/2022 thậm chí sẽ thiết lập kỷ lục mới.
Giá tiêu dùng ở Eurozone đã tăng kỷ lục 5,1% trong tháng trước, theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đi ngược lại xu hướng được dự đoán.
Để có thể làm chậm đà tăng của lạm phát, trước hết cần phải hiểu nguyên nhân của nó.
Nguyên nhân của lạm phát ở Eurozone
Theo bài phân tích trên trang Euronews, giá cao ở châu Âu chủ yếu do chi phí năng lượng và chi phí thực phẩm tăng cao.
Giá năng lượng ở Eurozone trong tháng 1 cao hơn 28,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng kỷ lục. Trong khi đó, chi phí cho thực phẩm chưa qua chế biến tăng 5,2%.
Giá dịch vụ tiếp tục tăng 2,4%, trong khi tốc độ tăng giá hàng hóa chậm lại còn 2,3%.
Những thay đổi liên quan đến đại dịch chủ yếu giải thích cho những sự gia tăng này.
Các nền kinh tế ở châu Âu dần mở cửa lại vào năm 2021 khi ngày càng có nhiều hạn chế liên quan đến đại dịch được dỡ bỏ. Mọi người bắt đầu đi du lịch trở lại, lấy lại thói quen đi ăn ở nhà hàng. Họ mua sắm nhiều hơn. Họ có xu hướng muốn tiêu số tiền mà họ đã không thể tiêu trong giai đoạn các biện pháp hạn chế liên quan đến Covid-19 được áp dụng.
Nhưng ngành logistics đã không thể theo kịp tốc độ này.
Áp lực lạm phát toàn cầu ngày càng cao, một phần do đà tăng của giá thực phẩm và năng lượng. Ảnh: Getty Images
Các công ty đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu tăng nhanh chóng trong khi họ vẫn đang phải xây dựng lại chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn nặng nề bởi đại dịch.
Những thách thức, chẳng hạn như thiếu container vận chuyển, đồng nghĩa với việc vận chuyển hàng hóa trở nên khó khăn hơn và tốn kém hơn. Những khó khăn như vậy càng kéo dài, càng có nhiều khả năng các công ty sẽ chuyển những chi phí này cho người tiêu dùng thông qua việc tăng giá sản phẩm.
Dầu, khí đốt và điện cũng trở nên đắt đỏ hơn trên khắp thế giới.
Giá năng lượng tăng do sản xuất dầu và khí đốt không theo kịp nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến trở lại sau đại dịch.
Theo ECB, bởi vì một phần lớn chi phí của các công ty và người dân liên quan đến năng lượng, giá dầu, khí đốt và điện có ý nghĩa rất lớn đối với lạm phát tổng thể: một nửa mức tăng lạm phát gần đây là do giá năng lượng cao hơn.
Đáng chú ý, theo bài phân tích đăng trên trang Eurasia Review, tăng trưởng kinh tế ở Eurozone và lạm phát tiềm ẩn sẽ đồng thời được thúc đẩy hơn nữa nếu người tiêu dùng chi tiêu một phần số tiền tiết kiệm dư thừa mà họ chưa có dịp tiêu trong giai đoạn đại dịch hoành hành và các biện pháp phong tỏa được áp đặt.
Ngay cả khi mức tăng chi tiêu là vừa phải, tức là các hộ gia đình ở Eurozone chỉ sử dụng khoảng 1/3 số tiền tiết kiệm dư thừa của mình trong vòng 2 năm, điều này cũng sẽ cộng thêm 2,5 điểm phần trăm vào GDP và 0,75 điểm phần trăm vào lạm phát vào cuối của năm thứ hai.
Lạm phát sẽ kéo dài bao lâu?
Ủy ban châu Âu (EC) gần đây cho biết rằng, áp lực lạm phát có thể sẽ giảm trong năm tới.
“Sau khi đạt mức kỷ lục 4,6% trong quý IV năm ngoái, lạm phát ở Eurozone dự kiến sẽ đạt đỉnh 4,8% trong quý I/2022 và duy trì trên 3% cho đến quý III của năm nay”, EC cho biết trong một tuyên bố.
Nhà kinh tế người Áo gốc Mỹ Thomas Wieser, cựu Chủ tịch Nhóm công tác Eurogroup. Ảnh: New Europe
“Khi áp lực từ hạn chế nguồn cung và giá năng lượng cao giảm dần, lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống 2,1% trong quý cuối cùng của năm nay, trước khi giảm xuống dưới mức mục tiêu 2% của ECB trong suốt năm 2023”, tuyên bố cho biết thêm.
Nhưng sự không chắc chắn vẫn ở mức cao do triển vọng kinh tế châu Âu nói chung phụ thuộc vào căng thẳng Nga – Ukraine cũng như diễn biến của đại dịch trên toàn thế giới.
Thomas Wieser, một nhà kinh tế người Áo gốc Mỹ, từng là Chủ tịch Nhóm công tác Eurogroup trong những năm khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính, giải thích với Euronews rằng thực sự khó dự đoán khi nào lạm phát sẽ thực sự giảm xuống dưới mức mục tiêu của ECB.
“Chúng ta không biết. Nhưng tình hình ở chỗ chúng ta tốt hơn ở Anh hoặc Mỹ. Ví dụ ở Mỹ, các nguồn lạm phát của họ khác một phần với những gì chúng ta có trong khu vực Eurozone, nhất là các kích thích tài chính mạnh mẽ ở Mỹ. Các kích thích này, dựa trên một nền kinh tế vốn đã phát triển mạnh mẽ, cao hơn rất nhiều so với ở châu Âu”, Wieser cho biết.
“Thứ hai, chúng ta không biết khi nào các vấn đề của chuỗi cung ứng sẽ tự được tháo gỡ. Nhưng có một số lý do để hy vọng rằng trong nửa cuối năm, tình trạng này sẽ được cải thiện hơn nhiều”.
“Và thứ ba, việc tái cân bằng nhu cầu giữa hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế của chúng ta sẽ chỉ bắt đầu tăng lên khi phần lớn các hạn chế, bao gồm hạn chế đi lại, được dỡ bỏ. Một lần nữa, chúng ta có thể lạc quan vào nửa cuối năm nay. Nhưng không ai biết nó có thực sự sẽ như vậy không”.
Có thể làm gì để ngăn lạm phát gia tăng?
Đầu tháng này, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, bà không thể loại trừ rõ ràng việc tăng lãi suất vào cuối năm 2022, đồng thời cho biết rằng cuộc họp vào ngày 10/3 sẽ rất quan trọng vì nó liên quan đến việc Ngân hàng Trung ương sẽ xem xét quyết định kết thúc chương trình mua trái phiếu dài hạn hỗ trợ nền kinh tế thời đại dịch như thế nào.
“Nếu lạm phát tiếp tục, tôi nghĩ rằng có những lý do để rút lại các biện pháp kích thích khá sớm trong năm 2022”, Wieser nói với Euronews. “Lạm phát có hại cho những người tiết kiệm. Lạm phát có hại cho những người có thu nhập danh nghĩa cố định hoặc khá ổn định, bao gồm nhiều người hưởng lương hưu. Do đó, lạm phát cao luôn luôn có hại”.
“Và không chỉ Ngân hàng Trung ương có nhiệm vụ kiềm chế hoặc ngăn chặn việc làm cứng dữ liệu xung quanh mức lạm phát ngày nay, khu vực doanh nghiệp cũng có nhiệm vụ xem xét tình trạng tăng giá. Chẳng hạn, các tổ chức công đoàn cần xét đến việc tăng giá trong các cuộc đàm phán về tiền lương. Và đó cũng là một phần của các chính sách của châu Âu, từ chính sách thương mại đến các chính sách khác”, Wieser cho biết thêm.
Theo Thomas Wieser, thực sự khó dự đoán khi nào lạm phát sẽ thực sự giảm xuống dưới mức mục tiêu của ECB. Ảnh: Roschmann Group
Nhưng thực tế luôn là các hộ gia đình nghèo hơn bị ảnh hưởng nhiều nhất. Do đó, Guntram Wolff, Giám đốc tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels nói với Euronews rằng, cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn từ các nhà hoạch định chính sách.
Theo các chuyên gia, những người đang theo dõi tình hình trên khắp châu Âu và thế giới, rõ ràng là mức độ ảnh hưởng của đại dịch đến các quốc gia là khác nhau, nên lạm phát cũng vậy. Và cuộc tranh luận về việc làm thế nào để tiến lên trong thời kỳ hậu đại dịch là không dễ dàng.
Tác giả: Minh Đức
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy